Thứ 5, 28/03/2024 20:09:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:20, 22/08/2019 GMT+7

Thiên tai chưa hẳn đã do... trời

Thứ 5, 22/08/2019 | 10:20:00 176 lượt xem
BP - Khi đánh giá về tình hình khí hậu, thời tiết các công trình nghiên cứu khoa học có chung nhận định: Do hậu quả của sự biến đổi khí hậu..., đã làm ảnh hưởng lớn... Tuy nhiên, với thực tế những gì đã và đang diễn ra trong thời gian qua cho thấy, thiên tai chưa hẳn đã là do trời, mà con người là một trong những nguyên nhân gây ra các hiện tượng cực đoan của thời tiết.

Thiên tai đang có dấu hiệu ngày càng phức tạp và hậu quả nặng nề hơn trước. Năm 2016, cả nước có 264 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng; năm 2017 có 386 người chết và mất tích, thiệt hại khoảng 60.000 tỷ đồng. Riêng năm 2018, cả nước gánh chịu 14 cơn bão, 212 trận dông, lốc sét; 15 trận lũ quét, sạt lở đất... làm chết và mất tích 224 người, thiệt hại trên 20.000 tỷ đồng. Đặc biệt, cơn bão số 3 mới đây không chỉ gây hậu quả nặng nề nơi nó đi qua mà cả Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ, trong đó có Bình Phước... cũng gánh chịu nhiều thiệt hại. Riêng mấy ngày mưa đầu tháng 8 này, nước lũ đã đe dọa tính mạng và cuốn trôi nhiều tài sản, hoa màu của hàng trăm hộ dân ở các xã Phú Sơn, Đồng Nai, Đoàn Kết của huyện Bù Đăng gây thiệt hại hàng tỷ đồng.

Hậu quả của thiên tai gây ra là rất lớn, bởi ngoài tính mạng người dân cùng vật chất còn làm đình trệ sản xuất, cản trở giao thương, gián đoạn cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và thu hút đầu tư để phát triển đất nước. Lý giải cho tình hình thiên tai ngày càng cực đoan, hầu hết các hội nghị tổng kết, báo cáo khoa học đều chỉ ra sự biến đổi khí hậu là “thủ phạm” chính. Tuy nhiên, ngoài các yếu tố tự nhiên như thay đổi bức xạ khí quyển, núi lửa hoạt động hay các phản ứng môi trường khác thì những tác động do con người tạo ra như sự phát triển nóng, hiệu ứng nhà kính, thai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và thờ ơ với công tác bảo vệ môi trường... là những nguyên nhân gây ra sự biến đổi khí hậu. Ngoài ra, việc khai thác rừng bừa bãi làm cạn kiệt môi trường sinh thái đầu nguồn khiến đồi núi bị hoang hóa, đất đai bị rửa trôi và gây lũ ống, lũ quét sạt lở đất khi mưa lớn xảy ra. Tình trạng khai thác nước ngầm vô tội vạ gây ra tình trạng hạn hán cục bộ ở nhiều nơi. Việc khai thác cát bừa bãi ở các con sông làm thay đổi dòng chảy, gây sạt lở đất. Đặc biệt, tình trạng phát triển “nóng” về thủy điện đã làm cho nhiều cánh rừng bị mất, kèm theo đó hệ sinh thái bị thay đổi, phía hạ du thiếu nước dẫn đến hạn hán gia tăng và bị nước biển xâm nhập sâu vào đất liền... Ngoài ra, tốc độ đô thị ngày càng nhanh và cao, tỷ lệ bê tông hóa ngày càng lớn là những yếu tố làm cho thiên tai ngày càng bất thường và khốc liệt hơn trước.

Vì vậy, để phòng ngừa và giảm nhẹ những hậu quả do thiên tai gây ra thì con người phải nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường sống và môi trường sinh thái. Hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên phải hợp lý, khoa học, khai thác phải đi đôi với việc khắc phục, tái tạo hiện trạng. Đặc biệt, việc trồng cây gây rừng và bảo vệ tài nguyên rừng phải là việc làm thường xuyên và cấp thiết. Khuyến khích phát triển các loại vật liệu xây dựng không nung, vật liệu nhân tạo để phục vụ cuộc sống.

Tấn Phong

  • Từ khóa
109172

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu