Thứ 6, 29/03/2024 14:49:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:48, 08/09/2019 GMT+7

Thành công nhờ dân vận khéo

Chủ nhật, 08/09/2019 | 08:48:00 464 lượt xem
BP - Nhờ dân vận khéo trong huy động sức dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đến nay, thôn 6, xã Đường 10 (Bù Đăng) đã có nhà văn hóa khang trang trị giá gần 400 triệu đồng do nhân dân đóng góp 100%. Các tuyến đường thôn được bê tông hóa từ 50-70%, tạo thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển nông sản và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thôn 6, xã Đường 10 có 221 hộ dân với khoảng gần 1.000 người. Người dân trong thôn chủ yếu làm rẫy với 2 loại cây trồng chính là điều và cao su. Những năm gần đây, năng suất điều và giá mủ cao su xuống thấp khiến nhiều hộ dân gặp khó khăn. Tuy nhiên, nhờ làm tốt tuyên truyền, vận động, người dân trong thôn luôn nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học và thực hiện các khoản đóng góp Nhà nước.

Ông Trịnh Huy An, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 6, xã Đường 10 (Bù Đăng) trao đổi với hội viên phụ nữ về việc trồng, chăm sóc cỏ lạc dọc 2 bên đường trục chính của xã đoạn qua thôn 6

Ông Trịnh Huy An, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 6 cho biết: Toàn thôn còn 24 hộ nghèo nhưng khi được thông báo đóng quỹ phòng, chống thiên tai và quỹ quốc phòng, an ninh theo quy định của Nhà nước, người dân đều thống nhất rất cao và chỉ đóng trong 1 tuần. Năm 2009, thôn 6 tách ra từ Đắk Ma và trong hơn 10 năm qua không có nhà văn hóa để người dân sinh hoạt. Mọi hoạt động của thôn đều nhờ nhà dân hoặc tận dụng các bãi đất trống. Người dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp chính quyền xem xét hỗ trợ đất xây nhà văn hóa nhưng chưa có kết quả. Năm 2017, ông An tổ chức họp dân bàn phương án xây nhà văn hóa thôn. Do chưa có đất nên ông vận động người dân làm từng bước. Năm 2017 góp tiền mua đất, năm 2018 triển khai xây dựng. Kết quả, trong 2 năm 2017-2018, nhân dân thôn 6 đã đóng góp 393 triệu đồng vừa mua đất vừa làm nhà văn hóa 120m2 và 300m2 sân bê tông. Trước đó, người dân thôn 6 đã đóng góp tiền cùng Nhà nước làm đường bê tông xi măng theo tỷ lệ 50:50. Đến nay, toàn thôn làm được 6 tuyến dài 3,5km.

Ông An cho biết thêm: “Do đời sống người dân còn nhiều khó khăn nên khi họp, tôi đề xuất lựa chọn tuyến đường nào khó đi, người dân có nhu cầu và đồng thuận cao thì làm trước và làm theo từng đoạn rồi kết nối lại. Đến nay, tất cả tuyến đường xương cá đấu nối với đường trục chính của xã đều được bê tông từ 50-70%. Năm nay, người dân cũng đã đóng góp 200 triệu đồng, đang chờ xi măng của tỉnh hỗ trợ để làm tiếp 600m đường đồi 31 kết nối với 600m làm từ năm 2016...”.

Nói về kinh nghiệm trong huy động sức dân, ông An chia sẻ, điều quan trọng là cán bộ cơ sở có làm hết trách nhiệm hay chưa. Phải tuyên truyền, phân tích sâu rộng để người dân hiểu về chủ trương, rõ về mục đích thì sẽ nhận được sự thống nhất cao và tạo được niềm tin trong nhân dân. Trước khi triển khai làm đường hay xây nhà văn hóa thôn, ông đều đưa ra họp lấy ý kiến, bàn phương án thu và thành lập ban kiến thiết, ban giám sát. Thành viên các ban này là những người có uy tín do nhân dân giới thiệu, không có cán bộ thôn tham gia. Các ban tự hạch toán chi phí, lựa chọn đơn vị thi công, mua vật tư và giám sát xây dựng. Khi công trình triển khai xong thì họp dân công khai thu, chi để nhân dân biết và góp ý. Đặc biệt, trong làm đường giao thông, khi đã làm tốt tuyến đường thứ nhất, người dân thấy rõ lợi ích và đồng tiền của họ bỏ ra được sử dụng đúng, phù hợp thì các tuyến sau thực hiện rất dễ.

Chị Nguyễn Thị Lan, trú thôn 6 nói: “Cán bộ thôn, nhất là ông Trịnh Huy An luôn có trách nhiệm cao với công việc. Những ngày làm đường, xây nhà văn hóa, ông An luôn sâu sát, giám sát chất lượng công trình, dẫn nước, kéo điện để nhà thầu thi công. Ông đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động. Với hộ nghèo, khó khăn, ông vận động tham gia ngày công. Mọi thu, chi đều đảm bảo công bằng, dân chủ, công khai nên người dân rất tin tưởng”. Điều người dân nơi đây tâm đắc nhất là đến nay, thôn đã có nhà văn hóa rộng 120m2, nền lát gạch men, có la phông, quạt điện, sân khấu riêng, bàn ghế, nhà vệ sinh nam, nữ, giếng nước đầy đủ nhưng chi phí chỉ hết 232 triệu đồng. Nhà văn hóa được xây dựng trên nền đất với tổng diện tích 1.600m2 được sang nhượng lại của người dân với giá 134 triệu đồng, rất rẻ so với giá thị trường hiện nay. Ông An còn vận động các thành viên trong gia đình mình, cán bộ thôn, nhà hảo tâm lắp wifi, mua bục phát biểu, bục đặt tượng Bác Hồ, cột cờ cho nhà văn hóa. Từ nguồn xi măng tỉnh hỗ trợ làm đường, cát, đá xây nhà văn hóa còn dư, ông An vận động nhân dân góp ngày công mở rộng sân nhà văn hóa lên 500m2. Nhờ vậy, đến nay, nhà văn hóa thôn 6 được đánh giá khang trang, đẹp nhất trong tất cả nhà văn hóa thôn ở xã Đường 10.

Ông Nguyễn Quang Minh, Phó chủ tịch UBND xã Đường 10 nói: “Là thôn vùng sâu, xa của xã Đường 10 - một trong những xã đặc biệt khó khăn, làm được như thôn 6 là không dễ. Thành công đó có vai trò rất lớn của ông Trịnh Huy An, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn trong công tác dân vận”.

Minh Luận

  • Từ khóa
44786

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu