Thứ 6, 29/03/2024 21:00:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 17:57, 03/02/2015 GMT+7

KỶ NIỆM 85 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (3-2-1930 - 3-2-2015)

Thiêng liêng hai từ “đồng chí”

Thứ 3, 03/02/2015 | 17:57:00 11,165 lượt xem

>> Video triển khai chuyên đề học và làm theo Bác năm 2015 và kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng

BP - Tại hội nghị trực tuyến triển khai chuyên đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2015 và kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Đảng do Tỉnh ủy tổ chức ngày 30-1, PGS-TS Phạm Ngọc Anh (Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ) đề cập đến hai từ “đồng chí” rất thiêng liêng; là cách để xưng hô, gọi nhau giữa những người đồng chí, đồng đội cùng chí hướng, lý tưởng trong các nước xã hội chủ nghĩa.

Theo từ điển tiếng Việt, danh từ “đồng chí” chỉ những người có cùng chí hướng chính trị (quan hệ tình đồng chí); dùng để xưng gọi giữa những đảng viên đảng cộng sản. “Đồng chí” với từ “đồng” mang vần bằng, từ “chí” mang vần trắc, gắn kết tạo nên một âm cân đối, hài hòa, bền vững, rắn rỏi, khỏe khoắn, vui tươi mà mỗi khi chúng ta cất giọng gọi tên nhau đều cảm thấy thiêng liêng, cảm động, thủy chung, son sắt và gần gũi.

Tranh minh họa bài thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu - Nguồn: Internet

Thực vậy, trong tổ chức Đảng, Đoàn, trong các buổi làm việc, cuộc họp hay hội nghị, chúng ta vẫn quen gọi nhau bằng hai từ “đồng chí”. Nó vừa thể hiện sự thân mật, gần gũi, vừa mang tính xã giao lịch thiệp, bình đẳng, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Sau danh từ “đồng chí” thường có một danh từ chỉ chức danh, nghề nghiệp hoặc tên người đi kèm như: đồng chí bí thư, đồng chí chủ tịch, đồng chí giáo sư, đồng chí A... để nhấn mạnh đích danh người được gọi. Với ý nghĩa ấy, nhân dân ta cũng thường gọi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ là “đồng chí”, nhằm thể hiện thái độ thân tình, bình dị, bình đẳng, tin tưởng và tôn trọng.

Đầu năm 1948, nhà thơ Chính Hữu đã sáng tác một bài thơ rất hay và đặt tựa đề là “Đồng chí”. Bài thơ đã khơi dậy những xúc động mạnh mẽ trong lòng nhiều thế hệ, bởi những tình cảm chân thật, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của những người đồng đội, đồng chí, người lính cách mạng với một dạ sắt son đi theo tiếng gọi của Đảng. Tình đồng chí của họ bắt nguồn từ sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân là những người nông dân nghèo: “Quê hương anh nước mặn đồng chua/Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá/ Anh với tôi đôi người xa lạ/Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau...”. Tình đồng chí hình thành từ sự cùng chung nhiệm vụ, cùng chung lý tưởng, sát cánh bên nhau trong hàng ngũ chiến đấu: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu/Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ/Đồng chí!”.

Đặt bài thơ trong bối cảnh năm 1948, khi tác giả đã cùng đồng đội tham gia chiến dịch Việt Bắc với những ngày tháng kháng chiến chống Pháp sục sôi, mới cảm nhận hết được sự thiêng liêng của hai từ “đồng chí”. “Đồng chí” với nhà thơ Chính Hữu và những người lính khi ấy đã nói lên một tình cảm lớn lao, mới mẻ, phát hiện chân lý của thời đại: Đi theo ánh sáng của Đảng, cách mạng và Bác Hồ kính yêu. Vì vậy, từ “đồng chí” họ gọi nhau như ngọn lửa của niềm tin, vẫn cháy mãi, bập bùng, không bao giờ tắt, ngọn lửa thắp sáng đêm đen của chiến tranh, giúp họ vượt qua bao khó khăn trong buổi đầu kháng chiến chống Pháp.

Hồng Phấn

  • Từ khóa
12558

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu