Thứ 7, 27/04/2024 05:28:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:00, 17/09/2013 GMT+7

Thêm bài học cho người trồng bí đỏ

Thứ 3, 17/09/2013 | 09:00:00 2,077 lượt xem

Không nhiều đất sản xuất, nhưng một số hộ dân ở xã Tân Lợi (Đồng Phú) đã trồng xen bí đỏ (bí hồ lô) trong vườn cây ăn trái và vườn cao su non. Một vài năm đầu nông dân trồng với diện tích nhỏ nên bí đỏ cho thu nhập khá. Niên vụ 2013, nhiều hộ đầu tư trồng bí với diện tích lớn, có hộ trồng gần 20 ha bí đỏ, dẫn đến cung vượt cầu. Giá bí thấp, lại bị thương lái ép, nhiều hộ đành để bí thối ngoài vườn.


ĐỔ XÔ TRỒNG BÍ ĐỎ

Theo kinh nghiệm của các hộ dân trồng bí ở tổ 2, ấp Thạch Màn, xã Tân Lợi, trồng bí xen trong vườn cây ăn trái hay vườn cao su dưới 3 năm tuổi cho hiệu quả kinh tế khá. Khi trồng xen, cây bí phủ kín mặt đất không cho cỏ mọc. Mặt khác, cây bí đỏ không làm nghèo chất đất. 


Thương lái thu mua bí chỉ với giá 1.700 đồng/kg

Ông Trương Văn Tài ở tổ 2, ấp Thạch Màn cho biết: “Đất ở đây cỏ nhiều lắm. Nếu trồng khoai mì xen cao su sẽ tốn nhiều công làm cỏ, năng suất thấp, đất nhanh bạc màu. Trồng bí khá đơn giản, chi phí đầu tư không cao. Cây bí lên 2 lá mầm mình phun thuốc trừ sâu và dưỡng lá. Khi ngọn bí bò ra khoảng 6 mắt thì ngắt đọt để bí chia nhánh và ra trái. Trung bình một gốc bí chỉ để 3 đến 5 ngọn, mỗi ngọn cho ra 2-3 trái. Trong quá trình cây bí sinh trưởng và phát triển chỉ bón 3 đợt phân: Bón lúc ngắt đọt, chuẩn bị ra trái và thời kỳ bí nuôi trái”.

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn trồng bí ở ấp Thạch Màn cho biết: Trồng bí xen rất hợp với điều kiện kinh tế gia đình tôi, đây là hình thức lấy ngắn nuôi dài. Trong khi những năm đầu cây ăn trái, cao su chưa cho thu hoạch thì cây bí giúp người dân có thu nhập. Nếu đầu tư 1 ha bí đỏ xen trong vườn cao su, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 25-30 triệu đồng/vụ.

Ông Liêu Văn Thành, người trồng bí nhiều nhất ấp Thạch Màn cho biết: Gia đình tôi không có nhiều đất sản xuất nên đã thuê gần 10 ha đất cao su non để trồng bí. Năm 2013, do người dân trồng bí chính vụ nhiều nên tôi đã chuyển một phần diện tích sang trồng trái vụ. Tuy bí trái vụ năng suất thấp nhưng giá cao.


LAO ĐAO VÌ BÍ XUỐNG GIÁ

Mặc dù bí đỏ năm nay được mùa so với các năm trước, nhưng những cánh đồng bí đỏ ở ấp Thạch Màn đang trong thời kỳ thu hoạch lại vắng bóng người mua. Khi hỏi 10 hộ trồng bí thì chỉ khoảng 3, 4 hộ tìm được thương lái tiêu thụ. Số còn lại, hộ thì bỏ không thu hoạch, hộ thì tiếc công sức nên thuê xe chở về nhà bán lẻ dần. Chị Trần Thị Hà lắc đầu ngao ngán: Bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để đầu tư trồng 2 ha bí đỏ. Thế nhưng, đến mùa thu hoạch vẫn không thấy thương lái tìm mua như mọi năm. Mang về nhà cũng chẳng bán được, hàng tấn bí ăn không biết khi nào mới hết nên vẫn để ngoài đồng.

Nhìn bí đỏ đổ đống trong nhà, nhiều quả đã thối, bốc mùi chua, anh Trương Văn Tùng ở tổ 2, ấp Thạch Màn thở dài: Gia đình tôi trồng 3 ha bí đỏ, đây là loại bí quả nhỏ, có màu vàng da bò... vốn rất được thị trường ưa chuộng và có giá cao hơn so với các giống bí khác. Nếu được giá như mọi năm, trung bình 1 ha đạt gần 7 tấn, sẽ có lãi 25 triệu đồng. Nhưng bây giờ coi như mất trắng, gần 1 tấn bí hơn tháng nay chưa tiêu thụ được.

May mắn hơn, gia đình ông Trương Văn Tài được thương lái quen ở tỉnh Bình Dương lên tận ruộng thu mua. Nhưng giá bí hạ thấp nên chỉ thu đủ vốn, lỗ công chăm sóc. Ông Tài cho biết: Nhiều năm trước, bí đỏ mang lại lợi ích kinh tế khá lớn cho người dân nơi đây. Nhưng năm nay bí rớt giá thảm hại. Nếu như năm 2012, loại bí này vẫn được thương lái đến tận vườn thu mua với giá 5.000-6.000 đồng/kg thì năm nay, từ đầu vụ bí đỏ chỉ có giá 1.700-2.200 đồng/kg. Gia đình nào nhanh tay bán còn thu được chút vốn, không thì mất trắng.

Giá bí xuống thấp, theo ông Tài cho biết là do bí đỏ ở các tỉnh như Đắk Nông, Lâm Đồng... cũng vào vụ thu hoạch nên cung vượt cầu. Hiện người dân chỉ bán cho những mối quen, số còn lại bán lẻ tại các chợ.      

Thêm một bài học cho nhà nông trong phát triển kinh tế, sau những năm ồ ạt trồng các loại cây như mì, cao su, hồ tiêu... dẫn đến được mùa thì mất giá, đầu ra không ổn định. Và thiệt hại cuối cùng vẫn là người trồng. Rất mong ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp tăng cường công tác định hướng trong trồng trọt, chăn nuôi và có giải pháp tìm đầu ra ổn định, phù hợp cho nhà nông.                  

T.Hương

  • Từ khóa
39361

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu