Thứ 5, 25/04/2024 05:36:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:34, 29/07/2015 GMT+7

Thất nghiệp và tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ”

Thứ 4, 29/07/2015 | 15:34:00 985 lượt xem
BP - Viện Khoa học Lao động và Xã hội vừa công bố bản tin cập nhật thị trường lao động quý 1/2015, trong đó cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều gia tăng đáng lo ngại. Cả nước có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tăng 114 ngàn người so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý là số lao động có trình độ đại học, cao đẳng và sau đại học thất nghiệp đều tăng lên nhiều (7,2%) so với lao động không bằng cấp, chứng chỉ (1,97%).

Từ đầu năm đến nay, mặc dù kinh tế đất nước có những khởi sắc và dự báo năm 2015 sẽ tăng trưởng lạc quan, nhưng tình trạng thất nghiệp và giải quyết việc làm chưa tương ứng. Bên cạnh những con số đáng báo động về lao động thất nghiệp thì bức tranh thị trường lao động trong những tháng đầu năm cũng có những điểm sáng. Nhưng có lẽ “điểm sáng” đó cũng chỉ trong phạm vi lao động có tay nghề cao và lao động phổ thông. Theo đó, số lao động ở khu vực nhà nước giảm, lao động làm công ăn lương gia tăng và thu nhập bình quân của lao động làm công ăn lương đã tăng lên.

Tỉnh Bình Phước hằng năm tuy chưa có con số thống kê cụ thể về tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm đối với những người đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng vấn đề tìm việc làm phù hợp đối với sinh viên mới ra trường cũng gặp rất nhiều khó khăn. Tại các khu công nghiệp của tỉnh, doanh nghiệp tuyển dụng lao động cũng đã chọn người một cách nghiêm ngặt. Hiện đang là mùa tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng. Những con số và sự cảnh báo về tình trạng thất nghiệp, nhất là đối với những lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng sẽ là sự tham khảo hữu ích cho thanh niên khi quyết định chọn trường và hướng đi để lập nghiệp cho mình. Bởi lẽ, nếu thất nghiệp, không có việc làm sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả gia đình và xã hội.

Nguồn nhân lực dư thừa với số lượng lớn đặt ra câu hỏi cho chất lượng giáo dục hiện nay. Vấn đề “thầy nhiều hơn thợ” diễn ra khá bức xúc từ rất lâu nhưng vẫn chưa có giải pháp thỏa đáng. Thực trạng đáng lo ngại là mỗi năm số sinh viên ra trường thì nhiều, trong khi công nhân có tay nghề luôn thiếu trầm trọng. Thế nhưng, hằng năm hầu hết học sinh tốt nghiệp trung học vẫn đua nhau để chen chân vào các trường đại học. Ai cũng đòi làm thầy thì ai sẽ làm thợ? Hậu quả của sự bất cân đối này đang diễn ra trong xã hội và là một vấn nạn đè nặng cuộc sống của nhiều gia đình khi phải gồng mình cho con đi học, để rồi khi ra trường lại là nỗi lo thất nghiệp. Đã có nhiều người tốt nghiệp đại học lại phải bắt đầu học nghề để chống... thất nghiệp. Tình trạng cử nhân, thạc sĩ làm nông dân, công nhân, thậm chí phục vụ trong các quán ăn, nhà hàng đang là những tấm gương và bài học cho các bạn trẻ trong việc chọn nghề, học nghề. Từ những thực trạng tồn tại trong xã hội đang đặt ra cho các cấp quản lý câu hỏi: Hướng giải quyết vấn đề này như thế nào? Và câu trả lời là khi nào những bất cập trong công tác đào tạo theo kiểu “thừa thầy, thiếu thợ” không còn, thì khi đó sẽ không còn tình trạng cử nhân phải thất nghiệp.

Hà Thanh

 

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu