Thứ 5, 28/03/2024 22:50:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 12:24, 30/11/2017 GMT+7

Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam - điểm du lịch tâm linh hấp dẫn xứ Tây Đô

Thứ 5, 30/11/2017 | 12:24:00 1,356 lượt xem
BP - Trong thời gian dự lớp tập huấn, bồi dưỡng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật tại thành phố Cần Thơ, do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức từ ngày 22 đến 25-11 vừa qua, 240 học viên khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long được ban tổ chức lớp học thu xếp đi tham quan một số điểm du lịch tại Cần Thơ. Và một trong những điểm đến của đoàn là Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam.

Đã nghe nói về thiền viện này từ lâu, nay có dịp được đến thăm nên anh chị em trong đoàn Bình Phước rất nôn nóng. Và vì quá nôn nóng nên lúc cả đoàn đang trong hành trình thăm thú Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh, chúng tôi đã tách đoàn, tự đi bộ sang thiền viện. Thật may, thiền viện cách Khu du lịch Mỹ Khánh khoảng 1km nên chỉ khoảng 15 phút chúng tôi đã có mặt tại điểm du lịch tâm linh hấp dẫn này.

Lầu chuông - một góc nhỏ của Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam - Ảnh: Ngọc Tú

Bước qua cổng chính, chúng tôi sững sờ trước vẻ uy nghi của thiền viện. 8 giờ sáng, nắng phương Nam chan hòa trên những vòm mái vuốt cong hình đầu rồng cách điệu của cổng chính, ngôi chánh điện, nhà thủy tạ, lầu chuông, lầu trống, trên những tán cây cổ thụ, cây cảnh trong khuôn viên. Hai bên cổng thiền viện đặt 2 bức tượng cao thếp vàng. Đó là 2 vị bảo vệ ngôi Tam Bảo và chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh. Phía sau cánh cổng là khoảng sân gạch rộng lớn, cảnh quan được bài trí cân đối khiến du khách cảm nhận ngay được sự thoáng đãng của chốn thanh tịnh. 2 bên chánh điện là 2 nhà thủy tạ nổi trên mặt hồ tròn điểm xuyết những bông hoa súng đỏ tươi. Chiếc cầu đỏ dẫn du khách vào nhà thủy tạ để chiêm ngưỡng bức tượng đặt trong đó. Ở nhà thủy tạ bên phải là tượng Phật Di Lặc bằng gỗ nâu; nhà thủy tạ bên trái là tượng thờ Phật Bà Quán Âm bằng đá trắng cao tới 2m. 2 bên lối vào chánh điện là hàng tượng bằng đá hoa cương xếp song song, mỗi bên 9 tượng được điêu khắc thật sinh động, tượng trưng cho tín ngưỡng đặc thù dân gian. Bên phải chánh điện là tháp chuông có mái cong cao vút với chuông đồng nặng 1,5 tấn. Bên trái chánh điện là tháp trống với giá gỗ đặt trống được chạm trổ công phu, tinh xảo. Kế bên tháp trống còn có biểu tượng chùa Một Cột cho du khách ngắm nhìn.

Do được xây dựng trên một khuôn viên rộng lớn, gần 4 ha nên khi đến thiền viện, nhiều người không thể thăm thú tất cả góc nhỏ của công trình này, và chúng tôi cũng không ngoại lệ. Sau khi dạo một vòng bên ngoài, chúng tôi vào chánh điện để chiêm bái. Những khung cột gỗ lim trong chánh điện rất lớn và nhẵn mịn, phủ sơn nâu bóng loáng. Tất cả 44 cột đều được đặt trang trọng trên những tấm đá xám, chạm trổ hình hoa sen cách điệu. Tĩnh tọa nơi tòa sen uy nghi giữa chánh điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng mạ vàng, cao khoảng 2m, nặng 3,5 tấn... Trong ngôi chánh điện, ngoài các tượng phật và các vị tổ sư, còn có tượng thờ anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và Thái sư Trần Thủ Độ... Với tất cả nét đặc sắc nêu trên, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam được xem là một trong những công trình nghệ thuật độc đáo và điểm du lịch tâm linh đáng nhớ nhất của đất Tây Đô.

Được biết Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam có được diện mạo như hôm nay, phần lớn là nhờ công lao của Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - người được mệnh danh là “chiến binh tâm Phật” đã vận động các nhà hảo tâm ủng hộ xây dựng, tổng kinh phí 145 tỷ đồng với tâm nguyện khôi phục và phát triển Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Chính vì thế, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam còn mang giá trị văn hóa tâm linh vô cùng ý nghĩa.

Chúng tôi rời Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam để trở lại Khu du lịch sinh thái Mỹ Khánh khi cái nắng mùa khô bắt đầu bỏng rát. Thế nhưng ai cũng thấy đoạn đường trở lại dường như ngắn hơn. Phải chăng những giá trị văn hóa, tâm linh thấm đẫm trong từng góc nhỏ của thiền viện đã mang đến cho mỗi người cái cảm giác bình yên, an lạc trong tâm hồn.

Thảo Linh

  • Từ khóa
90100

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu