Thứ 5, 25/04/2024 04:57:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:48, 21/06/2017 GMT+7

Thành công khi làm nông nghiệp công nghệ cao

Thứ 4, 21/06/2017 | 13:48:00 185 lượt xem
BP - Đầu tư gần 2 tỷ đồng cho 6 sào nhà lưới để trồng dưa, mỗi năm thu 4 vụ, mỗi vụ lời 50 triệu đồng/sào, đó là hướng đi mới của nhà nông Nguyễn Hữu Thọ, ngụ tổ 2, ấp Phú Thành, xã Thanh Phú (Bình Long). Hiện nay, vườn dưa nhà ông Thọ được coi là mô hình hiện đại, theo hướng công nghệ cao duy nhất tại thị xã Bình Long.

Ý tưởng trồng rau củ quả theo hướng hữu cơ trong nhà lưới của ông Thọ có từ năm 2010. Khi ông có ý định thực hiện thì mọi người cho rằng “ông không bình thường” bởi tại địa bàn Bình Phước chưa có ai làm. Không từ bỏ đam mê, cha con ông Thọ đã rong ruổi cả tháng trời đi Đà Lạt, Tiền Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng, kết hợp tìm tòi các thông tin từ mạng, sách, báo tham khảo để áp dụng vào thực tiễn. Cuối cùng ông đúc kết: Muốn thành công người nông dân phải hội đủ 5 yếu tố: Có tâm huyết, niềm đam mê, ham học hỏi; có mặt bằng, điều kiện tự nhiên như nguồn nước, đất...; có vốn; có khả năng tiếp cận thông tin; marketing sản phẩm.

Cuối năm 2016, ông thuê công ty tư vấn, xây dựng 6 sào nhà lưới kiên cố, hiện đại để trồng dưa lưới và rau hữu cơ công nghệ cao. đồng thời, ông tham gia lớp sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng VietGAP.

Vườn dưa lưới của gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ

Ông xây dựng nhà lưới hiện đại với 2 lần cửa ra vào, lưới dày màu trắng để hấp thu ánh sáng mặt trời và ngăn ngừa các loại sâu bệnh, nước mưa... Ông dùng hoàn toàn phân hữu cơ ủ trong 6 tháng cho hoai mục gồm: tro, trấu, xơ dừa, phân bò, gà, hạn chế tối đa dùng phân hóa học. Mặt luống phủ bằng màng ni-lon đen để ngăn cỏ dại và giữ ẩm. 10 ngày đầu sau khi trồng ông đặc biệt chú ý các bệnh như: nấm, thối rễ, héo lá, nhũn thân. Khi cây bắt đầu ra hoa, cứ 1 sào ông đặt 2 thùng ong mật vào để ong thụ phấn cho dưa trong vòng 5 ngày. Khi cây đậu trái thì chọn 1 trái đạt yêu cầu để lại, các trái còn lại cắt bỏ; kết hợp cắt chồi, tỉa lá sát gốc tạo sự thông thoáng cho gốc dưa, sau đó bón giảm lượng đạm, tăng lượng kali, canxi. Tưới nước bằng hệ thống tự động nhỏ giọt với liều  lượng 1 lít/cây/ngày. Nhờ trồng trong nhà lưới nên sâu bệnh ít, nếu có thì dùng thuốc trừ sâu sinh học, định kỳ 15 ngày/lần, đảm bảo thời gian cách ly. Sau 70-80 ngày, dưa lưới cho thu hoạch, với năng suất trung bình 2kg/cây, tương đương sản lượng 3 tấn/sào. Giá bán khoảng 30 ngàn đồng/kg, cho tổng thu 90 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, ông thu lời khoảng 50 triệu đồng/sào.

Ông Thọ tính toán, sau 18 tháng trồng sẽ thu được toàn bộ số vốn ban đầu (khoảng 2 tỷ đồng đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tự động) và bắt đầu có lãi. Sau mỗi đợt thu hoạch, ông cày xới đất, phơi nắng, bón lót rồi mới trồng vụ tiếp theo. Trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày, ông dùng dụng cụ đo độ ngọt của dưa và khống chế độ ngọt ở mức nhất định (12 độ) để đảm bảo chất lượng dưa tốt nhất. Ông dự tính sẽ trồng luân canh 1 vụ dưa, 1 vụ rau. Hiện nay ông đã thử nghiệm ghép dưa lên gốc bầu để tăng sức đề kháng cho cây.

Ông Thọ cho biết, trồng dưa lưới rất nhàn, đầu tư ban đầu lớn song thu được sản phẩm sạch, an toàn, không phụ thuộc thời tiết, ngăn ngừa được sâu bệnh hại, chi phí thuốc trừ sâu, bệnh không đáng kể. Hiện nay ông đang xuất bán dưa lưới trong tỉnh và các siêu thị lớn. Nếu mở rộng quy mô thì phải khảo sát lại nhu cầu thị trường để đảm bảo đầu ra. Vì vậy, ông mong xây dựng chuỗi cửa hàng cung ứng rau quả sạch từ trang trại đến người tiêu dùng, xây dựng thương hiệu sản phẩm để có đầu ra ổn định và được ngành chức năng hỗ trợ kỹ thuật nhiều hơn nữa.

Nguyễn Thị Hạnh

  • Từ khóa
41787

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu