Thứ 7, 27/04/2024 03:04:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:55, 03/08/2015 GMT+7

Thái Lan kêu gọi Việt Nam tham gia Tập đoàn Cao su quốc tế

Thứ 2, 03/08/2015 | 16:55:00 362 lượt xem
BPO - Thái Lan đang vận động Việt Nam tham gia Tập đoàn Cao su quốc tế (IRCo) nhằm bình ổn giá cao su trên thị trường. Đây cũng là nội dung trong hợp tác kinh tế song phương Việt Nam - Thái Lan.

IRCo được thành lập năm 2004 bởi Thái Lan, Indonesia và Malaysia với số vốn 225 triệu USD. Năm 2014, chỉ riêng ba nước này đã sản xuất 8,14 triệu tấn cao su tự nhiên, chiếm 67,5% thị phần toàn cầu (Thái Lan 4,32 triệu tấn, Indonesia 3,15 triệu tấn và Malaysia 669 ngàn tấn).

Liên kết các nước sản xuất cao su thiên nhiên để từng bước làm chủ giá bán 

Việt Nam đang là nước đứng thứ 3 về diện tích, sản lượng cao su tự nhiên (hơn 900 ngàn ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm). Do đó, Thái Lan rất muốn Việt Nam tham gia IRCo. Theo Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), giá cao su tự nhiên giảm do giá dầu thô giảm khiến giá cao su tổng hợp có thể thay thế cao su tự nhiên rẻ hơn. Cao su tự nhiên cũng chịu ảnh hưởng từ sự giảm giá này. Ngoài ra, ảnh hưởng của tỷ giá đồng USD/JPY đến giá cao su kỳ hạn trên sàn giao dịch Tocom (Nhật), chỉ số đô la Mỹ tại thị trường Sicom, tác động của giới đầu cơ… cũng là những nguyên nhân ảnh hưởng đến giá cao su tự nhiên. Giá cao su tự nhiên từ nay đến năm 2025 và bao giờ mới được phục hồi vẫn chưa có đáp án trả lời.

Theo VRA, trong những năm tới, do diện tích cao su giảm khi nông dân chuyển đổi trồng các cây khác để giảm sản lượng và kinh tế thế giới phục hồi sau thời kỳ suy thoái thì giá cao su, nếu có tăng cũng chỉ ở mức dưới 2.500 USD/ tấn.

Các nước trong khu vực đã có những giải pháp ứng phó trước tình hình giá cao su giảm: Thái Lan đã phê chuẩn yêu cầu của Tổ chức Đồn điền cao su (REO) về khoản vay 6 tỷ baht (184 triệu USD) để thu mua cao su nhằm đẩy giá lên. Ngoài ra còn thành lập các trung tâm thương mại cao su và các trạm giao dịch tạo nơi gặp gỡ giữa người mua và người bán; hay đốn bỏ 160 ngàn ha cao su nhằm giảm sản lượng; khuyến khích trồng xen cây ăn trái vải, nhãn, xoài… hoặc nuôi dế trong vườn cao su… Ở Ấn Độ thì giảm nhịp độ cạo, tăng thuế nhập khẩu cao su thiên nhiên lên 25% nhằm bảo hộ ngành cao su trong nước, trồng cây điều kết hợp trong vườn cao su. Srilanka trồng xen cây trà, đặc tính chịu bóng râm có giá trị kinh tế cao. Riêng Chính phủ Malaysia trợ cấp 130 triệu ringgit (34,7 triệu USD) hỗ trợ 260 ngàn tiểu điền có diện tích ít hơn 2,5 ha. Indonesia thì tăng tiêu thụ nội địa bằng cách đẩy mạnh ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng…

Theo VRA, hiện các nước Đông Nam Á và Ấn Độ đang chiếm khoảng 90% sản lượng cao su thiên nhiên nhưng không làm chủ được giá bán mà do người mua quyết định.

Việt Nam đưa ra một trong những giải pháp là nâng cao hiệu quả sử dụng đất bằng cách trồng xen các loại cây như cà phê (Tây Nguyên), dược liệu (Công ty Cao su Quảng Nam đang phối hợp với Viện dược liệu khảo sát). Thủ phủ cao su Đông Nam bộ đang triển khai trồng xen keo lai, cây rừng theo mô hình trồng cao su theo hàng kép nhằm tạo diện tích và thời gian trồng xen canh. Ngoài ra, chuyển chế độ cạo D2, D3 sang D4, nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó giảm suất đầu tư, giảm giá thành, đẩy mạnh cơ giới hóa… Nhiều doanh nghiệp đã giảm được 20-25% suất đầu tư nông nghiệp trong năm 2015. Song song đó là chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Áp dụng công nghệ kết hợp chế biến SVR 3L, SVR 5 với SVR 10, 20, tăng cường RSS. Đẩy mạnh thanh lý tái canh, đảm bảo chất lượng cao su thiên nhiên tăng cường kiểm tra và cấp giấy chứng nhận kiểm phẩm khi xuất khẩu, mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, giao thương.

Phương Hà (Nguồn từ VRA)

  • Từ khóa
38904

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu