Thứ 6, 29/03/2024 06:06:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:02, 13/11/2018 GMT+7

Thêm một sự vội vàng của Bộ GD-ĐT

Thứ 3, 13/11/2018 | 09:02:00 126 lượt xem
BP - Câu chuyện hài hước “sinh viên sư phạm bán dâm không quá 4 lần” chưa kịp lắng xuống thì Bộ GD-ĐT lại tiếp tục gây “bão dư luận” bằng đề xuất “không tuyển mới giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm trong 5 năm tới”. Lý do Bộ GD-ĐT đưa ra là hiện cả nước còn gần 160 ngàn giáo viên tiểu học cần được bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn trong 5 năm tới.

Vì vậy, bộ đề xuất không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sư phạm nữa.

Điều đáng ngạc nhiên là hiện nay, các trường sư phạm trên cả nước vẫn đang tiếp tục đào tạo 2 hệ này. Ngay tại Bình Phước, năm học 2018-2019, Trường cao đẳng Sư phạm tỉnh đã tuyển 78 sinh viên khóa 22, với 3 ngành chính quy là giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học và sư phạm Anh văn, nâng tổng số sinh viên hệ chính quy của trường trong năm học này lên 416 em; thậm chí có cả hệ vừa làm vừa học với 51 học viên liên thông cao đẳng mầm non. Trước đó, năm học 2017-2018, trường này có 531 sinh viên hệ chính quy.

Không riêng gì Bình Phước, hằng năm, sinh viên học hệ trung cấp và cao đẳng sư phạm trong cả nước tốt nghiệp ra trường khá nhiều. Trong nhiều kỳ tiếp xúc cử tri, các đại biểu dân cử của tỉnh đã phải đau đầu khi cử tri chất vấn vì sao con em họ ra trường đã mấy năm mà không được tuyển dụng? Thực tế, cũng có không ít địa phương khi tuyển giáo viên tiểu học và THCS vẫn ưu tiên cho sinh viên của 2 hệ đào tạo này với lý do đây là sinh viên học trường sư phạm của tỉnh, trong khi nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học sư phạm vẫn thất nghiệp. Điều này cho thấy một sự bất công bằng trong tuyển dụng.

Ngay sau khi đề xuất của Bộ GD-ĐT được đăng tải trên các báo và chia sẻ trên mạng xã hội, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình. Nhiều người cho rằng, việc nâng chuẩn giáo viên lên trình độ đại học không phải là cách tốt nhất để nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Bởi bậc học này cần những giáo viên có năng lực, hiểu rõ tâm lý và có tình thương yêu trẻ nhỏ. Với bậc tiểu học, bằng đại học chưa hẳn đã hơn bằng trung cấp, cao đẳng! Còn nếu theo “cái lý” mà Bộ GD-ĐT đưa ra thì tại sao bộ để các trường tuyển sinh 2 hệ này? Lẽ ra ngay tại thời điểm này, bộ cần chỉ đạo tất cả trường sư phạm trong cả nước phải chấm dứt ngay việc đào tạo hệ trung cấp và cao đẳng sư phạm, vì những sinh viên này ra trường cũng chỉ vài năm hoặc ngay năm sau đã lại phải đi học nâng chuẩn. Việc học nâng chuẩn trình độ giáo viên hằng năm đã khiến ngân sách của các địa phương bội chi thêm một khoản không nhỏ, dù chất lượng của những lớp nâng chuẩn thì ai cũng rõ, chỉ là “học cho có”. Ngay cả “người trong cuộc” cũng cho biết việc bồi dưỡng nâng chuẩn chỉ là để hợp thức hóa cái bằng mà thôi.

Nhiều người cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo viên, hằng năm ngành giáo dục nên tổ chức thi tuyển giáo viên công khai, không phân biệt vùng miền hay trường đào tạo. Như thế vừa tạo được công bằng trong tuyển dụng mà địa phương sẽ đỡ tốn một khoản tiền để nâng chuẩn cho giáo viên hằng năm. Việc nâng chuẩn là cần, nhưng cần có lộ trình hợp lý để các trường chuẩn bị. Bởi nếu từ năm 2019 không tuyển giáo viên tiểu học trình độ trung cấp, cao đẳng thì đội ngũ giáo viên dạy các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm sẽ làm gì, sống ra sao? Và hàng ngàn sinh viên đang học tại các trường này khi ra trường sẽ đi đâu, về đâu!?

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu