Thứ 6, 19/04/2024 07:55:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:43, 28/11/2015 GMT+7

Theo vết xe đổ

Thứ 7, 28/11/2015 | 14:43:00 786 lượt xem

BP - Lê Oanh sinh năm 1495, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông. Dưới thời Lê Hiến Tông, ông được phong làm Giản Tu công. Sau khi giết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập mình làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức là vua Tương Dực đế. Lê Tương Dực là vị hoàng đế thứ 9 của nhà hậu Lê. Ông trị vì từ năm 1509-1516, tổng cộng 7 năm. Sau đó, ông đi theo vết xe đổ của Lê Uy Mục. Lê Tương Dực chơi bời xa xỉ trụy lạc, bỏ bê việc nước. Dân chúng oán ghét và khinh bỉ Tương Dực nên gọi ông là vua lợn. Triều chính trở nên hết sức rối ren, bên ngoài khắp nơi loạn lạc.

Dù tình hình căng thẳng nhưng Lê Tương Dực không đoái hoài. Nguyên Quận công Trịnh Duy Sản là người có công trạng, nhiều lần can ngăn không được mà còn bị vua cho người đánh bằng trượng. Sản bất mãn, mưu với thái sư Lê Quảng Độ và Trình Trí Sâm lập vua khác. Mượn tiếng đi đánh giặc, mờ sáng một ngày tháng 5-1516 Trịnh Duy Sản đem binh vào cửa Bắc Thần giết “vua lợn”. Lê Tương Dực ở ngôi được 7 năm, hưởng thọ 21 tuổi.

Lê Chiêu Tông (1506-1526), có tên húy là Lê Y và là chắt của vua Lê Thánh Tông, là vị vua thứ 10 của nhà Lê sơ. Lúc mới 11 tuổi, ông được đại thần Trịnh Duy Sản và Lê Quảng Độ lập làm vua khi dấy quân lật đổ Lê Tương Dực. Trong thời gian trị vì của Lê Chiêu Tông, triều đình bị thao túng bởi Trần Chân, con nuôi của Trịnh Duy Sản. Vua nghe lời gièm pha, sợ uy quyền của Trần Chân nên sai người dụ Chân vào triều rồi giết Chân cùng các thủ hạ thân tín. Nhóm thủ hạ còn lại của Trần Chân phục thù, mang quân từ Sơn Tây đánh kinh thành, khiến vua phải tháo chạy. Với sự lãnh đạo của Mạc Đăng Dung, quân triều đình đánh bại những kẻ nổi loạn. Dung lần lượt được phong đến thái phó, quyền thế át cả vua.

Chiêu Tông không muốn bị Đăng Dung khống chế, bí mật bàn cùng các nội thần hạ bệ Đăng Dung. Nhưng kế hoạch bị đổ vỡ, Chiêu Tông phải trốn chạy. Sau đó, Đăng Dung tuyên bố phế truất ông và lập em ông là Lê Xuân lên ngôi (Lê Cung Hoàng). Như vậy, trong nước lúc này có 2 vua là Chiêu Tông và Cung Hoàng. Các tướng thân cận của Chiêu Tông đem quân giúp vua, khôi phục lại được thanh thế và đẩy lùi quân của Mạc Đăng Dung. Nhưng do nội bộ bất hòa, nhiều tướng lại bỏ theo phe của kẻ tiếm quyền. Từ đó quân của Mặc Đăng Dung làm chủ tình hình. Ngày 28-10-1525, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông mang về Thăng Long giam lỏng. Đến tháng 12-1526, ông bị Đăng Dung sai người giết chết, thọ 20 tuổi, ở ngôi được 6 năm.

Vua Lê Cung Hoàng (1507-1527) có tên húy là Lê Xuân, là vị vua thứ 11 của nhà hậu Lê, ở ngôi từ năm 1522-1527, tổng cộng 5 năm. Ông là vị hoàng đế cuối cùng của nhà Lê sơ. Ông là em ruột Lê Chiêu Tông, chắt của Lê Thánh Tông, được Mạc Đăng Dung lập lên để giữ danh chính khi Chiêu Tông trốn thoát vào năm 1522. Sau khi Chiêu Tông bị giết, vai trò lá chắn của Cung Hoàng không còn. Đã đến lúc để Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê.

Ngày 15-6-1527, Mạc Đăng Dung đem quân vào kinh, bắt vua nhường ngôi. Triều thần lúc đó hầu hết đã là người của Đăng Dung hoặc theo Đăng Dung, tự khởi thảo chiếu nhường ngôi cho vua. Mạc Đăng Dung xưng hoàng đế, tức Mạc Thái Tổ, lập ra nhà Mạc, lấy niên hiệu là Minh Đức. Lê Cung Hoàng bị giáng xuống làm Cung Vương rồi giam cùng với Hoàng thái hậu ở cung Tây Nội. Vài tháng sau, Đăng Dung ép mẹ con Cung Hoàng phải tự tử. Lê Cung Hoàng ở ngôi được 5 năm, thọ 21 tuổi.

Lời bàn:

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhà hậu Lê tới thời vua Lê Chiêu Tông, trong triều đình lương thần thì ít mà gian thần thì lại quá nhiều. Sự đổ nát của chính sự nhà Lê thực ra đã bắt đầu từ thời các “vua quỷ” Lê Uy Mục và “vua lợn” Lê Tương Dực. Phần lớn các cuộc khởi nghĩa, bạo loạn của nông dân đã bùng phát ở nhiều nơi từ trước khi Lê Chiêu Tông lên ngôi. Nhà hậu Lê đổ nát tới mức khi quân khởi nghĩa Trần Cảo vào kinh, thái sư đầu triều Lê Quảng Độ lập tức theo hàng, vì ông hiểu rằng Chiêu Tông hay Lê Oanh cũng chỉ là những con bài chính trị trong tay các quyền thần thuộc các thế tộc họ Trịnh ở đàng Ngoài và họ Nguyễn ở đàng Trong. Chính sự suy đồi của nhà Lê khiến những người như Trần Cảo rắp tâm xưng hiệu không còn nể sợ “mệnh trời”. Và khởi nghĩa Trần Cảo là khởi nghĩa lớn nhất thời Lê sơ, tuy cuối cùng thất bại nhưng đã khiến triều đình nhà Lê nghiêng ngả.

Do đó, dù không trực tiếp nhưng cuối cùng khởi nghĩa do Trần Cảo đề xướng là một nguyên nhân khiến nhà hậu Lê sụp đổ vào năm 1789, trước sau tồn tại 360 năm, là triều đại phong kiến dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Một nguyên nhân nữa làm cho nhà hậu Lê sụp đổ hoàn toàn đó là các vua Lê và các chúa Trịnh chỉ biết lo ăn chơi, tranh giành địa vị và quyền lực. Còn người dân thì lầm than và phải đổ máu vì những cuộc tranh giành ấy. Và một khi làm vua hay làm chúa mà không cần biết đến dân thì ắt người dân cũng chẳng cần vua hay chúa để làm gì. Còn làm vua, làm chúa mà không có dân thì làm vua, chúa với ai? Tiếc rằng, bài học đơn giản ấy nhưng nhiều đời vua của nhà hậu Lê và cả các đời chúa Trịnh không có ai hiểu và làm theo. Và đây là điều hậu thế phải hiểu và suy ngẫm cho kỹ để rút ra bài học cho mình, đừng bao giờ đi vào vết xe đổ của người xưa.

N.D

  • Từ khóa
109734

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu