Thứ 6, 19/04/2024 04:23:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:43, 29/06/2017 GMT+7

Thêm nguồn lực cho xã nghèo vượt khó

Thứ 5, 29/06/2017 | 14:43:00 133 lượt xem

BP - Thủ tướng Chính phủ vừa ký và ban hành Quyết định số 900/QĐ-TTg ngày 20-6-2017 về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Theo đánh giá, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Quyết định số 900/QĐ-TTg đã tăng thêm động lực, trợ giúp các địa phương thực hiện tốt công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn hiện nay ở nước ta, trong đó có Bình Phước.

Theo Quyết định số 900/QĐ-TTg, cả nước có 2.139 xã của 46 tỉnh được Thủ tướng đưa vào danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu được thụ hưởng chính sách đầu tư của Chương trình 135. Trong đó, giai đoạn 2017-2020, ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cho 2.103 xã của 44 tỉnh, còn lại 36 xã của 2 tỉnh Quảng Ninh và Khánh Hòa sẽ do ngân sách địa phương đầu tư. Theo quyết định này, Bình Phước có 10 xã được ngân sách nhà nước đầu tư theo Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 gồm: Phú Văn, Bù Gia Mập, Đắk Ơ (Bù Gia Mập), Lộc Quang, Lộc Phú, Lộc Thành (Lộc Ninh), Hưng Phước, Phước Thiện (Bù Đốp), Tân Lợi (Đồng Phú) và xã Đường 10, huyện Bù Đăng.

Bình Phước là tỉnh nghèo vùng biên giới, vùng sâu, xa, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Mấy năm qua, nhờ có sự đầu tư từ các chương trình, chính sách của Trung ương, các bộ, ngành nên diện mạo nông thôn vùng sâu, xa, vùng biên giới của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, sau khi tái lập tỉnh, Bình Phước đã có nhiều xã thụ hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình 135 của Chính phủ. Nhờ chương trình này, hệ thống giao thông nông thôn, điện, chợ nông thôn, trường học, trạm y tế xã... đã được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu người dân. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011-2016, từ vốn Chương trình 135, Bình Phước đã xây dựng, sửa chữa 177 công trình giao thông nông thôn, 17 công trình điện, 16 công trình trường học, 13 công trình nhà văn hóa, 2 công trình giếng nước tập trung và hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... với tổng kinh phí 156,135 tỷ đồng. Từ hiệu quả đầu tư của Chương trình 135, nhiều xã trong tỉnh đã thoát nghèo, ra khỏi chương trình để vươn lên xây dựng nông thôn mới. Theo thống kê, năm 2011, toàn tỉnh có 6.899 hộ đồng bào DTTS nghèo. Nhờ thụ hưởng từ Chương trình 135 về hỗ trợ sản xuất và đời sống, đến nay Bình Phước chỉ còn 3.479 hộ đồng bào DTTS nghèo.

Như vậy, có thể thấy việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ sản xuất các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu theo diện đầu tư của Chương trình 135 là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua. Những công trình, hạng mục được đầu tư xây dựng đã đáp ứng nhu cầu bức thiết trong cuộc sống của người dân. Giúp đồng bào các DTTS ổn định cuộc sống, xóa bỏ hủ tục, mê tín dị đoan và xóa bỏ khoảng cách giữa các vùng, miền và các địa phương. Do đó, việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 900/QĐ-TTg đã tăng thêm động lực cho các xã đặc biệt khó khăn, biên giới... có cơ hội được đầu tư ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương, trong đó có 10 xã của Bình Phước. 

Tấn Phong

  • Từ khóa
108667

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu