Thứ 5, 25/04/2024 11:11:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:28, 06/09/2015 GMT+7

Thọ Sơn: Chủ động xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật, 06/09/2015 | 13:28:00 261 lượt xem
BP - Thọ Sơn (Bù Đăng) là xã thuần nông, có 43% số dân là người dân tộc thiểu số sinh sống. Nhiều năm qua, nhờ phát huy những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là đẩy mạnh trồng xen canh nên kinh tế của xã ngày càng khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm hẳn.


Vườn trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao của hộ anh Đỗ Trường Sơn

“Quy hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016-2020, đến nay, dù chưa được đầu tư vốn nhưng xã đã hoàn thành 12/19 tiêu chí” - Phó chủ tịch UBND xã Vũ Xuân Thủy cho biết.

Hiệu quả từ xen canh

Gia đình anh Đỗ Trường Sơn (42 tuổi), ngụ thôn Sơn Lập có 2,2 ha đất trồng xen. Trước đây, do trồng đơn canh nên năng suất vườn điều chỉ đạt hơn 2 tấn/ha, tuy nhiên đến nay hoàn toàn khác. Anh trồng xen cà phê trong vườn điều, rồi lấy gốc cây điều làm trụ trồng xen tiêu. Những vùng đất trống, anh trồng xen cây ăn trái, rau xanh. Hiện với hơn 2 ha đất trồng xen, mỗi năm gia đình anh Sơn thu 5 tấn cà phê, 4 tấn điều, 2 tấn tiêu, 5,5 tấn sầu riêng, tổng thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Với kinh nghiệm hàng chục năm trồng xen, anh Lương Coỏng Sáng (43 tuổi), ngụ thôn Sơn Lập, trước đây, mỗi vụ anh đầu tư 30 triệu đồng mua phân vô cơ bón 2 ha điều xen cà phê, tiêu nhưng nay chỉ cần đầu tư 15 triệu đồng cho cả 2 loại phân hữu và vô cơ mà năng suất vẫn cao hơn, lại không mất công đào hố. Cũng theo anh Coỏng, trồng xen còn giảm một nửa số lần tưới. Trước đây vào mùa khô, anh phải tưới 2 lần/tháng nhưng mùa khô vừa qua, anh chỉ tưới 1 lần mà vườn cây vẫn xanh tốt.

Toàn xã hiện có hơn 5.000 ha đất sản xuất, trong đó 3.530 ha điều. Ngoài một số khu vực đất đồi, thiếu nước tưới, trồng đơn canh, còn lại khoảng 70% diện tích được nông dân trồng xen. Trước đây, nông dân chỉ trồng xen ca cao hoặc cà phê trong vườn điều thì hiện được trồng xen nhiều loại cây khác như lá nhíp, cây ăn trái, tiêu, kết hợp chăn nuôi. Với 1 ha đất trồng nhưng có hộ cho thu nhập 1 tỷ đồng/năm. Hiện toàn xã có 1.831 hộ, trong đó có 63 hộ nghèo, giảm 20 hộ so với năm 2014. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 20 triệu đồng/năm.

Chủ động làm giao thông nông thôn

Năm 2013, được huyện đầu tư lắp đặt cụm loa tại trung tâm xã và 7 khu dân cư, các nghị quyết, chuyên đề về xây dựng NTM gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được tuyên truyền rộng rãi trên loa truyền thanh. Những hủ tục lạc hậu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước được xóa bỏ, nhất là tình trạng vay nặng lãi, bán điều bông đã giảm hẳn.

Xã có 4 trường học, trong đó các trường: THCS Thọ Sơn, tiểu học Thọ Sơn, mẫu giáo Hoa Phượng đã đạt chuẩn tiêu chí NTM. Trường tiểu học Trần Phú thiếu 2 phòng học, sân và đường bê tông, hiện đang được đầu tư xây dựng. Các tiêu chí khó hoàn thành như: Chợ nông thôn, điện, nhà ở dân cư, hộ nghèo, môi trường, y tế... nhưng hiện xã đã đạt chuẩn theo quy định.

Toàn xã có 37,9km đường nông thôn. Những năm qua, dù chưa được nhà nước hỗ trợ kinh phí nhưng người dân đã tự nguyện đóng góp 588 triệu đồng cùng 300 ngày công tu sửa 15,3km đường cấp phối. Ngoài ra, một số thôn còn tự vận động nhân dân góp vốn, ngày công làm đường bê tông như thôn Sơn Lập, Sơn Tùng, Sơn Thủy. Riêng năm 2015, từ vốn sự nghiệp giao thông 200 triệu đồng xã phân bổ đồng đều cho 4 thôn làm đường. Theo đó, thôn Sơn Tùng đã vận động nhân dân góp thêm vốn làm 500m đường bê tông, thôn Sơn Hòa làm 1km đường bê tông.

“Khó khăn nhất của xã hiện nay là tiêu chí giao thông. Nhưng nếu được nhà nước hỗ trợ thêm vốn thì dù trở ngại đến mấy chúng tôi cũng sẽ “cán đích” đúng kế hoạch khi lòng dân đã thuận” - Phó chủ tịch UBND xã Vũ Xuân Thủy quả quyết.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
53836

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu