Thứ 5, 18/04/2024 22:51:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:36, 26/07/2019 GMT+7

Thấm đậm tình quân dân

Thứ 6, 26/07/2019 | 15:36:00 929 lượt xem
BP - Sau gần 7 năm thực hiện Quy định tạm thời số 689-QĐ/TU ngày 3-12-2012 của Tỉnh ủy “Về trách nhiệm, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, ấp các xã biên giới” (Quy định 689), cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng phối hợp cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã biên giới đã đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Qua đó tiếp tục khẳng định ý nghĩa và sức mạnh của mối quan hệ mật thiết “quân với dân như cá với nước”, đặc biệt trên tuyến biên cương của Tổ quốc.

phân công đảng viên sinh hoạt tại địa bàn

Đồn biên phòng Lộc Tấn có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 21,618km đường biên giới, thuộc địa bàn 2 xã Lộc Tấn và Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh. 2 xã có 19 ấp, trong đó 3 ấp biên giới (Thạnh Tây, Thạnh Phú, Thạnh Biên); các ấp Bù Núi A, Bù Núi B, xã Lộc Tấn và ấp Thạnh Phú, xã Lộc Thạnh đông đồng bào S’tiêng sinh sống, kinh tế còn nhiều khó khăn. Quy định 689 và các văn bản liên quan ra đời, Đồn biên phòng Lộc Tấn tiến hành khảo sát lựa chọn các chi bộ dân cư giáp biên giới, phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, qua đó phân công cán bộ, đảng viên về địa bàn tham gia sinh hoạt. Từ năm 2012 đến tháng 6-2019, đồn đã giới thiệu 14 lượt đảng viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp ở các đội: Vận động quần chúng, trinh sát, phòng chống ma túy và tội phạm tham gia sinh hoạt tại 6 chi bộ ấp thuộc 2 xã nêu trên.

Em Trần Ái Hải Sơn (xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp) khoe thành tích học tập với mẹ và cán bộ Đồn biên phòng Thanh Hòa 

Trung úy Nguyễn Hữu Nhân, Đội trưởng Đội trinh sát Đồn biên phòng Lộc Tấn được phân công về sinh hoạt tại Chi bộ ấp Thạnh Biên, cho biết: “Tham gia sinh hoạt với chi bộ ấp là điều kiện giúp chúng tôi sâu sát hơn địa bàn, nắm được thuận lợi, khó khăn của khu dân cư, từng hộ dân, thậm chí từng người, từ đó tham mưu chi bộ ở nhiều lĩnh vực. Cái khó của chi bộ vùng sâu, xa, biên giới là địa bàn rộng, đảng viên ít. Hằng tháng, chúng tôi tham mưu nội dung sinh hoạt theo từng chủ đề, chủ điểm, chủ động lồng ghép tuyên truyền các nội dung của Luật Biên giới quốc gia, những quy định liên quan đến việc đi lại, làm ăn của nhân dân khu vực biên giới. Nhờ vậy, chất lượng sinh hoạt chi bộ được nâng lên, các nghị quyết ban hành sát tình hình thực tế”. Các đảng viên còn tham mưu thành lập được 6 tổ tự quản; tổ chức kết nghĩa cụm dân cư 2 tuyến biên giới (ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh với phum Miearchay, xã Soreacha, huyện Snuol, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia); tuyên truyền nhân dân bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tuyến giáp ranh an toàn, ổn định. Đảng ủy viên, Phó chủ tịch UBND xã Lộc Thạnh Nguyễn Văn Hải khẳng định: “Từ khi có bộ đội biên phòng về tham gia sinh hoạt ở chi bộ ấp, vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, tinh thần khối đại đoàn kết được phát huy, mối quan hệ giữa đồn biên phòng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân càng gắn bó, thân thiết”.

Tình quân - dân nơi biên giới

Thực hiện Quy định 689 của Tỉnh ủy, các cán bộ, chiến sĩ, đảng viên của Đồn biên phòng Thanh Hòa (Bù Đốp) ngày càng phát huy công tác vận động quần chúng, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc. Thượng tá Trần Xuân Nhã, Chính trị viên Đồn Thanh Hòa cho biết: Từ năm 2015, cán bộ, chiến sĩ đồn trích quỹ lương mua 3 con bò giống và 3 cặp dê giống tặng 6 hộ nghèo. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 13 con, đàn dê có 27 con. Cán bộ, chiến sĩ đồn còn tăng cường cùng Đồn biên phòng Tân Thành và nhân dân thực hiện các công trình phúc lợi đảm bảo các tiêu chí đưa xã Tân Tiến (Bù Đốp) về đích nông thôn mới đúng hẹn. Đồn còn thực hiện tốt việc hỗ trợ 3 học sinh khó khăn có điều kiện học tập, mỗi em 500 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, còn có nhiều hình thức hỗ trợ giúp gia đình các em vươn lên.

Chỉ huy Đồn biên phòng Lộc Tấn và các đảng viên Chi bộ ấp Thạnh Biên, xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh) thăm mô hình nuôi dê của gia đình ông Nguyễn Văn Mãi

Cùng một số cán bộ, chiến sĩ đội vận động quần chúng, chúng tôi đến thăm gia đình em Trần Ái Hải Sơn (1998), trú ấp 8, xã Thanh Hòa. Đây là một trong 3 em được Đồn biên phòng Thanh Hòa hỗ trợ học tập. Đồn còn tặng bò giống cho gia đình em, đến nay đã có 3 con. Ngoài ra, gia đình Sơn cũng được tặng dê sinh sản. Sơn bị bệnh xương thủy tinh, sức khỏe rất yếu, phải di chuyển bằng xe lăn. Chị gái Sơn là Trần Thị Ngọc Ngân bị bại liệt nằm một chỗ. Cha các em mới mất. Đáp lại tình cảm, sự quan tâm của mẹ, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh Hòa, Sơn và em gái Trần Thị Thúy Ái (2000) đều học giỏi, hiện học đại học tại thành phố Hồ Chí Minh. Sơn cho biết: “Sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng là động lực rất lớn giúp em và gia đình không ngừng vươn lên, không đầu hàng số phận. Hằng năm, chỉ huy đồn còn mời gia đình em vào ăn tết, tặng quà. Tình cảm của các chú và gia đình như anh em ruột thịt”. Đại úy Bùi Quang Hòa, Đội trưởng Đội vận động quần chúng cho biết: “Các trường hợp khó khăn chỉ được hỗ trợ tiền học đến hết THPT, riêng Sơn là trường hợp đặc biệt khó khăn nên đồn hỗ trợ em đến hết đại học”.

khi ý đảng hợp lòng dân

Việc tổ chức thực hiện đưa đảng viên đồn biên phòng tham gia sinh hoạt chi bộ ở các xã biên giới thời gian qua đã đạt kết quả rõ nét nhất là củng cố, nâng cao chất lượng, nền nếp sinh hoạt của các chi bộ thôn, ấp, phát triển đảng viên; phát huy vai trò tuyên truyền, vận động nhân dân, góp phần quan trọng tiếp tục xây dựng mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa quân và dân, củng cố lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng, chính quyền và quân đội. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh trên tuyến biên giới.

Đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh

Trên tinh thần của Quy định tạm thời 689, từ năm 2013 đến nay, hằng năm các đồn giới thiệu từ 83-96 đảng viên tham gia sinh hoạt ở 69 đến 79/124 chi bộ. Các đảng viên đã tham mưu: thành lập mới 2 chi bộ; xây dựng 50 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh; xây dựng 2.120 dự thảo nghị quyết; ban hành 87 quy chế làm việc của chi bộ, kết nạp 70 đảng viên; củng cố nâng cao chất lượng 304 chi hội đoàn thể; thành lập 237 tổ an ninh; mở 6 lớp xóa mù chữ cho 227 học viên. Bộ đội biên phòng phối hợp chính quyền cơ sở tuyên truyền vận động 22 đơn vị kinh tế, doanh nghiệp và 14.451 gia đình ký kết thực hiện phong trào bảo vệ 114,934km đường biên giới, 16/28 cột mốc chính, 60/173 cột mốc phụ; tham mưu các ấp, xã tổ chức giao lưu kết nghĩa được 8 cụm dân cư 2 bên biên giới; tham gia 5.479 ngày công lao động giúp nhân dân địa phương khắc phục hậu quả sau thiên tai, thu hoạch nông sản; xây tặng 252 căn nhà, tặng 65 bò giống cho hộ nghèo, gia đình chính sách; đỡ đầu thường xuyên 69 học sinh (trong đó có 9 học sinh Campuchia); tặng 45 con dê giống; 5 căn nhà “Mái ấm vùng biên”; 30 xe đạp cùng nhiều hiện vật trị giá hàng trăm triệu đồng cho hộ nghèo.

Đại tá Ngô Duy Thúy, Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội biên phòng tỉnh cho biết: Sau 7 năm thực hiện Quy định tạm thời 689 của Tỉnh ủy, các đồn biên phòng và cấp ủy, chính quyền các xã, huyện biên giới đạt được nhiều kết quả ở các lĩnh vực. Hầu hết các đơn vị đề nghị Tỉnh ủy thay thế Quy định tạm thời 689 bằng quy định chính thức để thuận tiện trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Quang Minh

  • Từ khóa
1551

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu