Thứ 5, 25/04/2024 08:28:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 06:32, 21/02/2015 GMT+7

Chống tham nhũng thời xưa

Thứ 7, 21/02/2015 | 06:32:00 6,328 lượt xem

BP - Tham nhũng luôn là mối họa lớn với dân, với nước, ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm coi tham nhũng như là một loại chuột nguy hiểm, chuyên đục khoét của dân, của nước. Nhà bác học Lê Quý Đôn coi tham nhũng là 1 trong 4 nguyên nhân mất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời coi tham nhũng là thứ giặc nội xâm, cũng nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm. Ngày nay, Đảng va Nhà nước ta coi tham nhũng đang là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, chống tham nhũng đang là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân. Và mong rằng, nhắc lại việc chống tham nhũng của người xưa sẽ là bài học hữu ích cho hậu thế hôm nay.

Được vua ban hai chữ “liêm tiết”

Lê Thánh Tông (trị vì từ năm 1460-1497), nổi tiếng là vị vua anh minh và thẳng tay trừng trị bọn tham nhũng. Chuyện xưa kể rằng, ông Vũ Tự là người làng Hoạch Trạch, tỉnh Hải Dương, làm quan vào thời cuối đời vua Lê Thánh Tông. Để thử đức của Vũ Tự, vua cho một người giữa đêm khuya đem đến nhà ông một mâm lễ vật quý và nói rằng anh ta vừa thắng kiện. Vũ Tự hỏi:

- Ta có biết anh là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?

- Bẩm thượng quan, tập tục bây giờ đều thế cả, đây là tấm lòng thành tri ân...

- Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?

Nói xong, Vũ Tự sai gia nhân đuổi tên nọ ra khỏi tư dinh.

Nghe tin tâu lại, vua Lê Thánh Tông khen Vũ Tự và ban tặng ngay hai chữ “liêm tiết” đính vào cổ áo triều phục mỗi khi vào chầu vua bàn việc chính sự.

Vua đóng giả ăn trộm để trị quan tham

Một lần vua Lê Thánh Tông cải trang thành môn sinh Trường Giám để bắt kẻ tham nhũng. Thấy ông “là học trò nghèo không có tiền về ăn tết”, người chủ quán bảo:

- Tôi ăn trộm rất tài. Mà chỉ lấy của người giàu thôi.

- Cho tôi đi với - “môn sinh” nói.

- Đồng ý. Đêm hôm đó, cả hai người đến nhà viên quan nọ, rồi nhanh như cắt, nhoáng một cái thì ông chủ quán đã chạy ra, vừa ấn vào tay “môn sinh” 5 nén bạc vừa nói:

- Viên quan coi kho của nhà vua giàu lắm.

Lúc đó, “môn sinh” cầm nén bạc lên xem hình dáng, kích thước, màu sắc... thì thấy đúng là bạc trong ngân khố của triều đình.

Sáng sớm hôm sau là ngày mồng Một tết, vua Lê Thánh Tông sai quân lính gọi viên quan kia vào cung và hỏi:

- Đêm qua nhà người bị mất trộm phải không?

Viên quan giật thót người, cố chối là không có trộm, không mất gì. Vua gọi mang ra 5 nén bạc có khắc chữ: “Ngư khố bạch kim” (bạc của kho triều đình). Lúc đó, viên quan coi kho mới hoảng hồn, cúi đầu nhận tội. Nhà vua hạ lệnh bắt giam rồi giao cho bộ Hình xét xử. Đồng thời, vua cũng truyền báo cho chủ quán nọ bỏ thói trộm cắp. Chủ quán vâng lời vua, làm việc chuyên cần, bỏ hẳn “nghề” tắt mắt. Dân quanh vùng vui mừng thấy chủ quán hoàn lương.

Bộ luật chống tham nhũng

Không chỉ bằng hành động cụ thể đối với hành vi tham nhũng, vua Lê Thánh Tông còn đặt ra Bộ luật Hồng Đức là bộ luật chống tham nhũng mạnh mẽ nhất, tích cực nhất ở nước ta thời phong kiến. Trong Điều 138 của bộ luật này có ghi: “Quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước thì bị phạt: tham ô từ 1 đến 9 quan tiền bị cách chức, từ 10 đến 19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém. Các quan ăn hối lộ từ 1 đến 9 quan bị phạt 50 quan, từ 10 đến 19 quan thì bị phạt từ 60 đến 100 quan, từ 20 quan trở lên bị phạt làm phu. Của hối lộ một phần trả lại chủ, một phần sung vào kho”. Nhờ pháp luật nghiêm minh nên tài sản của dân, của nước thời ấy đều dồi dào, phong tục thuần hậu, nhân dân yên ổn. Sử sách còn ghi rõ: “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi”. Dân gian có câu: “Đời vua Thái Tổ, Thánh Tông/Thóc lúa đầy đồng, trâu chẳng muốn ăn”.

Vua Minh Mạng chống tham nhũng

Minh Mạng là vị hoàng đế thứ 2 của triều đại nhà Nguyễn. Ông trị vì từ năm 1820 đến khi qua đời (1840) và là một ông vua thông minh, tài giỏi, chăm lo việc nước với mong muốn triều đại bền vững, hùng mạnh trên mọi lĩnh vực. Sau 20 năm trị vì đất nước, vua Minh Mạng cải cách hành chính nhằm củng cố quyền lực của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Đối với vua Minh Mạng, mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích xuống đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Là một ông vua luôn thưởng, phạt hết sức nghiêm minh, người có công cho dù người đó là ai; người nào tham ô của công dù làm quan với chức vụ cao đều bị vua Minh Mạng xử lý rất nặng, có khi vượt khỏi cả pháp luật.

Năm 1822, dưới triều vua Minh Mạng, tại Quảng Đức và Quảng Trị bị thiên tai nên gạo đắt, triều đình cho phát 25.000 hộc để bán cho dân. Người lính quản lý kho thóc ở kinh là Đặng Văn Khuê phụ trách phát thóc cho dân, nhưng mỗi hộc thóc lại thiếu vài cáp. Vụ việc bị phát giác, vua Minh Mạng giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng liền sai chém Khuê.

Vào tháng 5-1823, một ông quan làm việc tại Phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng bị phát giác. Bộ Hình đưa ra xét xử vụ án. Theo Điều 229 của bộ luật triều Nguyễn có đoạn viết: Kho của vua gọi là Nội Phủ, nó ở trong cấm địa của hoàng thành. Hễ lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu. Thay bằng tuyên án chém đầu, bộ Hình giảm xuống thành tội đi đày. Vụ án tâu lên, vua Minh Mạng không chấp nhận giảm án và dứt khoát hạ lệnh cho bộ Hình đưa can phạm ra chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người trông thấy. Trong sách “Đại Nam thực lục” có đoạn chép về sự việc này như sau: Thư lại Nội vụ Phủ là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng. Bộ Hình nghĩ xử tội chém chuẩn làm tội đồ. Án tâu lên. Vua dụ rằng: Khoảng năm Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Được thông đồng với thợ bạc là Nguyễn Khoa Nguyên đúc trộm ấn giả, để trộm đổi ấn ở kho, đều xử chém ngay. Nay Hữu Diệm ở đấy cân vàng mà còn dám công diêm lấy trộm, huống chi của kho thì sao? Thế là trong mắt hắn đã không có pháp luật. Chi bằng theo đúng tội danh mà định tội để răn người khác. Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người biết. Hồ Hữu Thẩm phải truyền cho bọn viên lại Nội vụ Phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một phương thuốc hay cho mọi người sao?

Cũng sách trên cho biết, vào năm Minh Mạng thứ 7 (1826), Trần Công Trung làm việc ở kho Phủ Nội vụ đòi ăn tiền làm khó dễ, chuyện bị phát giác rồi giao bộ Hình tra xét. Án xong tâu lên, vua Minh Mạng tuyên dụ: Vụ án Đặng Văn Khuê năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đã theo luật nghiêm trị, thế mà bọn Trung còn dám công nhiên làm bậy, không kiêng sợ gì. Tuy tang vật không quá 10 lạng nhưng luật quý ở chỗ làm cho lòng người sợ hãi, nếu làm ngơ để sống một mạng thì e sau này những kẻ khinh nhờn pháp luật sẽ nhiều ra, không thể giết hết được. Bèn sai chém Trung ở chợ Đông Ba.

Cũng sách “Đại Nam thực lục” có đoạn viết: Năm 1834, Tuần phủ Trịnh Đường tham ô tới 1.000 quan tiền bị phát giác. Trước kia, khi quân Xiêm (Thái Lan) tiến sát tỉnh Hà Tiên, Tuần phủ Hà Tiên Trịnh Đường lấy trộm 1.000 quan tiền công của kho đem xuống thuyền chạy trốn, có nguyên án sát Đặng Văn Nguyên trông thấy. Sau khi tỉnh Hà Tiên thu phục, Trịnh Đường lại tâu tiền ở kho bị giặc lấy mất. Đến khi Tham tán Hồ Văn Khuê phát giác, chỉ đích danh tham tặc và tâu lên, vua Minh Mạng biết chuyện, rất tức giận bèn tuyên dụ: Trịnh Đường trước đây có lỗi đã được gạt bỏ vết xấu mà lại dung. Để Hà Tiên thất thủ, tội đã khó tha thứ, lại còn dám nhân lúc ấy, lấy cắp tiền công đến 1.000 quan rồi vội bỏ thành trì đất đai mà chạy! Bản tâm của y chính là nhằm lợi dụng lúc có giặc cướp để làm việc gian tham, thực đáng ghét, nay lập tức cách chức, cho xích lại, giao Viện tiếp biện là Trần Chấn xét rõ, tâu lên. Sau khi thành án, Trịnh Đường bị xử tội giảo quyết (thắt cổ cho chết ngay).

Những sử liệu trên cho thấy, tệ nạn tham nhũng của công được vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạnh trừng trị rất nghiêm khắc, cho dù giá trị tài sản không lớn. Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là lương tâm, kỷ cương, phép nước. Xét trên bình diện của pháp luật, cả vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng đều dựa vào hệ thống pháp luật để đưa ra những biện pháp trừng phạt, đặc biệt đối với những người phạm tội thuộc hàng quan lại thì lại càng bị trừng trị nghiêm khắc, có khi nghiêm khắc hơn cả mức phạt đã được pháp luật đặt ra. Điều đó không ngoài mục đích gìn giữ kỷ cương, làm gương cho dân chúng. Với ý nghĩa ấy, việc phòng chống tham nhũng thời xưa rất đáng để người đời nay suy ngẫm.                                                    

H.A

  • Từ khóa
12602

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu