Thứ 6, 19/04/2024 20:03:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 20/03/2019 GMT+7

Thêm giải pháp giúp hộ nghèo “né” tín dụng đen

Thứ 4, 20/03/2019 | 09:30:00 169 lượt xem

BP - Những năm qua, từ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hộ thoát nghèo vươn lên có cuộc sống khá giả. Minh chứng là năm 2018, tổng doanh số cho vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt 633.663 triệu đồng, tăng 27.145 triệu đồng so năm 2017, với 28.297 lượt khách hàng được vay vốn. Ngoài hỗ trợ vay vốn, ngân hàng còn phối hợp địa phương xây dựng các mô hình giảm nghèo, như chăn nuôi heo, bò, gà thả vườn, trồng hoa màu, cải tạo vườn, buôn bán nhỏ... Qua đó góp phần giảm từ gần 11 ngàn hộ nghèo vào đầu năm 2018 còn khoảng 9.000 hộ vào cuối năm.

Ngoài nỗ lực của từng gia đình, sự chung tay hỗ trợ của các cấp chính quyền thì yếu tố quan trọng là người nghèo được vay vốn từ ngân hàng chính sách với lãi suất ưu đãi, thời gian trả nợ gốc và lãi khá dài. Từ đó, tạo tâm lý khá thoải mái để phát triển sản xuất, giúp họ thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, hầu hết hộ nghèo trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong khi thời tiết diễn biến bất thường, các loại cây trồng chủ lực bị sâu bệnh nên năng suất giảm mạnh và liên tục mất giá; gia súc, gia cầm cũng thường xuyên bị dịch bệnh nên không ít hộ đã nghèo lại nghèo thêm. Để tháo gỡ khó khăn trước mắt, kịp thời phục hồi sản xuất, nhiều hộ nghèo đã tìm đến tín dụng đen do việc tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng không phải một sớm một chiều là có. Trong khi tín dụng đen được quảng bá thông qua việc phát, dán tờ rơi, trên các website, mạng xã hội hay gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản và số tiền vay không hạn chế. Vì thế đã có không ít người dính “vòng kim cô” của những đối tượng cho vay nặng lãi. Kết cục là phải bán nhà, bán đất trả nợ, thậm chí phải bỏ trốn để tránh bị chủ nợ truy sát.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện quy mô tín dụng phi chính thức tại Việt Nam đang chiếm khoảng 15-20% tổng tín dụng của nền kinh tế. Trong đó, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 30-35% tổng tín dụng phi chính thức, tương đương 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, khoảng 450-550 ngàn tỷ đồng (tính đến cuối năm 2018). Bởi vậy, trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2018, đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhận định: “Tín dụng đen đã tạo ra hoàn cảnh “chị Dậu mới”, đẩy nhiều gia đình tan cửa nát nhà, thậm chí cùng quẫn, gây hậu quả lớn đến xã hội”.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Lê Minh Hưng vừa ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Theo đó, từ tháng 3-2019, hộ nghèo được nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng/hộ vay, không phải bảo đảm tiền vay và thời hạn cho vay tối đa lên 120 tháng (gấp 2 lần so với trước đây). Hy vọng, việc nâng mức cho vay tối đa đối với chương trình hộ nghèo, cận nghèo và hộ vay phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam sẽ là một trong những giải pháp hữu hiệu góp phần đẩy lùi tín dụng phi chính thức, nhất là tín dụng đen.

Lâm Phương

  • Từ khóa
109070

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu