Thứ 6, 29/03/2024 13:42:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:44, 10/07/2019 GMT+7

Thay đổi để tồn tại

Thứ 4, 10/07/2019 | 09:44:00 185 lượt xem
BP - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Nước ta là một trong 11 thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và mới đây cùng Liên minh châu Âu ký kết Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư. Các thị trường Việt Nam hướng tới đều đòi hỏi cao về quy trình sản xuất và kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.

Những lợi thế nêu trên là điều kiện tốt để doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp sáng tạo, thâm nhập thị trường với nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ mang tính đột phá... Và muốn tồn tại, phát triển, ngoài đầu tư trang thiết bị hiện đại, DN Việt Nam còn phải ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản xuất. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có đến 75% DN sản xuất ở Việt Nam đang sử dụng máy móc hết khấu hao. Nhiều DN vẫn loay hoay không thể thoát khỏi thế hệ máy móc có công nghệ lạc hậu. Ngoài ra, có tới 24% DN đang sử dụng công nghệ ở mức trung bình và chỉ 1% DN sử dụng công nghệ tiên tiến.

Bất cập này đòi hỏi ngoài đẩy mạnh thu hút đầu tư sản xuất công nghệ cao, công nghệ số, Nhà nước cần có một hệ thống giáo dục - đào tạo kỹ năng tốt để cung cấp cho thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là lực lượng làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi cao về công nghệ. Mỗi DN cũng phải coi mình là trung tâm đổi mới để tự thay đổi nhận thức về cách thức sản xuất và môi trường kinh doanh. Đồng thời chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, loại bỏ yếu tố lạc hậu, không còn phù hợp, giúp DN phát triển nhanh hơn.

Bình Phước đã và đang đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, hiện đại, tăng nhanh giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm, tham gia liên kết sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện Bình Phước có khoảng 4.600 DN đang hoạt động, phần lớn là DN nhỏ và vừa. Ngoài giải quyết việc làm, đóng góp cho ngân sách, các DN trong tỉnh đã và đang góp phần quan trọng đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn của tỉnh. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận là phần lớn DN trong tỉnh đang sử dụng công nghệ lạc hậu. Minh chứng là phần lớn sản phẩm của tỉnh chưa thâm nhập được vào những thị trường khó tính, nhất là những thị trường chúng ta đang có lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mang lại.

Để bắt kịp xu thế hiện nay, tỉnh phải lựa chọn những DN đầu tư công nghệ hiện đại, công nghệ cao phục vụ sản xuất và cương quyết nói không với công nghệ lạc hậu. Theo đó, đòi hỏi các cấp và ngành chức năng phải có những quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị với tiêu chuẩn đủ sức ngăn chặn công nghệ lạc hậu, lỗi thời; khuyến khích, hỗ trợ DN đầu tư công nghệ tiên tiến trong hoạt động sản xuất, khai thác và chế biến. Ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc nhập khẩu máy móc, thiết bị; xử lý nghiêm DN sản xuất bằng máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường... Song song đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải trong sản xuất để bảo vệ môi trường bền vững.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109142

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu