Thứ 5, 25/04/2024 04:10:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:45, 21/06/2018 GMT+7

Thêm nguồn lực để phát triển

Thứ 5, 21/06/2018 | 08:45:00 156 lượt xem

BP - Báo cáo với đoàn giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh ngày 18-6, lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết: Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã triển khai 50/609 dự án trong danh mục các dự án thu hồi đất thông qua tại Nghị quyết số 50/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 12-12-2017, với diện tích 7.098,82 ha/13.544,93 ha. Kết quả hoàn thành 39 dự án, với diện tích 61,41 ha. Trên cơ sở tổng hợp đề xuất của UBND các huyện, thị xã và những đơn vị liên quan, Sở Tài nguyên - Môi trường tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua danh mục bổ sung các dự án cần thu hồi đất năm 2018 với 48 dự án, với diện tích 1.393 ha. Chỉ với Nghị quyết số 50/2017/NQ-HĐND và đề xuất bổ sung năm 2018, toàn tỉnh đang phải triển khai, thu hồi diện tích đất tương đương diện tích tự nhiên của thị xã Đồng Xoài (16.732,11 ha). Đưa ra so sánh như vậy để thấy diện tích này lớn đến mức nào.

Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, diện tích đất phải thu hồi là vì mục đích quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cho biết, tỷ lệ triển khai và hoàn thành thấp là do một số dự án cần thu hồi ở cấp huyện chưa có vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng công trình; trình tự thu hồi đất kéo dài làm chậm tiến độ, chủ đầu tư chưa lập xong dự án và hồ sơ đất...

Tất nhiên, diện tích đất thu hồi không phải được khoanh tròn trong một khu vực, mà dàn trải trong toàn tỉnh. Nếu tất cả đồng loạt triển khai, ở góc độ quản lý đất đai, có thể thấy Bình Phước như một công trường rất lớn đang sắp xếp lại để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Bình tâm suy xét sẽ thấy một khối lượng công việc rất lớn đang đặt ra cho cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, trong đó có vai trò trung tâm là ngành tài nguyên - môi trường. Bởi để thu hồi dù chỉ một mét vuông, một thửa đất, hay một mảnh vườn không hề đơn giản. Rất nhiều thủ tục pháp lý ràng buộc liên quan. Đó là chưa nói đến có nảy sinh khiếu nại, sự không trung thực trong kê khai hay tình trạng thực hiện không đúng chính sách, thậm chí tận dụng kẽ hở trong chính sách của Nhà nước để trục lợi. Vì thế, không thể một sớm một chiều hoặc trong vài tháng, thậm chí trong một năm có thể hoàn thành ngay việc thu hồi đó. Đây là điều dễ hiểu.

Song, nói như thế không có nghĩa là việc thu hồi có thể chậm trễ, kéo dài. Bởi khi đã đưa vào danh mục dự án thu hồi, đương nhiên diện tích đó thuộc loại trong quy hoạch. Mà trong quy hoạch thì không được phép xây dựng công trình kiên cố hay trồng cây lâu năm. Nếu có xây, có trồng, khi bị thu hồi sẽ không được bồi thường. Cuộc sống tiếp diễn hằng ngày. Nếu dự án chưa triển khai hoặc triển khai chậm, chắc chắn ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến sản xuất - kinh doanh, sinh hoạt, nặng thì có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của người dân.

Đã có rất nhiều bài học đắt giá, là “gương nhỡn tiền” về hệ quả của những dự án treo, quy hoạch treo. Đó không chỉ là một sự lãng phí vô cùng lớn đối với tài nguyên, nguồn lực phát triển, ảnh hưởng tới sự phát triển tổng thể xã hội trên một địa bàn, mà còn bào mòn giá trị pháp luật, uy tín của chính quyền đối với nhân dân. Vì thế, việc diện tích các dự án “thu hồi một thị xã” cần sự quan tâm, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Dù khó khăn đến đâu cũng phải nỗ lực thực hiện. Một công trường khi hoàn tất sẽ trở thành một công trình và chỉ khi đó nó mới mang lại ý nghĩa thật sự đối với thúc đẩy phát triển. Và như vậy, việc thu hồi đất ở các dự án chậm triển khai hoặc không hiệu quả sẽ thêm nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu