Thứ 4, 24/04/2024 02:28:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:15, 09/05/2018 GMT+7

Thiếu đất sản xuất và bài toán giảm nghèo cho đồng bào DTTS bản địa

Thứ 4, 09/05/2018 | 06:15:00 301 lượt xem
BP - Thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm ổn định, thu nhập thấp là nguyên nhân chính dẫn đến đói nghèo, lạc hậu và kéo theo nhiều hệ lụy khác. Thực tế này đang tồn tại trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) bản địa ở hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh. Dù chính quyền các cấp đã triển khai nhiều biện pháp nhưng bài toán giảm nghèo bền vững hiện vẫn chưa tìm được đáp án. Thực tế tại thôn 2, xã Đoàn Kết, huyện Bù Đăng là một ví dụ.

Cuộc sống bấp bênh

Ông Nguyễn Thanh Phùng, Trưởng thôn 2, xã Đoàn Kết cho biết: “Thôn có 214 hộ/987 người, trong đó 121 hộ/638 người dân tộc S’tiêng. Thống kê mới đây, toàn thôn có 8 hộ nghèo và 8 hộ cận nghèo (15/16 hộ S’tiêng)”.

Trước đây, hộ ông V’rôn (SN 1949) có gần 5 ha điều, nhưng đã bị kẻ xấu dụ dỗ cho vay tiền nặng lãi, sau đó bị ép bán rẫy giá rẻ để trả nợ. Gia đình ông hiện chỉ còn 4 sào rẫy. 2 con trai ông (đều đã lập gia đình riêng) là Điểu Bé không có đất sản xuất và Điểu Mến chỉ có 2 sào điều do ông cho khi ra ở riêng. Vì thế, hai anh em Điểu Mến và Điểu Bé phải đi phụ hồ.

Chị Thị Bơ và các con trước căn nhà tranh tre, tạm bợ

Chị Thị Bơ, vợ anh Điểu Mến rất lo lắng vì không biết làm gì để có thu nhập, nhưng lại chỉ quanh quẩn ở nhà trông 3 đứa con. Chị Thị Bơ cho biết: “Công phụ hồ của chồng được 200 ngàn đồng/ngày. Một tháng làm khoảng 13-15 ngày, thứ bảy, chủ nhật nghỉ, mùa này chưa phải mùa xây dựng nên công việc cũng không thường xuyên”.

Nhà của vợ chồng anh Điểu Bé, Thị Bem ở sát bên, rộng chừng 20m2, được dựng tạm bằng những tấm bạt đã cũ, mục nát. Hằng ngày, chị Thị Bem và 2 đứa con cũng chỉ biết trông chờ vào tiền công phụ hồ của chồng. Chị Thị Bem chia sẻ: “Em rất muốn đi làm để có tiền nuôi con, nhưng không biết làm gì, đất sản xuất thì không có. Đến vụ điều, em đi lượm thuê, nhưng mấy năm nay mất mùa, không ai mướn. Gia đình em rất khó khăn, con cái thiếu quần áo, gạo thường xuyên phải mua thiếu”.

Cách nhà anh Điểu Bé khoảng 20m, hộ anh Điểu Lố (SN 1988), cũng không có đất ở và đất sản xuất. Anh Điểu Lố được ông Điểu Ngưu (SN 1944) nhận làm con nuôi và cho 2 sào rẫy. “Vì quá khó khăn, em đã bán điều bông để có tiền nộp học cho 3 đứa con. Nhà ở em quây bằng mấy miếng tôn rách làm sau nhà cha nuôi. Tôn lợp mái mua thiếu từ năm ngoái đến nay chưa trả hết. Hằng ngày ai kêu gì em làm nấy” - anh Điểu Lố kể.

Sóc Bù Đăng Sa Ray thuộc thôn 2, xã Đoàn Kết, sát quốc lộ 14, giáp ranh xã Thọ Sơn và Đồng Nai (Bù Đăng). Đường vào sóc chỉ có vài đoạn được đổ đá nhưng lởm chởm rất khó đi, số còn lại hầu hết là đường đất. Một số hộ chăn nuôi gia súc thả rông phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh. Trong sóc còn 11 hộ nhà tạm, vách nứa, số còn lại đều là nhà gỗ cũ hoặc xây từ lâu đã xuống cấp. Thời điểm này, hầu hết người dân không có việc làm, chỉ ở nhà ngóng chờ các đoàn từ thiện tới cứu trợ. Ông Điểu Brát, Phó thôn cho biết: “Tiêu chí xét hộ nghèo và cận nghèo hiện không phù hợp. Trong thôn còn rất nhiều hộ thiếu đất sản xuất, tình trạng nghèo còn không ít. Không có việc làm, trong khi bà con lại sinh đẻ nhiều nên khó chồng khó”.

Các chính sách giảm nghèo vùng dTTS

Trưởng thôn Nguyễn Thanh Phùng cho biết thêm: Hằng năm, thôn đều khảo sát, thống kê số hộ nghèo, cận nghèo, gia đình hoàn cảnh khó khăn. Trên cơ sở đó tham mưu đề xuất chính quyền các cấp triển khai chính sách nhằm giúp các hộ giảm nghèo bền vững. Năm 2017, 1 hộ được xây nhà tình thương, 2 hộ được xây nhà đại đoàn kết. Trong 2 năm 2016 và 2017 có 3 hộ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với 40 triệu đồng/hộ. Các hộ đều đầu tư vào chăn nuôi. Năm 2017, Trung tâm Dạy nghề huyện mở 2 lớp đào tạo nghề ngắn hạn là cạo mủ cao su và ghép điều cho chủ yếu thanh niên DTTS. Tuy nhiên, già làng Điểu Kim cho hay: “Không có đất sản xuất nên học ghép điều xong cũng đâu có điều kiện áp dụng. Học nghề cạo mủ cao su, nhà nào có thì cạo thuê thôi chứ chưa có công ty, hoặc gia đình người Kinh nào nhận đồng bào DTTS vào làm công. Học xong rồi lại quên, không phát huy tác dụng”. Già làng Điểu Kim bày tỏ lo lắng: “Trong thôn, hai hộ Điểu Tang và Điểu Nhim có rẫy vừa bị lừa bán hết. Hộ nghèo còn nhiều, một số hộ được tặng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết nhưng không có đất sản xuất, không có thu nhập thì cũng không thoát nghèo được”.

Cuộc sống của gia đình chị Thị Bem, thôn 2, xã Đoàn Kết (Bù Đăng) rất khó khăn vì không có đất sản xuất

Ông Võ Minh Phước, Phó chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: “Toàn xã có 4 sóc đồng bào DTTS với 415 hộ/2.208 người. 2 năm qua, xã đã bình xét, tham mưu UBND huyện triển khai các chính sách đối với đồng bào DTTS nghèo. Qua đó, 17 hộ được hưởng chính sách định canh, định cư. Mỗi hộ được cấp 1 nhà ở, 1 ha đất sản xuất. Hằng năm, các hộ nghèo và cận nghèo đều được hưởng chính sách cứu đói giáp hạt; một số hộ còn được cấp dụng cụ sản xuất như máy phát cỏ, máy xịt thuốc cỏ... Tuy vậy, hiện Đoàn Kết vẫn còn 34 hộ nghèo, 38 hộ cận nghèo, 16 hộ khó khăn về nhà ở. Xã đang tiến hành thống kê hộ thiếu đất sản xuất”.

Trước thực trạng hộ nghèo, cận nghèo, thiếu đất trong vùng đồng bào DTTS còn cao, ông Võ Minh Phước cho rằng: Nguyên nhân thiếu đất do người DTTS đông con, khi con lớn, tách hộ ở riêng thì cho con đất. Diện tích đất sản xuất hạn chế, cộng với trình độ canh tác kém hiệu quả dẫn đến nghèo. Còn một bộ phận không nhỏ bà con lười lao động, bán đất để tiêu xài, mua sắm; số khác bị lợi dụng dụ dỗ sang nhượng hoặc bán điều non. Để giảm nghèo, xã đẩy mạnh tuyên truyền người dân không bán điều non, không sang nhượng rẫy, tích cực lao động sản xuất, chi tiêu tiết kiệm. MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế. UBND xã tiếp tục khảo sát, bình xét những hộ khó khăn tham mưu các ngành, các cấp triển khai chính sách của Nhà nước đối với đồng bào DTTS nghèo, giúp họ từng bước vươn lên, ổn định cuộc sống.

Quang Minh

  • Từ khóa
93570

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu