Thứ 6, 29/03/2024 06:35:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 15:45, 08/03/2019 GMT+7

Thêm cơ hội tôn vinh tà áo dài

Thứ 6, 08/03/2019 | 15:45:00 219 lượt xem

BP - Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một loại y phục truyền thống mà khi nhìn vào chúng ta dễ dàng nhận biết được người mặc thuộc quốc gia nào. Người Nhật Bản có áo kimono, người Trung Hoa đời Mãn Thanh có chiếc áo Thượng Hải (còn gọi là xườn xám), hanbok là trang phục truyền thống của người Hàn Quốc, phụ nữ Ấn Độ thì ấn tượng với bộ sari... Người Việt Nam thì đã có niềm hãnh diện từ Quốc phục áo dài.

Hiện nay, không chỉ trong các trường học, lễ, tết của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp người ta mới mặc áo dài mà trong ngày cưới, hỏi các cô dâu cũng xem là cơ hội để tôn vinh vẻ đẹp của mình qua tà áo dài. Năm nay, công viên Đầm Sen, TP. Hồ Chí Minh, di tích ở Huế, các bảo tàng: Áo dài, Phụ nữ Nam bộ, Chứng tích chiến tranh... đã ra thông báo phụ nữ trong nước và quốc tế khi mặc trang phục áo dài truyền thống Việt Nam dịp Quốc tế phụ nữ (8-3) đến tham quan được miễn phí vé đang làm nức lòng không chỉ với chị em mà cả những ai yêu sự tha thướt, duyên dáng của áo dài Việt Nam.

Theo sử sách, áo dài Việt Nam chính thức được công nhận là Quốc phục từ thời chúa Nguyễn Vũ Vương (1739-1765). Hãnh diện hơn là thông qua các cuộc biểu diễn thời trang, các cuộc thi nhan sắc trên đấu trường quốc tế, các đoàn ngoại giao đến nhiều nước trên thế giới... áo dài đã thành biểu trưng đặc sắc nhất của Việt Nam trong lòng bạn bè quốc tế. Năm 2018, nhà thiết kế Minh Hạnh tiếp tục diễn thuyết về áo dài Việt Nam tại Nhật Bản và giảng dạy về áo dài tại Nga; hoa hậu hoàn vũ Việt Nam H’Hen Niê tỏa sáng trên đất Thái Lan được nhiều ống kính quốc tế và Vogue Thái Lan đăng tải khi mặc chiếc áo dài thổ cẩm do nhà thiết kế Linh San thực hiện... Đó chỉ là những điểm nhấn trong rất nhiều vinh dự lớn dành cho Việt Nam từ chiếc áo dài đem lại.

Việc miễn phí vé cho phụ nữ mặc áo dài tham quan dịp Quốc tế phụ nữ vừa thể hiện sự ưu ái dành cho “một nửa thế giới” trong ngày vui riêng của họ, vừa là cách đưa hình ảnh áo dài rộng rãi hơn vào đời sống, góp phần quan trọng nâng cao vị thế vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam trong tà áo dài. Đây cũng chính là dịp tốt nhất tôn vinh bản sắc văn hóa, giữ gìn nét đẹp truyền thống của tà áo dài Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Được biết, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã quy định nữ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh thực hiện mặc trang phục áo dài truyền thống vào thứ 2 hằng tuần từ tháng 9-2018...

Có lẽ từ xưa đến nay, hoàn hảo nhất với trang phục dành cho phụ nữ Việt vẫn là chiếc áo dài. Tất cả chị em dù có dáng chuẩn hay béo, gầy cũng đều được chiếc áo dài tôn lên đẹp, thướt tha, yểu điệu hơn và che đi những điểm chưa hoàn hảo của cơ thể. Đó là sự cộng hưởng và kết hợp hài hòa mà áo dài đã ưu ái dành tặng riêng cho phụ nữ khi khoác lên Quốc phục này. Trong tà áo dài, người phụ nữ còn được khơi dậy vẻ hiền dịu, nét đẹp tinh khôi mang đậm bản sắc của dân tộc một cách thuần khiết. Xin một lần nữa khẳng định vẻ đẹp áo dài qua lời bà Blaga Dimitrova, nữ thi hào Bulgaria nổi tiếng thế giới khi ngắm chị em trong trang phục áo dài đã thốt lên: “Bây giờ thì tôi tin, các thiên thần là có thực”. Vì rất nhiều lợi thế đó, phụ nữ Việt Nam nên tận dụng các cơ hội có thể để mặc áo dài. Điều đó không chỉ làm sống dậy sâu sắc hơn Quốc phục Việt Nam mà còn vì chính bản thân chị em được tự do “thiên thần” giữa đời thực, làm cho cuộc đời thêm ngọt ngào, đáng yêu hơn.

An Nhiên

  • Từ khóa
109062

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu