Thứ 6, 29/03/2024 22:50:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 08:13, 26/08/2016 GMT+7

Tháng 7, mùa chay

Thứ 6, 26/08/2016 | 08:13:00 153 lượt xem
BP - Tháng 7 âm lịch hằng năm thường diễn ra nhiều hoạt động mang ý nghĩa tâm linh như: Lễ Vu lan báo hiếu, lễ chuẩn tế cô hồn, cầu xá tội vong nhân. Vì vậy, theo phong tục của người Việt, tháng 7 âm lịch còn được gọi là tháng ăn chay hay mùa chay.

Lắng đọng mùa chay

Tháng 7 về, cơm chay tại các quán Phổ Minh, đường Phạm Ngọc Thảo; Thanh Tâm, đường Võ Văn Tần, phường Tân Bình hay cơm Diệu Hạnh đường Trần Văn Trà, phường Tân Phú (Đồng Xoài) rất đông thực khách. Đặc biệt vào giờ cao điểm, khách hàng phải xếp hàng đợi. Người ăn tại quán, người mua về nhà. Tuy đông đúc nhưng tại những nơi này không hề ồn ào mà thường tĩnh lặng.

Rằm tháng 7, chúng tôi có dịp vãn cảnh chùa Thanh Tiến ở thị xã Đồng Xoài. Là ngày rằm đặc biệt của năm, các sư tổ chức trì tụng kinh Vu lan báo hiếu. Từ sớm, các phật tử đã ghé đạo tràng lễ phật, cầu ân trên Tam Bảo gia hộ cho gia đình, con cháu được bình an, khỏe mạnh. Đón tiếp phật tử thập phương, chùa cũng tổ chức bếp cơm chay tiếp đãi. Sau giờ cúng Ngọ, gần chục bàn cơm chay được bày ra với dưa muối, sả rang muối, đậu que xào và canh chua. Tất cả phật tử đều hoan hỷ “hưởng lộc” cơm chùa. Bà Mai Hương (70 tuổi) kể: “Hằng năm, cứ đến ngày lễ Vu lan tôi lại lên chùa lễ phật, cầu an, cầu siêu cho gia đình, ông bà, dòng tộc. Ăn chay giúp lòng mình tĩnh tại và bình an hơn”. Chính cảm nhận như thế nên bà Mai Hương ăn chay trong suốt tháng 7 này. Mùa chay về, nhiều người cũng lên chùa làm công quả, dọn dẹp sân chùa.

Đại lễ cầu siêu tại chùa Quang Minh, thị xã Đồng Xoài 

Những con suối nhỏ nhân tạo được trồng hoa sen bao quanh quán cơm chay Hương Sen bên chân núi Bà Rá (Phước Long), tạo nên vẻ thanh tịnh rất lạ giữa đất thiêng Bà Rá. Cơm chay được các sư cô phục vụ tận nơi, nhanh và thuận tiện. Bình trà đá thơm mát, giúp khách đường xa thư thả, mát lòng. Điều đặc biệt hơn cả đây là quán cơm từ thiện. Thực khách dùng xong cơm, tùy tâm cho tiền vào thùng công đức. Khách lỡ đường, người không có tiền đều có thể ghé quán dùng cơm và được các sư cô tiếp đãi.

Chay tịnh tại tâm

Ngày nay, cơm chay không đơn thuần là món ăn đạm bạc dành cho các sư xuất gia nơi cửa phật, mà đã phổ biến rộng rãi ngoài dân chúng. Nhiều quán cơm chay ngon được mở ra ở khắp nơi như Phổ Minh, Phước Huệ, Thanh Tâm, Diệu Huệ, Hương Sen ở thị xã Đồng Xoài; cơm chay Hương Sen ở thị xã Phước Long và Đồng Phú... Nghệ thuật ẩm thực chay được mở rộng với các món ăn giả mặn như đùi gà chay, cá cơm kho tiêu, chả chay, bò cuốn lá lốt... Chủ một quán ăn chay ở Đồng Xoài nói: Xu thế mới, món chay cũng là nét văn hóa ẩm thực như nhiều món ăn khác. Vì thế, nếu chỉ làm cơm rau, măng, muối, sả đơn giản thì khó thu hút thực khách. Vì vậy, các quán cơm chay phải chế biến món giả mặn bằng rau, củ, quả.

Mùa chay, nhiều người chọn ăn lạt như là một cách tạo công đức cho chính bản thân mình, hồi hướng công đức cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên và những người quá cố. Xu thế này, không chỉ ở những phật tử lớn tuổi mà còn ở cả nam thanh, nữ tú. Bạn Hoàng Thị Mến (25 tuổi) nhà ở phường Tân Bình (Đồng Xoài) chia sẻ, em không thường ăn chay nhưng tháng 7 này, em nguyện ăn chay cả tháng. Theo giải thích của Mến thì ăn chay sẽ giảm được lượng cholesterol trong máu và tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, các bạn trẻ còn quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn, ăn chay giúp tịnh tâm, cầu an cho cha mẹ, cầu siêu cho ông bà...

Nói về sự thanh tịnh trong ăn chay, ăn mặn, Phật giảng rằng: Ăn chay hay ăn mặn là tại tâm mình. Nếu ăn chay mà tâm không tịnh thì làm sao chứng đạo. Nếu ăn mặn mà mất phước thì các nhà sư Nguyên Thủy làm sao có thể chứng đạo!? Ăn chay hay ăn mặn cốt ở cái tâm ý. Ý niệm không sát hại chúng sanh, ấy là sự chay tịnh!

T.Linh

  • Từ khóa
92235

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu