Thứ 5, 28/03/2024 22:40:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:11, 15/05/2019 GMT+7

Thanh tra lao động không cần báo trước

Thứ 4, 15/05/2019 | 09:11:00 106 lượt xem
BP - Cổng thông tin điện tử của Chính phủ vừa công bố dự thảo Bộ luật Lao động để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. So với Bộ luật Lao động hiện hành, nội dung dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi có rất nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung. Và một trong những điểm mới đó là việc cơ quan có thẩm quyền tiến hành thanh tra về lao động, thanh tra viên không cần báo trước cho cơ quan bị thanh tra.

Cụ thể, tại Điều 216 của dự thảo quy định về quyền của thanh tra viên lao động có nêu rõ: Khi tiến hành thanh tra, thanh tra viên lao động có quyền thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước. Về nội dung này, tại Điều 187 Bộ luật Lao động năm 1994 đã quy định khi tiến hành thanh tra, thanh tra viên lao động có quyền: Thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước. Yêu cầu người sử dụng lao động và những người có liên quan khác cung cấp tình hình và các tài liệu liên quan đến việc thanh tra, điều tra. Tiếp nhận và giải quyết các khiếu nại, tố cáo về vi phạm pháp luật lao động theo quy định của pháp luật. Quyết định tạm đình chỉ việc sử dụng máy, thiết bị, nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó, đồng thời báo cáo ngay cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tuy nhiên trong quá trình soạn thảo Bộ luật Lao động năm 2012, quy định này đã bị lược bỏ để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010. Vì tại Điều 44 Luật Thanh tra hiện hành đã quy định về quyết định thanh tra hành chính bao gồm các nội dung sau đây: Căn cứ pháp lý để thanh tra; Phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra; Thời hạn thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên và các thành viên khác của đoàn thanh tra. Chậm nhất là 5 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra, quyết định thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra, trừ trường hợp thanh tra đột xuất. Quyết định thanh tra phải được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra. Việc công bố quyết định thanh tra phải được lập biên bản. Và đối với quyết định thanh tra chuyên ngành bao gồm các nội dung sau đây: Căn cứ pháp lý để thanh tra; Phạm vi, đối tượng, nội dung, nhiệm vụ thanh tra; Thời hạn thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra, thanh tra viên và các thành viên khác của đoàn thanh tra. Quyết định thanh tra phải được công bố cho đối tượng thanh tra ngay khi tiến hành thanh tra.

Công nhân Nhà máy Giày da Thái Bình (Đồng Xoài) trong giờ làm việc (ảnh minh họa) - B.L

Và tại Khoản 1, Điều 25 Nghị định số 86/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc thông báo về việc công bố quyết định thanh tra hành chính như sau: Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm thông báo đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra. Trong trường hợp cần thiết, trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm chuẩn bị văn bản để người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền thông báo đến đối tượng thanh tra về việc công bố quyết định thanh tra. Thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự. Còn đối với thanh tra chuyên ngành, tại Điều 21 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về thông báo việc công bố quyết định thanh tra chuyên ngành, như sau: Trước khi công bố quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra thông báo việc công bố quyết định thanh tra đến đối tượng thanh tra; trường hợp cần thiết, chuẩn bị để người ra quyết định thanh tra thông báo bằng văn bản đến đối tượng thanh tra. Thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm, thành phần tham dự.

Như vậy, với quy định nêu trên, việc thanh tra lao động khi tiến hành thanh tra sẽ phải báo trước với người sử dụng lao động. Vì vậy, thực tế hoạt động thanh tra lao động vừa qua cho thấy việc phát hiện và bảo vệ các quyền cơ bản tại nơi làm việc của người lao động chưa kịp thời. Do được báo trước nên không ít doanh nghiệp chuẩn bị biện pháp chống đối, thậm chí cố tình không hợp tác với thanh tra lao động. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp chây ỳ hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Chính vì vậy, ở lần sửa đổi này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất khôi phục quy định về quyền của thanh tra lao động như Điều 187 Bộ luật Lao động năm 1994: Thanh tra, điều tra những nơi thuộc đối tượng, phạm vi thanh tra được giao bất cứ lúc nào mà không cần báo trước.

Hơn nữa, quy định về thanh tra không báo trước cũng là phù hợp quy định trong Công ước 81 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Cụ thể, tại Điều 12 công ước này có quy định các thanh tra viên lao động mang theo những giấy tờ chứng minh về chức vụ của mình sẽ được quyền: Tự do vào không phải báo trước, bất kể giờ nào, ngày cũng như đêm, bất cứ cơ sở nào dưới quyền kiểm soát của thanh tra; Vào ban ngày tất cả các phòng ban mà họ có thể có lý do hợp lệ để cho rằng các phòng ban đó thuộc quyền kiểm soát của thanh tra; Tiến hành mọi cuộc xét nghiệm, kiểm tra hoặc điều tra xét thấy cần thiết để bảo đảm rằng các quy định pháp luật được thi hành chặt chẽ... 

N.V

  • Từ khóa
62207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu