Thứ 5, 25/04/2024 02:03:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:14, 28/09/2017 GMT+7

Thích ứng để phát triển

Thứ 5, 28/09/2017 | 10:14:00 115 lượt xem

BP - Sự kiện Thủ tướng Chính phủ chủ trì phiên toàn thể “Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, khai mạc ngày 26-9, tại thành phố Cần Thơ đã thu hút sự quan tâm của nhân dân cả nước. Bởi thời gian qua, biến đổi khí hậu đã gây ra hậu quả nặng nề cho nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Vì vậy, hội nghị này được các nhà khoa học đánh giá là một “Hội nghị Diên Hồng” không chỉ cho đồng bằng sông Cửu Long, mà cho cả nước trong việc tìm cách thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển.

Biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến các hệ sinh thái trên trái đất, đồng thời làm thiếu hụt nguồn nước ngọt, không khí bị ô nhiễm, năng lượng và nhiên liệu khan hiếm; phát sinh các vấn đề y tế liên quan đến sự sinh tồn của con người. Biến đổi khí hậu còn làm cho nhiệt độ trái đất tăng cao dẫn đến các loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng, mất đa dạng sinh học. Lương thực, nước ngọt ngày càng khan hiếm, đất đai dần biến mất do bị nước biển nhấn chìm nhưng dân số ngày một gia tăng sẽ gây yếu tố xung đột và chiến tranh giữa các quốc gia. Bão lũ, hạn hán diễn ra làm cho mùa màng thất bát gây những tổn thất lớn về kinh tế và gia tăng dịch bệnh nguy hiểm bùng phát nguy hại đến sức khỏe cộng đồng.

Là quốc gia ven biển, trong thời gian qua Việt Nam đã gánh chịu những hậu quả nặng nề do biến đổi khí hậu gây ra. Tình trạng lũ quét xảy ra triền miên ở các tỉnh phía Bắc, bão hoành hành ở khu vực miền Trung... Đặc biệt, các tỉnh Tây Nam bộ - nơi có nhiều ưu đãi của thiên nhiên cũng không thoát khỏi sự đe dọa do biến đổi khí hậu gây ra. Đó là tình trạng xâm nhập mặn, nước biển tràn sâu vào đất liền, sạt lở đất. Riêng đợt khô hạn năm 2015-2016, các tỉnh miền Tây bị thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng làm ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. Chính vì vậy, hội nghị này là một sự kiện lớn với sự tham gia của gần 600 đại biểu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước và 150 đại biểu thuộc 18 tổ chức quốc tế sẽ tìm ra các giải pháp chiến lược thích ứng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long tầm nhìn đến năm 2100. Đây chính là tiền đề, là cơ sở để các địa phương trong cả nước học tập kinh nghiệm để thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn hiện nay.

Nằm trong khu vực Đông Nam bộ, Bình Phước là tỉnh có mưa thuận gió hòa, khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ, phù hợp phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực so với các địa phương khác. Thế nhưng, thời gian qua, Bình Phước cũng đã gánh chịu nhiều hậu quả tiêu cực do sự biến đổi khí hậu gây ra. Tình trạng lũ quét, lũ ống, khô hạn, lốc xoáy... diễn ra nhiều nơi trong tỉnh gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân. Bên cạnh đó, do nắng nóng kéo dài, mưa lớn cục bộ, sương muối... đã làm xuất hiện các loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp làm cho hoạt động sản xuất - kinh tế ở Bình Phước hết sức khó khăn. Trong năm 2016, toàn tỉnh thiệt hại hơn 750 tỷ đồng do thiên tai gây ra. Từ những hậu quả đã nêu cho thấy, sự biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt với những hậu quả khó lường đòi hỏi chúng ta phải có sự thích ứng để vừa đối phó vừa đảm bảo sự phát triển bền vững. 

Tấn Phong

  • Từ khóa
108728

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu