Thứ 7, 20/04/2024 00:30:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:09, 24/08/2016 GMT+7

Thí sinh tiếc “đứt ruột” vì… đỗ đại học nguyện vọng một

Thứ 4, 24/08/2016 | 10:09:00 154 lượt xem
BPO - Khối trường quân sự tuyển bổ sung đến trên 1.000 chỉ tiêu cho 18 trường. Nhiều trường đại học chấp nhận hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung thấp hơn cả điểm chuẩn trúng tuyển đợt một. Điều này đã khiến nhiều thí sinh, phụ huynh tiếc nuối.
Thí sinh tham gia xét tuyển tại Đại học Bách khoa Hà Nội

Long đong đi rút hồ sơ

Do thiếu chỉ tiêu, nhiều trường buộc phải hạ điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung thấp hơn so với điểm chuẩn đợt một. 

Tiêu biểu có thể kể đến như Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đợt xét tuyển đầu tiên, trường vẫn thiếu gần 1.300 chỉ tiêu cho tất cả 33 ngành đào tạo. 

Để thu hút thí sinh ở đợt xét tuyển bổ sung, trường công bố mức điểm nhận hồ sơ giảm ba điểm so với điểm chuẩn đợt một.

Cụ thể, ngành Sư phạm Toán học, điểm chuẩn đợt một là 33 điểm (môn Toán nhân hệ số hai), nhưng điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung chỉ 29 điểm. Ngành Quản lý giáo dục nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ 16,5 điểm trong khi điểm chuẩn đợt một là 19,5 điểm. Ngành Sư phạm Tin học điểm chuẩn đợt một là 19 điểm, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung là 16,5 điểm…

Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung giảm, số lượng chỉ tiêu xét bổ sung nhiều. Ngành tuyển rải ở cả các khối ngành nóng như bác sỹ đa khoa, công nghệ sinh học… , từ các trường có thương hiệu hàng đầu đến những trường nhóm giữa và nhóm dưới… 

Đặc biệt, khối trường quân sự, vốn là ưu tiên lựa chọn của rất nhiều thí sinh do không mất chi phí đào tạo, không phải lo tìm việc sau khi tốt nghiệp. Những năm trước, các trường này thường lấy đầy chỉ tiêu ngay ở nguyện vọng một. 

Tuy nhiên, năm nay, có đến 18 trường thiếu thí sinh và phải xét tuyển bổ sung trên 1.000 chỉ tiêu. Mức điểm xét tuyển không quá cao, đa số ở ngưỡng 18 đến 20 điểm, có trường công bố nhận hồ sơ từ 16 điểm.

Điều này khiến không ít thí sinh dù đã trúng tuyển vào một trường nào đó nhưng vẫn không khỏi tiếc nuối.

Sáng 23/8, bác Nguyễn Tiến Khoa cùng con trai lật đật đi xe máy đến Đại học Bách khoa Hà Nội để… xin rút hồ sơ và giấy chứng nhận kết quả thi đã nộp vào trường này. Bác Khoa cho biết, con bác được 24 điểm và đăng ký xét tuyển đợt một vào hai trường Học viện Kỹ thuật quân sự và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sau khi trường công bố điểm chuẩn, con trai bác không đủ điểm vào Học viện Kỹ thuật quân sự nhưng đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Vì thế, em đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào Đại học Bách khoa.

“Nhưng Học viện Kỹ thuật quân sự mới công bố xét tuyển bổ sung hệ dân sự, điểm nhận hồ sơ chỉ từ 19 đến 22 điểm, trong khi con tôi được những 24 điểm. Tiếc đứt ruột, vì Học viện Kỹ thuật quân sự vốn là mơ ước của cháu."

"Vẫn biết theo quy định thì đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi sẽ không thể rút ra như năm ngoái, nhưng hai bố con vẫn lên đây với hy vọng mong manh. Tuy nhiên, nhà trường vừa trả lời không rút được,” bác Khoa chia sẻ, nét mặt bần thần.

Trường hợp của con bác Khoa không phải là duy nhất. Tại nhiều trường như Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông…  cũng ghi nhận trường hợp thí sinh đến xin rút hồ sơ.

Trượt oan vì thí sinh đỗ ảo

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển đợt một cùng lúc vào hai trường đại học.

Thống kê của Bộ cũng cho thấy, tỷ lệ thí sinh đăng ký vào hai trường lên đến trên 70%, đồng nghĩa với trên 70% thí sinh dự xét tuyển là ảo.

Nhiều thí sinh có mức điểm khá có thể đỗ cùng lúc hai trường, nhưng sẽ chỉ được chọn đăng ký học một trường và bỏ trường còn lại, dẫn đến hiện tượng đỗ ảo.

Biết rõ lượng thí sinh ảo lớn, nhưng không nhiều trường đại học dám “liều” để trừ lượng thí sinh ảo lớn. “Nếu gọi thí sinh dư quá nhiều, lỡ các em đến vượt chỉ tiêu, trường sẽ bị Bộ Giáo dục và Đào tạo phê bình, nhưng gọi ít, trường đứng trước nguy cơ thiếu chỉ tiêu vì có thể thí sinh chọn trường khác,” phó giáo sư Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội phân trần.

Tỷ lệ thí sinh ảo cao, trường khó khăn trong tính toán điểm chuẩn phù hợp ở đợt xét tuyển đầu tiên đã dẫn đến hệ quả là hàng loạt trường thiếu chỉ tiêu. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có đến 99 trường không tuyển đủ số lượng, phải công bố xét tuyển bổ sung. Trong đó, có cả những trường hàng đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Ngoại thương hoặc các trường khối ngành quân đội.

Nhiều thí sinh đỗ ảo khiến cả trăm trường trống hàng chục nghìn chỉ tiêu, đồng nghĩa với hàng chục nghìn thí sinh đã bị trượt ảo ở đợt một. Những thí sinh trượt ảo ở trường này có thể lại trúng tuyển ở một trường khác (do các em đăng ký hai trường) và chấp nhận nộp hồ sơ dù các em không mấy mặn mà.

"Đặc biệt, khi trường các em đã trượt lại thiếu chỉ tiêu, phải tuyển bổ sung, thậm chí điểm tuyển đợt bổ sung lại thấp hơn điểm của thí sinh bị trượt. Điều này sẽ tạo tâm lý không tốt cho các em," phó giáo sư Lê Hữu Lập, nguyên Phó giám đốc Học viện Bưu chính Viễn thông nói.

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
86146

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu