Thứ 7, 20/04/2024 04:22:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:34, 27/07/2016 GMT+7

Thần tướng thời Trần

Thứ 4, 27/07/2016 | 15:34:00 394 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ hai, ở tất cả trận đánh do tướng Nguyễn Chế Nghĩa trực tiếp chỉ huy, quân Đại Việt đều thắng lợi lớn và quân Nguyên - Mông phải khiếp sợ gọi ông là “thần tướng”.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi đội quân xâm lược của đế quốc phong kiến Nguyên - Mông vượt qua biên giới, Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo đã phong Nguyễn Chế Nghĩa làm đại tướng, rồi giao cờ lệnh cùng đại tướng Phạm Ngũ Lão đem 3.000 quân chặn giặc từ ải Nội Bàng, ải Nữ Nhi (vùng Bắc Giang ngày nay) đến Kỳ Cấp (vùng Lạng Sơn). Ông đã nghênh chiến với các tướng giặc là Trương Bằng Phi, Áo Xích Lỗ là hai tướng vào loại kiệt xuất của Nguyên - Mông. Nguyễn Chế Nghĩa một mình một ngựa một thương lao thẳng vào quân giặc mà chém giết. Ông gây nỗi kinh hoàng và đem cái chết đến cho bọn xâm lược. Sau đó, Nguyễn Chế Nghĩa được lệnh rút về Lộ Hương tham gia những trận đánh không cho giặc tiến nhanh về kinh thành Thăng Long. Và danh xưng thần tướng mà quân giặc dành cho ông từ trận đánh này.

Khi vua Trần cho triều đình và nhân dân rút khỏi kinh thành thực hiện kế hoạch “Vườn không nhà trống”, Nguyễn Chế Nghĩa được Quốc công tiết chế Trần Hưng Đạo giao nhiệm vụ ở lại tổ chức dân binh hoạt động ở vùng sau lưng địch. Ban ngày, ông lãnh đạo nhân dân chống địch giết hại nhân dân, cướp bóc của dân. Ban đêm ông đem quân tập kích vào trại giặc. Ông thiết lập mặt trận bí mật từ làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm đến Cư Xá, Hải Dương để chặn giặc không cho chúng đánh sang Lộ Hồng. Ông chỉ huy trận phục kích giặc ở cánh đồng cạnh rừng đay và giết 300 tên giặc, không một tên nào sống sót chạy về Thăng Long.

Khi quân ta chuẩn bị tổng phản công, Nguyễn Chế Nghĩa được lệnh của Quốc công tiết chế phối hợp với quân của Trung Thành vương tiêu diệt đồn Giang Khẩu ở ngoại thành Thăng Long. Nguyễn Chế Nghĩa cùng tướng Trần Nhật Duật chỉ huy đội quân thủy và quân bộ phục kích giặc trên sông Thiên Đức (sông Đuống) rồi truy diệt quân địch, giết hàng ngàn tên. Kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai, Nguyễn Chế Nghĩa được vua Trần phong chức U khổng Bắc tướng quân.

Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông lần thứ ba (1287-1288), Quốc công tiết chế phong Nguyễn Chế Nghĩa làm chánh tướng tiên phong, cùng hai ông Hùng Thăng và Huyền Du làm phó tướng tiên phong. Ông mang quân đóng ở Yên Hưng (Quảng Yên, Quảng Ninh ngày nay), rồi lại đem quân lên cửa ải Nội Bàng, chém chết tướng giặc là Trương Quân. Khi biết Thoát Hoan trốn chạy theo đường núi, không chạy theo đường sông Bạch Đằng, vua sai ba ông lên giữ ải Nam Quan, Chi Lăng đánh lui Trương Bằng Phi, Áo Xích Lỗ. Tiếp đó Nguyễn Chế Nghĩa nhận được lệnh đem quân về chặn quân giặc ở Vạn Kiếp. 

Khi vùng biên ải được bình yên, ông được nhà vua triệu về triều ban tước Nghĩa Xuyên công và lần lượt tới các chức vụ Đô úy, Thái úy. Nguyễn Chế Nghĩa được cử đi sứ Nguyên ba lần vào các năm 1302, 1321, 1331. Ông được nhà vua và triều đình quý trọng. Vua Trần gả công chúa Nguyệt Hoa cho ông và phong chức Phò mã đô úy. Đến cuối đời Trần Minh Tông, triều đình nhiễu nhương, vua ham chơi bời không lo đến quốc sự, bọn gian thần nhũng loạn. Nguyễn Chế Nghĩa khuyên can vua không được bèn từ quan về nghỉ ở đất Cối Xuyên quê hương ông và ở Kiêu Kỵ là đất vua ban cho ông làm thái ấp. Tại Cối Xuyên, ông giúp dân mở mang nghề nông, mở chợ Cối Xuyên, mở phường dạy võ cho thanh niên.

Khi vua Trần Hiến Tông mất, Trần Dụ Tông lên ngôi (1341-1369) và ngay sau khi đã củng cố được địa vị, Trần Dụ Tông liền trả thù. Vì trước đó, ông là một trong ba người phản đối việc lên ngôi của Trần Dụ Tông. Vì thế, vua Trần Dụ Tông đã sai bọn võ sĩ phục kích sát hại, khi đó ông 76 tuổi.

Lời bàn:

Trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai và thứ ba, mỗi khi ông xung trận, tướng sĩ quân giặc đều khiếp sợ và tôn ông là “thần tướng”. Sau khi chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba, nhưng thế giặc vẫn còn rất mạnh, để giữ hòa hiếu nên triều đình nhà Trần đã ba lần cử ông đi sứ sang nhà Nguyên và cả ba lần ông đều hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Điều này cho thấy, Nguyễn Chế Nghĩa vừa có võ công văn trị, lại vừa là nhà thơ và nhà ngoại giao có tài. Sau khi cáo lão về quê tại Kiêu Kỵ, ông còn ra sức khuyến khích nông dân mở mang đồng ruộng, bảo vệ đê sông Hồng. Ông còn lập quán Ninh Kiều làm nơi nghỉ ngơi thưởng ngoạn cảnh thiên nhiên, nơi xướng họa thơ văn, ngoài ra ông còn khuyến khích mọi người dân trong vùng giữ thuần phong mỹ tục.

Nguyễn Chế Nghĩa là một danh tướng làm quan trải qua 4 đời vua, có nhiều công lao với triều đình và với nhân dân. Tiếc rằng một cuộc đời oanh liệt nhưng chỉ vì phản đối việc lập vua Trần Dụ Tông mà Nguyễn Chế Nghĩa đã bị sát hại. Âu đó cũng là quy luật của các triều đại phong kiến, khi không còn thỏ rừng thì cung tên cũng chỉ là đồ bỏ. Hơn nữa, vua xử thần tử mà thần không tử thì cũng khó mà sống được. Và có lẽ cũng vì thế mà chính sử triều Trần ít khi nhắc tới tên ông. Song, với đức cao vọng trọng, Nguyễn Chế Nghĩa vẫn được nhân dân lập đền thờ và các triều đại sau ghi nhận công đức và hậu thế tôn vinh. Thế mới hay rằng, chính sự ghi nhận lòng dân còn quý hơn cả bia đá và đền đài.

N.D

  • Từ khóa
109816

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu