Thứ 7, 20/04/2024 20:08:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:13, 23/01/2016 GMT+7

Thanh An mất trắng vụ lúa

Thứ 7, 23/01/2016 | 14:13:00 488 lượt xem
BP - Năm 2015 thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, mùa mưa đến muộn, lượng mưa ít nên nông dân xã Thanh An (Hớn Quản) gần như mất trắng vụ đông xuân. 110 ha lúa phụ thuộc vào “giếng trời” không còn cách cứu vãn. Nông dân thất thu nên mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ nhà nước.

RÁT RUỘT VÌ LÚA CHẾT

Mới 9 giờ sáng, nắng đã gắt, chúng tôi phải men theo con đường phủ bụi dày đặc đến cánh đồng lúa các ấp Địa Hạt, Sóc Dầm, xã Thanh An. Ông Nguyễn Tiến Sơn, nhân viên khuyến nông kiêm bảo vệ thực vật xã cho biết: “Thanh An có khoảng 110 ha lúa vụ mùa, trong đó gần 85 ha đang thiếu nước. Do mùa mưa đến muộn, lượng mưa ít, phần lớn hộ dân sạ trễ khoảng 1 tháng so với mọi năm. Giống lúa sạ 3 tháng mới cho thu hoạch dẫn đến vụ đông xuân gặp hạn.

Ông Điểu Sương cho trâu ăn số lúa đang dần chết héoÔng Điểu Sương cho trâu ăn số lúa đang dần chết héo

Cánh đồng ở 2 ấp Địa Hạt, Sóc Dầm có khoảng 45 ha và cho năng suất cao nhất của xã do nằm ở khu vực trũng có nhiều nước nên nông dân sạ sớm. Mỗi năm, ruộng ở đây sạ được 2 vụ. Tuy nhiên, năm nay nếu không quan sát kỹ sẽ nhầm tưởng người dân nơi đây được vụ bội thu. Bởi trên cánh đồng đang phủ một màu vàng giữa lúa còn khoảng 10 ngày nữa chín với lúa bị cháy khô, vàng úa. Có thửa lúa chưa kịp trổ đã chai héo lại, thỉnh thoảng có vài cây ra đòng. Có thửa hạt nhỏ lép xẹp. Chân ruộng, mương nước nứt nẻ.

Ông Võ Thanh Hóa có gần 2 ha lắc đầu ngao ngán: “Vụ trước gia đình tôi thu được 200 bao. Vụ này chỉ 70-80 bao là cùng. Tôi không muốn ra đồng, sợ thấy cảnh lúa vàng vọt mà không cách gì cứu càng thêm rát ruột. Mọi năm thời điểm này nước mênh mông, còn năm nay ruộng trơ vết chân chim. Lúa gần một tháng nữa mới chín mà thời tiết như vầy là trời không thương rồi”.

Thấp thoáng bóng người ở thửa ruộng có phần xanh bên kia đường, ông Hóa cho biết đó là ông Lê Lực. Trên cánh đồng này, duy nhất hộ ông Lực chủ động được nước tưới tính đến nay. Ông Lực cho biết: “Lúc trước ruộng lúa của tôi cũng héo rũ, may mắn xin được nước từ ao của hàng xóm bơm vào chân ruộng cho ẩm. Cứ 10 ngày tôi bơm một lần, giờ nhìn đã có màu xanh nhưng tới đâu biết tới đó”.

“MẤT MÙA LÚA, ĐƯỢC MÙA TRÂU”

Đến cánh đồng các ấp An Sơn, An Hòa, Phùm Lu, người dân nơi đây kháo nhau: Ông Điểu Sương năm nay “được mùa trâu”. Chúng tôi chưa kịp hiểu ra, ông Điểu Đôm, Bí thư chi bộ ấp Phùm Lu chỉ vào con trâu đang gặm lúa dưới ruộng giải thích: “2 ha lúa của ông Sương gặp hạn không lên được nên ổng đem trâu ra cột cho ăn”. Ông Điểu Sương chỉ vào cái ao bên cạnh thửa ruộng cho biết: “Lúc đầu, tôi còn bơm nước từ ao vào ruộng nhưng giờ ao cũng cạn, lúa không lên nên tôi bỏ cho trâu ăn. Mọi năm, tôi thu được 30 bao nhưng vụ này thua rồi”. Gần đó, 7 sào ruộng của ông Điểu Nu, 5 sào của ông Điểu Cư cũng trong tình trạng chờ chết. Trên cánh đồng chỉ có 2, 3 hộ chủ động nước nhờ ao nhà nên sạ trước may ra thu được 50% năng suất so vụ trước. Những hộ sạ sau coi như trắng tay.

NGƯỜI DÂN MONG ĐƯỢC HỖ TRỢ

“Tôi làm lúa đã gần 40 năm nhưng chỉ có vụ năm 1997, 1998 bị thiệt hại như năm nay. Năm đó, tôi thu được 2 bao để gà ăn. Cũng may lúc đó được nhà nước quan tâm hỗ trợ” - ông Sương nói. Ông Điểu Đôm cho biết thêm: Người dân nơi đây mong được nhà nước hỗ trợ phần nào chi phí.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino, khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng ngay từ đầu vụ đông xuân 2014-2015. Lượng mưa thiếu hụt lớn so với trung bình nhiều năm, nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm dẫn đến dung tích các hồ chứa nước thấp hơn so với mực nước thiết kế. Bình Phước, lượng mưa đo được thấp hơn so với trung bình nhiều năm 110mm và hiện tượng El nino còn có thể kéo dài đến hết quý 1/2016

Khác với xã An Khương, Thanh An không có hệ thống thủy lợi nội đồng. Nông nghiệp chủ yếu nhờ vào nước trời. Năm 2015, hạn đến sớm, có hộ vừa cày đất xong, nước đã hết. Nông dân mong được nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng. Có nước không chỉ cải thiện vụ lúa mà nhiều diện tích cây trồng khác cũng được hưởng lợi.

Dự báo được tình hình, ngày 19-10-2015, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 1800 về việc chủ động chỉ đạo chuyển đổi cây trồng chống hạn. Theo đó, đối với diện tích đất lúa bị hạn chưa gieo sạ được, tùy vào điều kiện từng chân đất khác nhau để hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang cây trồng cần ít nước hơn như bắp, đậu tương, mè... nhằm tránh lãng phí đất và tăng hiệu quả kinh tế. Nếu người dân tuân thủ khuyến cáo của ngành chuyên môn, chủ động chuyển đổi sang loại cây trồng phù hợp thì có lẽ giờ đây họ không phải điêu đứng như vậy. Bức tranh ảm đạm về mùa lúa có lẽ đã để lại bài học sâu sắc cho người dân nơi đây. Mặc dù ngành chức năng, địa phương đã chủ động khuyến cáo nhưng khó có thể thay đổi nhận thức của nông dân quen canh tác theo lối mòn, tập quán cũ.

H.Cúc

  • Từ khóa
39595

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu