Thứ 7, 27/04/2024 00:49:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 15:10, 25/10/2014 GMT+7

Thật ra, đàn ông… dễ thương lắm!

Thứ 7, 25/10/2014 | 15:10:00 420 lượt xem
BPO - Nhân ngày 20-10, cũng nên tranh thủ khen đàn ông, một nửa của nhân loại. Tội nghiệp… họ chẳng có ngày nào!

Ảnh: Đỗ Ngọc

Sáng nay, trong nhiều stt về ngày 20-10 của bạn bè, mình chú ý stt của chị ĐTTT về câu nói của người bạn: “Sao đất nước chúng mày lắm ngày phụ nữ thế mà họ vẫn khổ mãi?”. Mình còm “Đó là lí do…có ngày. Nếu ngày đó và nhiều ngày khác còn dài nghĩa là khổ…di truyền, di sản rồi.

Với mình thì những "ngày phụ nữ" bình thường như mọi ngày, không mấy chú tâm. Như sáng nay, dậy sớm làm bữa sáng cho cả nhà như mọi ngày. Ăn xong, mình vẫn ngồi ở bàn đọc sách và nhâm nhi cà phê, thì chồng đã vào bếp rửa chén. Mình chắc luôn là chàng không nhớ hôm nay là ngày 20-10 đâu. Mà có nhớ chàng cũng chẳng quà, hoe hoét gì đâu. Mình đã quen, thôi thì ông cứ …tự giác, ý thức trách nhiệm chia sẻ việc nhà, không gồng mình tự ái khi làm những việc “của đàn bà” để vợ có những phút thảnh thơi đã là “quà tặng” ngày thường rồi". 

Chị em ạ, thật ra đàn ông…dễ thương lắm. Theo mình, thay vì giương cao biểu ngữ Vì sự tiến bộ của phụ nữ, thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ…chúng ta nên đề cao Vì sự tiến bộ của đàn ông và tôn vinh họ. Chúng ta tự làm hư đàn ông khi ôm đồm đủ chuyện vào thân và coi đó là đảm đang, là việc của đàn bà. Ở đâu, ai quy định việc nào của đàn bà, việc nào của đàn ông? Thật ra, đàn ông chân chính (nhấn mạnh) không bao giờ trút gánh nặng trụ cột, việc nhà cho vợ mà ung dung ngồi gác chân đọc báo xem TV chờ cơm, trong khi vợ tất bật đủ việc nước việc nhà đưa đón chăm sóc con. Đàn ông thật sự không cảm thấy “yếu lính”, tự ái khi làm việc nhà lặt vặt như rửa chén, nấu cơm, cho con ăn, lau nhà… nhưng vì sao, họ cứ ngường ngượng khi bị bắt quả tang đang làm việc nhà “cho vợ”? Vì chúng ta hay giành việc, ngứa mắt khi thấy chồng vụng về “để đó em làm, em làm nhanh hơn”, “ông đụng vào việc gì cũng đổ, vỡ. Thôi, để đó tôi”.


 

Đồng bọn đàn ông của họ thì chế giễu nhau là “tiểu đội phó”, “mặc váy”, “sợ vợ”. Đến bà mẹ của họ, là mẹ chồng chúng ta (là ta hôm nay, ngày mai) cũng dè bỉu họ “nhu nhược”, “đội vợ lên đầu” khi con trai chia sẻ việc nhà với con dâu…Nói đâu xa, một bữa nhà mình có khách, chồng “đảm nhiệm” món phở xào áp chảo rất ngon. Lão làm xong bày lên mâm đâu đó, rồi dặn: “Các chị đến, em đừng nói…anh làm nha”. Mình biết ngay lão mắc cỡ là đàn ông lại biết…nấu ăn và nấu ngon. Hoặc là lão muốn nhường cho mụ vợ đoảng được tiếng đảm đang, trông …quắc thước mà nấu ăn cũng ngon. Khách đến, khen món ăn và nắc nỏm khen… mình. Vốn…thật thà nên mình cãi: “Chồng em nấu đấy, ảnh nấu ngon lắm”. Các chị quay qua khen như trút nước vào lão, rằng lão giỏi quá, món phở áp chảo ngon quá, con N (mình) có phước quá. Làm lão chồng đỏ mặt, bối rối gãi đầu nhưng cười vui. Từ bấy đến nay, chồng mình vẫn…nấu những món ngon khi mình “nhờ” hoặc lười ỷ lại chồng.

Hôm qua mình đến chơi nhà một cặp vợ chồng bác sĩ, gặp lúc hai vợ chồng đang ngồi giặt quần áo ngoài sân. Nhà họ có máy giặt, nhưng bà vợ vẫn giặt tay quần áo mỏng, màu trắng, giày vớ cho con. Ông chồng ngồi giặt cùng, trò chuyện, chọc ghẹo và “cao trào” còn cầm vòi nước xịt vào nhau rồi cười vang. Nhìn họ mình vui lây. Đương nhiên đó không phải là “hình mẫu” hạnh phúc, điều đó chỉ phản ánh mối quan hệ thân thiết giữa họ, không bỗng nhiên có. Ông bác sĩ bảo: “Thật sự, mình chỉ muốn vợ được thảnh thơi thanh thản. Mình không thích vợ đầu tắt mặt tối, đi làm về còn lọ mọ đủ việc để rồi quạu cọ. Người vợ, người mẹ có vui, khoẻ mạnh thì mới lan toả niềm vui, hạnh phúc cho chồng con, mới có động lực mà tạo hương hoa cho cuộc sống gia đình". 

Người phụ nữ đảm đang thời nay chính là người quản lý, tổ chức tốt “đơn vị gia đình”, mà không quá đặt nặng phải tự tay nấu ăn, quét sân lau nhà, giặt quần áo, rửa chén, đóng đinh, thay bóng đèn… để rồi đầu bù tóc rối, mệt mỏi, cau có gấu ó chồng con. Chị em cũng đừng ngại khi yêu cầu thẳng chồng chia sẻ việc này việc kia. Nhưng với sự tế nhị và nhạy cảm đàn bà, nàng sẽ biết cách “khiển” chồng thế nào để ổng không tự ái và mất mặt. Như đang nhậu vui vẻ với chúng bạn mà vợ gọi ra lệnh phải về ngay, bù khú thế đủ rồi. Nhờ con nhé, nhất là con thỏ thẻ “Ba ơi, về đọc truyện cho con ngủ”. Con gọi, với lí do cao cả như vậy, lão chồng có đường rút trong danh dự còn được tiếng là người chồng ưu tú, người bố nhân dân.


 

Mình nhớ một truyện ngắn của nhà văn Nga nào đó đã đọc thời sinh viên, về một người phụ nữ buồn khổ, cô đơn với gánh nặng cuộc sống, không được sự quan tâm chia sẻ của chồng. Nàng mòn mỏi, héo hắt trong những ngày tháng lê thê buồn tủi một mình gánh vác gia đình…để rồi một đêm trăng ra giếng nước đầu làng, nước mắt rơi theo từng gàu nước, một bàn tay đàn ông xa lạ đã nhấc thùng nước lên với giọng trầm ấm “để anh”, mà rồi… 

Lại nhớ cái chớp chớp mắt quay đi vội vã của anh bạn nhà báo thân thiết khi nói về vợ hôm nào: “Anh nóng nảy la cô ấy rồi quên đi. Buổi chiều, thằng con méc: “Ba ơi, sao mẹ nấu bếp mà khóc?”. Mẹ nó giọng nghẹt trả lời con “Mẹ cay mắt vì thái hành còn ạ”. Anh thương vợ quá…". Thật ra, đàn ông họ rất dễ thương!

Mà các bạn đàn ông ạ, cuộc đời người phụ nữ biết bao lần thái hành đã chảy nước mắt…

Nguồn PNO

  • Từ khóa
107548

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu