Thứ 3, 16/04/2024 23:13:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thế giới 13:41, 22/02/2015 GMT+7

Thế giới không giới hạn

Chủ nhật, 22/02/2015 | 13:41:00 134 lượt xem
BP - Khi khoa học công nghệ phát triển với tốc độ dường như vượt khỏi sự tưởng tượng thông thường cũng là lúc mọi giới hạn được phá vỡ. Và với “thế giới ngày càng phẳng hơn”, cuộc sống xã hội cũng thay đổi một cách tự nhiên trong vòng xoáy đó. Năm 2014 qua đi, năm mới 2015 đã gõ cửa từng căn phòng làm việc, từng chiếc máy tính của mỗi người, chúng ta cùng giải trí và tìm hiểu xem thế giới ấy đã được “xới tung” lên như thế nào!

Ngày 23-11-2014, hãng tin Reuter của Anh dẫn lại báo cáo của hãng bảo mật Symantec nổi tiếng thế giới của Mỹ: Regin đã tái xuất từ năm 2013, sau khi nó đột ngột “biến mất” với chặng đường tồn tại từ năm 2008 đến 2011. Symantec cũng báo cáo sau nhiều năm theo dõi Regin, cho thấy dường như nó là sản phẩm của một “quốc gia” nào đó chứ không phải là của cá nhân hay nhóm hacker thông thường. Và như vậy, mục tiêu của Regin được Reuter bỏ ngỏ, đồng thời mở ra nỗi lo lắng về một cuộc chiến công nghệ đỉnh cao. Bởi đơn giản đó là Regin - một cụm từ khi nhắc tới đều khiến những chuyên gia hàng đầu thế giới phải “xoăn tóc”.

CÓ THỂ CẦM ĐƯỢC ĐUÔI CON LƯƠN?

Ba ngày sau, 26-11, nhật báo nổi tiếng Le Monde của Pháp dẫn báo cáo của các hãng bảo mật hàng đầu thế giới đăng một bài viết khiến cả thế giới phải giật mình: Regin thực sự đã tồn tại và nó được gọi với một cụm từ hiếm khi giới khoa học công nghệ gọi tên: SIÊU MÃ ĐỘC.

Regin được cho là có khả năng “tàng hình” một cách bí ẩn để thực thi nhiệm vụ giám sát lâu dài và liên tục. Nó là một loại phần mềm gián điệp giúp mở rộng cửa một máy tính để tin tặc dễ dàng xâm nhập. Một khi đã khống chế được mục tiêu, Regin kích hoạt chương trình “con”, chương trình này “đánh thức” một chương trình đính kèm khác. Regin có thể biến đổi tùy theo mục tiêu tấn công để đạt được kế hoạch xâm nhập mà không để lại dấu vết. Cứ thế, các mã độc len lỏi vào máy tính bị tấn công và do quá trình kích hoạt được chia thành nhiều giai đoạn rất tinh vi nên việc phát hiện cực kỳ khó khăn, ngay cả khi máy được bảo vệ bằng những phần mềm bảo mật hay bức tường lửa cực mạnh.

Cơ quan tình báo thông tin thuộc Bộ Quốc phòng Anh được xem là một trong hai tác giả của Regin

Chính các hãng bảo mật hàng đầu thế giới cũng “ngả mũ” trước khả năng biến thể của Regin. Các chuyên gia bảo mật đều khẳng định đến thời điểm hiện tại khống chế Regin khó như tay không bắt một con lươn từ phía đuôi, còn “giăng lưới” thì nó tự tạo ra nhiều ngõ ngách riêng.

Và trong vô số vi rút máy tính đang tồn tại, rất hiếm trường hợp được xem thật sự là một cuộc cách mạng về công nghệ như Regin. Tất cả những hãng nổi tiếng về an ninh mạng như Symantec của Mỹ, Kaspersky của Nga, F-Secure của Phần Lan... đều nhận định Regin thật sự là phần mềm mã độc tinh vi và phức tạp nhất từng được phát hiện. Theo Symantec, mục tiêu chủ yếu của Regin là tấn công vào hệ điều hành máy tính, đặc biệt là các máy tính sử dụng hệ điều hành Windows của Microsoft - hệ điều hành phổ biến nhất thế giới hiện nay.

Qua Regin, tin tặc có thể kiểm soát gần như hoàn toàn hệ thống máy tính đã bị nhiễm: chụp màn hình; lấy mật mã; sử dụng bàn phím hoặc con chuột của máy bị tấn công; lấy dữ liệu, kể cả những dữ liệu đã bị xóa; theo dõi các thông tin trao đổi qua mạng internet... Nếu hệ thống máy tính bị lây nhiễm Regin là của một công ty viễn thông hoặc cung cấp dịch vụ điện thoại di động, tin tặc có thể theo dõi toàn bộ khách hàng của những công ty này. Trong trường hợp mục tiêu là máy tính của một hãng hàng không hoặc khách sạn, Regin có thể lấy thông tin khách hàng để truy ra lịch trình của một cá nhân cần theo dõi... Dường như, kẻ đứng sau lưng Regin, khi đã xâm nhập vào, có thể làm bất kỳ điều gì từ máy tính mà nó tấn công.

TÌNH BÁO SIÊU HIỆN ĐẠI

Các chuyên gia của Symantec và Kaspersky đều cho rằng để có thể đạt đến độ phức tạp và tinh vi của Regin, việc lập trình phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm với nguồn nhân lực và tài chính hùng hậu. Và đây là sản phẩm của tầm cỡ quốc gia, được tạo nên với mục đích trở thành công cụ tình báo mạng siêu hiện đại. Và trên thế giới hiện nay, những quốc gia có thể tạo nên siêu mã độc như Regin lại càng hiếm.

Các báo cáo của Symantec, Kaspersky và F-Secure đều khẳng định, qua nghiên cứu cho thấy Nga và Trung Quốc không phải là cha đẻ của Regin. Các hãng này dù không nêu đích danh, nhưng đã ám chỉ một cách rõ ràng nhất rằng Regin là sản phẩm của sự hợp tác giữa hai quốc gia Mỹ và Anh. Tờ The Intercept chuyên về điều tra, đặc biệt là điều tra trong lĩnh vực công nghệ, khẳng định Regin chính là vũ khí đặc biệt và là sản phẩm hợp tác của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ và Cơ quan tình báo thông tin Anh.

Tờ The Intercept cũng công khai các mục tiêu tấn công của Regin nhằm do thám hàng loạt các công ty cung cấp dịch vụ điện thoại di động, internet, tập đoàn tài chính, doanh nghiệp, tổ chức, chính phủ khắp thế giới, trong đó tập trung vào 10 nước: Nga, Ả rập Xê Út, Mexico, Ireland, Ấn Độ, Afghanistan, Iran, Áo, Pakistan và Bỉ - nơi đặt tổng hành dinh của NATO và trụ sở nhiều cơ quan trọng yếu của EU. Cụ thể là gần một nửa Regin để lại dấu vết tấn công vào các cá nhân và doanh nghiệp (48%), tấn công các công ty viễn thông (28%), ngoài ra còn có các ngành y tế, năng lượng, hàng không và nghiên cứu. Lây nhiễm được phát hiện tại Nga 28%, Ảrập Saudi với 24%... Riêng tại Mỹ và Anh không có dấu vết lây nhiễm.

Hãng bảo mật Symantec đã so sánh Regin với Stuxnet - siêu mã độc do Chính phủ Mỹ và Israel hợp tác phát triển để phá hủy chương trình hạt nhân của Iran. Stuxnet được thiết kế để phá hủy các hệ thống điều khiển công nghiệp, trong khi mục tiêu của Regin là thu thập thông tin. Nhưng Regin còn ở đẳng cấp cao hơn hẳn khi nó có khả năng “tàng hình” khiến việc bảo mật như rơi vào hoàn cảnh phải đối đầu với một đối thủ trong khi mình bị bịt mắt.

CUỘC SỐNG KHÔNG BÍ MẬT

Và bây giờ, bạn sẽ đặt câu hỏi: Có khi nào chiếc máy tính hay chiếc điện thoại của mình đã bị người khác kiểm soát và mọi thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoạt động nghề nghiệp... của mình bị theo dõi, kiểm soát?

Xin được thêm thông tin: Cũng trong tháng 11-2014, Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ theo dõi khoảng 14.000 thuê bao điện thoại. “Tác giả” của vụ nghe lén này chỉ là một công ty TNHH hạng “ruồi” tại Hà Nội chuyên kinh doanh phần mềm Ptracker. Thông tin ban đầu công an cung cấp là những điện thoại bị theo dõi bị kiểm soát cuộc gọi, tin nhắn, danh bạ, nhật ký... Kẻ theo dõi còn có thể điều khiển điện thoại của nạn nhân ghi âm, bật camera, chụp ảnh, bật 3G, định vị vị trí, gửi tin nhắn, xóa tin nhắn... tóm lại là bị kiểm soát và điều khiển hoàn toàn mà không hề hay biết.

Còn với hoạt động ngoài trời? Thật đáng buồn cho ai yêu thích sự kín đáo khi những công bố mới nhất cho thấy, kính viễn vọng đặt trên các trạm vũ trụ của Mỹ hiện không chỉ nhìn rõ được biển số xe ôtô trên đường mà nó còn có thể thấy rõ huy hiệu của người cảnh sát đeo trên ngực áo để phân biệt anh ta thuộc phân đội nào.

Với những gì được công bố cuối năm 2014, có thể thấy, dường như công nghệ đang xóa nhòa mọi giới hạn trong cuộc sống của chúng ta. Và muốn giữ điều gì đó cho riêng mình có lẽ chỉ còn cách... im lặng và để trong lòng mà thôi!

Trần Phương (tổng hợp)

  • Từ khóa
72394

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu