Thứ 5, 28/03/2024 19:21:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:16, 11/02/2016 GMT+7

Huyền thoại sống trên đường Trường Sơn

Thứ 5, 11/02/2016 | 15:16:00 6,684 lượt xem
BP - Trong chuyến du xuân dọc tuyến đường Trường Sơn huyền thoại năm xưa (nay là đường Hồ Chí Minh), chúng tôi rất may mắn được gặp những huyền thoại sống, những anh hùng trong chiến trận và cũng là những nhân chứng đã chứng kiến bao đổi thay của đất nước sau 40 năm giải phóng. Họ đều là đồng bào dân tộc thiểu số, người được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), người là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy hơn 15 năm... Đó là những tấm gương để giáo dục truyền thống hào hùng của dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay.

5 lần được gặp Bác Hồ

Đất A Lưới (Thừa - Thiên Huế) những ngày đầu xuân không khí se lạnh, chúng tôi phải mặc thêm áo ấm. Tôi tìm đến nhà Anh hùng LLVTND Hồ Đức Vai không khó vì chúng tôi được người dân chỉ đường rất tường tận. Căn nhà cấp 4 nằm nép mình trong vườn cây ăn trái, bên cạnh hồ cá càng làm không gian thêm tĩnh mịch giữa vùng núi non trùng điệp. Ông Hồ Vai (tên gọi thân mật) nói: Trước đây, đồng bào dân tộc Pa Cô không ăn tết Nguyên đán. Nhưng từ khi được mang họ Bác Hồ thì người dân Pa Cô cũng vui xuân đón tết như đồng bào Kinh.

Anh hùng Hồ Vai và tấm hình vinh dự được chụp với Bác Hồ năm 1965

Ông Hồ Vai (1940), người dân tộc Pa Cô ở A Lưới được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND năm 1965. Sau khi lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh hùng Hồ Vai được ra Bắc báo cáo thành tích. Ông Vai kể: “Tôi tên thật là Lê Vai, tham gia bộ đội địa phương năm 1958, 7 năm sau thì vào đơn vị chủ lực của Quân khu 5. Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, phải đi xin ăn sống qua ngày. 14 tuổi, bộ đội về làng, tôi đi theo bộ đội đánh Mỹ. Những ngày đầu vừa đánh địch, tôi vừa giúp bộ đội đào hầm, vót chông, dẫn đường... Sau này tôi là đại đội trưởng bộ đội địa phương. Hồi đó, cái bụng đồng bào đói nhưng chiến đấu rất gan dạ. Trai tráng vào rừng chặt cây, vót chông, đặt bẫy bảo vệ làng. Phụ nữ, người già, trẻ con tham gia sản xuất, giã gạo nuôi quân. Gian khổ nhất là lúc đánh đồi ASo, đây là cứ điểm cuối cùng của địch trong thung lũng A Lưới. Ta đã hiệp đồng chặt chẽ giữa bộ binh và pháo binh để đánh trận cuối cùng. Khi bộ binh vào bắt sống địch thì pháo binh từ biên giới Việt - Lào bắn sang làm cho quân địch thương vong không ít”.

Ông Hồ Vai không nhớ hết những chiến công của mình trong kháng chiến chống Mỹ. Chúng tôi gợi mở mãi, ông mới nhớ lại trận một mình ông đã đánh lui 2 tiểu đoàn địch vào năm 1963. Ông kể tiếp: “Hôm đó, bộ đội hành quân xa, địch huy động 2 tiểu đoàn vào làng càn quét. Tôi đang ngồi vót chông thì người làng báo có giặc. Tôi chạy về hướng tiếng súng thì đụng ngay đội hình địch. Tôi lia nguyên một băng đạn tiểu liên rồi lao xuống khe dụ địch vào rừng chông. Sau đó, tôi luồn rừng nhập vào quân địch chọn thời điểm nổ súng làm chết và bị thương một số tên. Tưởng bị bộ đội phục kích, địch hốt hoảng tháo chạy”.

Với chiến công này, anh hùng Hồ Vai được ra Bắc báo công với Bác Hồ vào năm 1965. Và liên tiếp những năm sau đó, ông Hồ Vai được gặp Bác 5 lần. Ông Vai nhớ lại: “Khi gặp Bác, chúng tôi ai cũng khóc và chạy đến ôm lấy Bác vì Người sống giản dị và gần gũi nhưng tấm lòng lại quá vĩ đại. Tôi nói đồng bào theo Đảng, Bác Hồ đánh Mỹ, Bác cho chúng con được mang họ của Người. Sau đó, về lại A Lưới, tôi nói chuyện gặp Bác với mọi người tại một buổi mít tinh và hỏi đồng bào có theo tôi mang họ của Bác để đánh thắng giặc Mỹ không, thì hàng ngàn cánh tay giơ lên đồng thanh đáp “có”. Thế là từ đó, đồng bào dân tộc Pa Cô ở A Lưới đều mang họ của Bác Hồ và tôi là Hồ Vai”.

Nồi cơm của Y Buông

Chúng tôi đến thăm Anh hùng LLVTND Y Buông, người dân tộc Xơ Đăng lúc cơn mưa xuân của núi rừng Tây Nguyên bất chợt ập đến. Đứa cháu ngoại vội đẩy chiếc xe lăn đưa bà Y Buông ra phòng khách. Trong căn nhà cấp 4 nằm sát bên đường Hồ Chí Minh ở trị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, tỉnh KonTum treo rất nhiều huân - huy chương, bằng khen, giấy khen của bà và con cháu.


Anh hùng LLVTND Y Buông và cháu gái

Bà Y Buông không nhớ mình sinh năm nào, chỉ nghe kể bà được sinh ra và lớn lên ở khu vực này. Thời thiếu nữ, Y Buông như bông hoa rừng buổi sớm, nhiều trai làng để mắt tới nhưng giặc về giày xéo quê hương nên Y Buông đi theo bộ đội đánh giặc. Cha bà bảo, ở lại làng cũng chết, vào rừng cũng chết, vậy nhà ta nên theo bộ đội đánh Mỹ may còn đường sống. Vậy là gia đình bà rời bản làng theo bộ đội, riêng bà vào huyện đội làm chị nuôi lúc mới mười tám đôi mươi. Do khó khăn về lương thực nên hằng ngày Y Buông vào rừng sâu, vượt núi cao để kiếm măng, rau rừng, bắt cua, cá, đào củ mài, sắn... về nuôi quân. Ban đêm, bà Y Buông được dạy cách bắn súng, học chữ, cách giấu tài liệu, bảo vệ tài sản... “Là chị nuôi nhưng tôi được phát một khẩu tiểu liên để đánh giặc. Tôi nhớ một lần bị giặc càn, bộ đội tản vào rừng. Nhớ tới dụng cụ nấu bếp nếu bị phá thì không nuôi quân được, tôi lén quay về giấu hết xoong nồi vào bìa rừng rồi ôm tài liệu của đơn vị chạy trốn. Đêm leo lên cây ngủ, ngày phải di chuyển đi nơi khác, 3 ngày sau tôi mới trở về đơn vị” - bà Y Buông kể.  Dù địch dội bom đạn, dày đến mấy, bếp của chị nuôi Y Buông vẫn đỏ nhưng không để lộ. Năm 1972, bà Y Buông được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên cùng năm, bà Y Buông giẫm phải mìn nên bị cụt một chân.

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Y Buông lập gia đình và sinh được 2 người con. Con trai đầu đã mất vì sốt rét rừng, còn con gái đang làm ở Bệnh viện đa khoa huyện. Chồng bà đã ra đi hơn chục năm nay vì di chứng sau chiến tranh... Bà Y Buông giờ là “bóng cây kơnia đại thụ” bên tuyến đường Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ noi theo.

Người phụ nữ có thần kinh thép

Theo lời chỉ dẫn của bà Y Buông, chúng tôi đến thành phố Plâyku (Gia Lai) để tìm người phụ nữ Jrai có “thần kinh thép” của núi rừng Tây Nguyên trong những năm chống Mỹ cứu nước.

Bà Rơ Châm H’Yéo (1950) ngồi đó bình dị và thanh thản lạ thường, khác xa với những chiến công vang dội thời đánh Mỹ của bà. Bà H’Yéo sinh ra trên vùng đất Tây Nguyên thượng võ. 17 tuổi, bà tham gia bộ đội địa phương thuộc Huyện đội Chư Pảh. Những năm đi bộ đội, bà H’Yéo cùng đơn vị chiến đấu tại đồi Tròn bảo vệ đường 14. Tại đây, bà đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, cùng đồng đội bắt sống hàng trăm tù binh, bắn cháy nhiều xe tăng, xe bọc thép của địch. Sau ngày giải phóng, bà được đơn vị cử đi học quản lý nhà nước để tham gia xây dựng chính quyền cách mạng. Sau đó, bà H’Yéo giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Gia Lai trong 15 năm. Năm 1996, bà là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai và giữ chức Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho đến năm 2007 thì nghỉ hưu. Sau đó, bà được bầu làm Phó chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh cho đến nay.

Bà H’Yéo

Dù rất bận rộn với công tác hội nhưng bà H’Yéo cũng dành cho chúng tôi nhiều thời gian để nói về Trường Sơn, về vùng đất, con người Tây Nguyên những năm đánh Mỹ cứu nước và những mùa xuân mới ở Gia Lai. Bà còn kể chuyện Trung đoàn 95 ngày Đại tướng Đoàn Khuê làm Trung đoàn trưởng cùng đơn vị bà đánh Mỹ ở đồi Tròn. Chuyện họp mặt của các cựu chiến binh sau ngày giải phóng. Chuyện tên ác ôn Chiu đóng giả làm dân thường thủ tiêu cán bộ bị trâu đồng bào húc lòi ruột. Chuyện máy bay Mỹ rải chất độc hóa học, chuyện 2 du kích dùng mưu đánh tiêu diệt 2 đơn vị dã chiến và bảo an của Mỹ - ngụy.

Trong thời kỳ Gia Lai xây dựng quê hương, những ý kiến đóng góp của bà H’Yéo được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá rất cao, nhất là việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc... Ngày nay, trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa khu dân cư, bà H’Yéo là ngọn cờ tiên phong ở Gia Lai trong việc vận động, thuyết phục đồng bào các dân tộc thiểu số đóng góp sức người, sức của xây dựng quê hương. Là một trong những cán bộ cốt cán của tỉnh Gia Lai, bà H’Yéo luôn nhận thấy quê hương, đất nước đang đổi thay từng ngày. Những lúc rảnh rỗi, bà và các đồng chí trong hội thường ôn lại truyền thống Bộ đội Cụ Hồ.

Xuân mới đang về trên khắp mọi nẻo đường đất nước. Huyền thoại sống như anh hùng Hồ Vai, bà Y Buông hay bà H’Yéo lại già thêm một tuổi nhưng quá khứ của họ luôn gắn liền với cuộc kháng chiến vẻ vang của dân tộc để cho đất nước mãi trọn niềm vui. Họ là những tượng đài sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ để giáo dục truyền thống thế hệ trẻ của đất nước. 

Tấn Phong - Nhất Sơn

  • Từ khóa
14951

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu