Thứ 6, 26/04/2024 14:20:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 14:49, 21/02/2015 GMT+7

Thắm đượm nghĩa tình ở ngôi trường vùng sâu

Thứ 7, 21/02/2015 | 14:49:00 763 lượt xem
BP - Từ trung tâm huyện Bù Đăng đến trường Tiểu học Đăng Hà khoảng 50km. Con đường vào trường bị xe quá tải băm nát, rất khó đi. Đón chúng tôi khi trời đã về chiều, thầy Phan Công Hiếu, Hiệu trưởng nhà trường nói: “Là mùa khô, chứ mùa mưa thì không cần giữ các chị cũng phải ở lại vì đường xấu không thể ra được”.


Lớp học ghép tại điểm trường Bàu Tre

Không để học sinh bỏ học vì thiếu thốn

Trường Tiểu học Đăng Hà có 1 điểm chính và 3 điểm lẻ (Bãi Cát, thôn 6 và Bàu Tre), với tổng số 371 em. Đa phần các em có hoàn cảnh khó khăn. Những giấc mơ đơn sơ như một bộ đồng phục mới trong ngày khai giảng, dụng cụ học tập đầy đủ hay chiếc xe đạp để đến trường... không phải em nào cũng có được. Thầy Phan Văn Thảo cho biết, những tháng cuối năm nơi này rất lạnh, hầu hết học sinh là con nhà nghèo, không đủ áo ấm đến trường. Đồ dùng học tập lại càng thiếu thốn. Vì thế, có khi giáo viên phải tự bỏ tiền túi ra mua cho các em. “Đi dạy, trong cặp tôi lúc nào cũng có một túi kẹo để dỗ dành các em. Cũng nhờ vậy mà học trò ngoan, nghe lời thầy và ít khi bỏ buổi học” - thầy Thảo nói.

Kết thúc tiết dạy cuối ở trường, thầy Thảo lại tất tả đến nhà em Lưu Văn Sỹ, học sinh lớp 52. Bốn năm liền Sỹ là học sinh khá giỏi, nhưng mấy ngày nay em không tập trung vào bài giảng. Thầy Thảo hỏi han, tâm sự, Sỹ vẫn không kể. Nghe các bạn gần nhà Sỹ nói, cha mẹ em mới ly hôn, không ai nhận nuôi con. “Khi đến nhà, chứng kiến bữa ăn chỉ có cơm với muối trắng của chị em Sỹ, tôi không cầm được nước mắt” - thầy Thảo nói. Sỹ tâm sự: “Cha em làm ăn xa, lâu lâu mới về mua ít gạo cho chúng em. Ngoài giờ đến lớp, em cùng chị gái đi phụ đóng gạch, bữa đói bữa no”. Thầy Thảo đã báo ban giám hiệu, xin học bổng, quần áo, dụng cụ học tập cho Sỹ.

Để lớp không “mất học sinh”, vào đầu năm học, nhà trường trao học bổng và hỗ trợ các em tiền sách vở, quần áo... Bằng sự kiên nhẫn và tình yêu thương dành cho học sinh, trường còn thiết lập nhiều mối quan hệ với các nhà hảo tâm. Mỗi năm, các nhà tài trợ vẫn thường xuyên về trường trao những suất học bổng, xe đạp, sách vở, lương thực cho học sinh nghèo... trị giá hàng trăm triệu đồng. Nhờ vậy mà 8 năm qua, tỷ lệ duy trì sĩ số của trường Tiểu học Đăng Hà luôn đạt 100%.

“Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã bắt đầu phân loại, nắm bắt hoàn cảnh từng học sinh để giáo viên chủ nhiệm hiểu rõ và theo sát các em. Qua đó, học sinh nào khó khăn cần được giúp đỡ, gia đình nào cần đến tận nhà vận động đều được thầy cô và nhà trường quan tâm, tạo điều kiện hết sức có thể để các em tới trường” - thầy Hiếu chia sẻ.

Bếp ăn tình thương phục vụ các em có hoàn cảnh khó khăn là điểm sáng của trường trong duy trì sĩ số lớp. Để có được bữa ăn cho các em, thầy cô phải đi vận động từng ký gạo, đóng góp từng cái nồi và tự tay nấu nướng. Bữa ăn có đầy đủ thịt cá, giúp các em no bụng để gắn bó với trường lớp.

Vì học sinh thân yêu

8 năm nay, bếp ăn dành cho học sinh khó khăn của trường Tiểu học Đăng Hà luôn đỏ lửa. Bếp ăn do thầy Hiệu trưởng Phan Công Hiếu khởi xướng thành lập. Bình quân mỗi ngày bếp ăn phục vụ 50 suất miễn phí. Kinh phí hoạt động chủ yếu từ sự đóng góp của các nhà hảo tâm. Mức ăn của các em khoảng 10 ngàn đồng/bữa, mỗi tuần 5 bữa trưa, do thầy cô trong trường nấu. Từ khi trường tổ chức bữa ăn trưa, các em rất vui, chất lượng học tập cũng được nâng cao.

Việc duy trì sĩ số lớp và đảm bảo giờ học cho học sinh vùng sâu, xa luôn là vấn đề nan giải đối với những người làm công tác giảng dạy. Bởi điều kiện đi lại khó khăn, những vất vả, lo toan trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày đã ngăn cản con đường tới lớp của các em. Tuy nhiên, tại trường Tiểu học Đăng Hà, nhờ sự cố gắng của cả thầy và trò đã có một kỳ tích. Đó là 8 năm qua, ngôi trường này chưa có bất kỳ học sinh nào bỏ học.

Trường Tiểu học Đăng Hà có 75% học sinh dân tộc thiểu số. Các em rất nhút nhát, một số em lớp 1 phát âm chưa chuẩn, tiếp thu bài chậm, nhưng rất ham học. Cô Nguyễn Thị Quế chia sẻ, ngày mới nhận công tác, thấy đường đến trường xa xôi, đi lại vất vả, nhiều lúc cũng nản lòng. Nhưng gắn bó với trường lớp, học sinh hiền lành, ngoan ngoãn, cô lại thêm yêu nghề, quyết tâm gắn bó với trường.

Điểm trường Bàu Tre xa điểm chính hơn 4km, còn nhiều gian khổ, học sinh 100% là người dân tộc thiểu số. Những ngày mới lập điểm trường, nhiều thầy cô giáo phải ăn, ở và sinh hoạt chung với gia đình học sinh. Hơn 15 năm công tác tại trường, cô Hoàng Thị Loan chia sẻ: Năm 1998, tôi từ Cao Bằng vào Đăng Hà dạy học. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó là một xã miền núi còn nhiều khó khăn và học sinh đang cần chữ. Nhận nhiệm vụ vào đầu năm học đang là mùa mưa, đường sá thì nhiều ổ gà, hố voi, đã có lúc tôi muốn bỏ cuộc, nhưng tôi đã vượt qua, ở lại “gieo chữ” cho các em. Lớp học tạm được thầy cô cùng phụ huynh dựng nên bằng tre, gỗ đã duy trì nhiều năm nay. Hiện lớp ghép với 2 ca sáng chiều, sĩ số học sinh cũng chưa quá 10 em/lớp nhưng lúc nào các em cũng có mặt đầy đủ.

Thầy cô “đi tết” học sinh

Thông lệ mỗi dịp xuân về, học sinh sẽ đến chúc tết thầy cô nhưng ở đây thì ngược lại. Thầy cô tổ chức đi chúc tết các em. Nói là đi chúc tết nhưng thực chất nhà trường tổ chức thăm hỏi những học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là nét đẹp mà thầy cô trường Tiểu học Đăng Hà duy trì hàng năm. Giá trị vật chất mỗi phần quà tặng các em không lớn, chỉ là bộ quần áo mới, vài ký gạo nếp, ít bánh kẹo... nhưng sự quan tâm của thầy cô đã nói lên tất cả sự yêu thương và cổ vũ các em vượt qua mọi khó khăn.

Muốn làm được việc này, gần cuối năm, trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm khảo sát những học sinh ở xa, lập danh sách để nhà trường tổ chức đoàn thăm hỏi, tặng quà các em ngay tại nhà trước khi nghỉ tết. Thầy Hiếu cho biết, dù đường đồi dốc khó đi nhưng các thầy cô vẫn lặn lội để mang niềm vui đến cho học sinh mỗi khi xuân về.

 “Em là học sinh nghèo, nhà ở xa trường nhưng năm nào tết đến, các thầy cô cũng đến tận nhà tặng quà. Biết thầy cô quan tâm nên em cố gắng học tập thật tốt” - Vi Thị Huyền, học sinh lớp 52 nói. Không riêng gì Huyền, có lẽ học sinh nào nhận được quà tết cũng cảm nhận được niềm vui từ tấm lòng thầy cô.

Thanh Thủy

 

  • Từ khóa
84920

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu