Thứ 6, 29/03/2024 02:38:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:33, 06/04/2016 GMT+7

Thanh niên làm kinh tế giỏi ở Thanh Lương

Thứ 4, 06/04/2016 | 14:33:00 363 lượt xem
BP - Phát huy tinh thần xung kích trong phong trào “Thanh niên lập thân lập nghiệp”, đến nay thị xã Bình Long có nhiều đoàn viên thanh niên mạnh dạn làm giàu. Trong đó có hai điển hình mà chúng tôi nhắc đến, đó là anh Lê Văn Lực (27 tuổi) ở ấp Thanh An và anh Lê Hải Văn (23 tuổi) ở ấp Thanh Trung, xã Thanh Lương với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Lê Văn Lực thu khoảng 500 triệu đồng mỗi năm từ vườn cây ăn trái tổng hợpAnh Lê Văn Lực thu khoảng 500 triệu đồng mỗi năm từ vườn cây ăn trái tổng hợp

Khởi nghiệp từ chăn nuôi

Đến tham quan trại chăn nuôi của gia đình ông Lê Việt (73 tuổi) ở ấp Thanh Trung, chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vì ông Việt tuổi đã cao nhưng có 2 dãy chuồng trại nuôi 16 con heo nái và 100 con heo thịt. Hỏi thăm mới biết, người đảm nhiệm nuôi heo là anh Lê Hải Văn (con trai ông Việt) đồng thời là chủ trại heo. Ông Việt cho biết: “Tôi có 2 người con, đứa lớn đã lập gia đình ra ở riêng. Vợ chồng tôi sống chung với con trai Lê Hải Văn. Năm 2012, học hết cấp 3, Văn xin đi học nghề và làm việc cho một công ty tư nhân. Do lương thấp nên Văn về làm kinh tế cùng gia đình. Ban đầu, Văn xin gia đình đầu tư xây chuồng trại nuôi heo. Thấy con có chí thú làm kinh tế, gia đình tôi vay mượn bạn bè, hàng xóm được 200 triệu đồng xây chuồng trại và mua 2 heo nái, 30 heo thịt về nuôi”.

Trong lúc nuôi heo thịt, anh Văn chọn những con phát triển tốt để nuôi heo nái. Đến nay, đàn heo nái có 16 con cung cấp nguồn giống cho gia đình nuôi heo thịt. Anh Văn kể: “Tháng 3-2015, Bình Long bùng phát dịch heo tai xanh. Trại heo của tôi thiệt hại nặng do chưa có kinh nghiệm nên lỗ cả trăm triệu đồng”. Không nản chí, Văn tiếp tục vay mượn mua giống gầy lại đàn. Ngoài học hỏi kinh nghiệm của những trang trại trên địa bàn, anh còn tự tìm hiểu thông tin trên internet và tham gia hội thảo do các trung tâm, đơn vị cung cấp thức ăn, thuốc thú y tổ chức. Anh nói: “Nuôi heo quan trọng nhất là vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi để nhận biết heo có dấu hiệu bỏ ăn để phòng bệnh”. Từ đó đến nay, đàn heo của gia đình anh phát triển tốt, trung bình 4 tháng xuất bán khoảng 100 con (70kg/con). Anh Văn dự kiến thời gian tới sẽ xây 2 chuồng với diện tích khoảng 50m2 nuôi thêm 80 heo thịt. Bên cạnh nuôi heo, anh còn xây chuồng nuôi 1.000 con gà và 16 con dê, tạo nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Thu khoảng 500 triệu đồng/năm từ vườn cây ăn trái

Là lao động chính nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lê Văn Lực (27 tuổi) ở nhà chăm lo phát triển kinh tế, phụ ba mẹ nuôi 2 em ăn học. Với 3 ha đất, trong đó có 2 ha nhãn và 1 ha trồng xen các loại cây như cam, quýt, ớt sừng và bưởi da xanh, mỗi năm cho gia đình anh thu hàng trăm triệu đồng; giải quyết việc làm cho 10 lao động thời vụ với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Anh Lực nói: “Mảnh đất này trước đây là bãi đất trống, cằn cỗi chỉ trồng đậu, bắp, vừng (mè), gia đình tôi nhận sang nhượng từ năm 1998. Đến năm 2000, gia đình tôi cải tạo lại vườn trồng 2 ha nhãn. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăm sóc, sau 3 năm vườn nhãn phát triển tốt và bắt đầu cho thu”.

Để dưỡng cây, hằng năm sau khi thu hoạch anh Lực thuê thợ dọn vườn, tỉa cành sâu bệnh, kết hợp bón phân, tưới nước. Thời điểm cây ra bông thì xịt thuốc dưỡng bông, đậu trái. Nhờ đó, vườn nhãn của gia đình anh Lực luôn cho năng suất cao, trung bình một vụ thu trên 300 triệu đồng.

Đồng thời, trên 1 ha trồng xen, hiện 400 gốc quýt đường đã cho thu hoạch, mỗi năm lời khoảng 30 triệu đồng. 1.200 gốc cam và 2.000 gốc bưởi da xanh mới trồng được 1 năm tuổi. Riêng 1,5 sào ớt sừng đang cho thu hoạch. Mỗi tuần, anh Lực thuê 3 lao động hái ớt 1 lần được 5-6 tạ, bán cho thương lái với giá 6-20 ngàn đồng/kg. Anh chia sẻ: “Ớt dễ trồng, thích hợp với nhiều loại đất. Muốn cây phát triển tốt, khi làm đất phải kết hợp bón phân, sau đó dùng bọc ni-lon trùm kín đất để hạn chế cỏ và giữ ẩm cho đất. Nên dùng hệ thống tưới nước tự động phía trên và chạy dây tưới nhỏ giọt dưới gốc để luôn đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây. Ớt sau khi trồng 3 tháng sẽ cho thu hoạch và thu trong vòng 1-1,5 năm. Với vườn cây ăn trái tổng hợp, mỗi năm cho gia đình anh Lực nguồn thu khoảng 500 triệu đồng.

“Không những làm kinh tế giỏi, anh Lê Văn Lực và Lê Hải Văn còn là cán bộ đoàn năng nổ, nhiệt tình, thường xuyên giúp đỡ, tạo điều kiện cho đoàn viên trong ấp cùng phát triển kinh tế. Cả hai đang đảm nhận vai trò là bí thư chi đoàn ấp. Đây là hai gương thanh niên làm kinh tế giỏi tiêu biểu để các bạn trẻ noi theo”.

                               Anh MAI XUÂN TUÂN, Phó bí thư Thị đoàn Bình Long

Thùy Hương

  • Từ khóa
39612

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu