Thứ 4, 24/04/2024 13:11:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:35, 17/09/2015 GMT+7

Thiên tai và “nhân tai”

Thứ 5, 17/09/2015 | 10:35:00 191 lượt xem
BP - Ngày 14-9, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc rút kinh nghiệm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn 8 tháng đầu năm 2015 và triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới.

Các đại biểu dự hội nghị và bất kỳ một người dân nào cũng đều có chung nhận xét, thời gian gần đây, khí hậu, thời tiết diễn biến cực đoan, bất thường liên tiếp xảy ra trên phạm vi cả nước. Nắng nóng liên tục, kéo dài khắp Bắc bộ và Trung bộ với nhiệt độ cao kỷ lục, có ngày lên đến trên 42oC; dông lốc hoành hành tại Hà Nội như ý kiến của nhiều người là “lịch sử, ngoài sức tưởng tượng”. Cách đây gần 2 tháng, một đợt mưa cực lớn đã trút xuống các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, trong đó Quảng Ninh là địa phương bị thiệt hại nặng nhất về người và tài sản. Đó là chưa kể những cơn mưa đá, gió xoáy, tố, lốc xảy ra cục bộ tại một số địa bàn khiến người dân lo lắng, bất an.

Thời gian qua, mặc dù các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã có nhiều giải pháp ứng phó hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người nhưng thiệt hại về kinh tế lại gia tăng đột biến. Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, từ đầu năm đến nay, cả nước có 116 người chết và mất tích, 112 người bị thương do mưa lũ nhưng thiệt hại vật chất lên đến gần 5.500 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với cùng kỳ nhiều năm. Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, với một nền kinh tế nhỏ như Việt Nam thì thiệt hại kinh tế nặng nề như thời gian qua là không cách gì chịu nổi, thậm chí giá trị kinh tế làm ra trong một năm có khi không bù đắp nổi thiệt hại do thiên tai.

Những hậu quả nói trên trước hết là do thiên nhiên gây ra. Thế nhưng bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân nữa xuất phát từ con người, nói cách khác là do “nhân tai” gây ra. Đó là tình trạng rừng đầu nguồn ở nhiều địa phương bị “cạo trọc”, nhà máy thủy điện ồ ạt xây dựng tại thượng nguồn của hầu hết các con sông ở Tây Bắc, miền Trung, Tây Nguyên; mạch nước ngầm bị khai thác đến mức cạn kiệt... Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông còn nhiều bất cập nên xảy ra tình trạng... mưa là ngập ở nhiều đô thị. Công tác dự báo, nhất là dự báo mưa đôi lúc chưa thực sự chính xác khiến các địa phương bị động trong triển khai phòng, chống thiên tai; ý thức của người dân vẫn còn chủ quan, bị động, xem nhiệm vụ phòng chống lụt bão là của cơ quan chức năng nên chưa nắm được các kỹ năng xử lý khi sự cố xảy ra, nhiều nơi chính quyền địa phương phải dùng đến biện pháp cưỡng chế mỗi khi có mưa, bão tràn về.

Để chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có một chiến lược đồng bộ, dài hơi của tất cả các cấp, ngành và toàn xã hội. Nhưng trên hết đó là ý thức của con người. Tôi rất tâm đắc với ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải tại hội nghị. Phó thủ tướng đặt vấn đề, tại sao Nhật Bản là một quốc gia gánh chịu nhiều thảm họa, thiên tai nhưng thiệt hại về người và tài sản thường được hạn chế đến mức tối đa. Bởi do mỗi người dân Nhật Bản đều biết và hiểu rõ, trong những tình huống cụ thể thì phải ứng phó ra sao. Nếu chúng ta không đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng về ứng phó với thiên tai thì thiệt hại sẽ còn vô cùng lớn và chúng ta cũng không có cơ hội để ứng phó khi thiên tai ập đến. Vì vậy, bài học về phòng, chống và giảm nhẹ hậu quả thiên tai của Nhật Bản đáng để chúng ta học tập.

Ngọc Nguyên

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu