Thứ 5, 25/04/2024 16:39:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:22, 23/06/2018 GMT+7

Thời cơ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thứ 7, 23/06/2018 | 08:22:00 100 lượt xem

BP - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc tổ chức triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Luật này đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018. Cùng với đó, Chỉ thị số 15/CT-TTg là thời cơ để các DN nhỏ và vừa khắc phục hạn chế, vươt qua những khó khăn đưa đơn vị phát triển vững mạnh trong thời kỳ hội nhập kinh tế toàn cầu và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

DN nhỏ và vừa có vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và giữ vững sự ổn định cho nền kinh tế quốc dân. DN nhỏ và vừa còn tạo động lực cho ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ. Nước ta hiện có 561.064 DN đang hoạt động, trong đó có 126.859 DN được thành lập mới và 26.448 đơn vị quay trở lại hoạt động. Trong số này, có đến 97% DN nhỏ và vừa, 60% DN có quy mô rất nhỏ. Theo đánh giá của Hiệp hội DN nhỏ và vừa, mỗi năm khối này đã giải quyết việc làm hơn 50% nhu cầu lao động, tạo ra 40% tổng sản phẩm quốc nội và đóng góp hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các DN nhỏ và vừa ở nước ta đang rất thiếu vốn và kỹ thuật lạc hậu nên hiệu quả sản xuất không cao. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt và nguy cơ đóng cửa đơn vị luôn hiện hữu. Bởi hầu hết các DN nhỏ và vừa ở nước ta chủ yếu được phát triển trên nền tảng kinh tế hộ, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu nguồn lực tài chính, thiếu năng lực quản lý và đang chật vật tìm chỗ đứng trên thương trường. Trong khi đó, để cạnh tranh DN phải luôn chủ động, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến của thị trường, dồi dào nguồn tài chính, nhân lực và sẵn sàng đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm... Đây chính là những điểm yếu của các DN nhỏ và vừa ở nước ta nên khối này rất cần sự hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước về cơ chế chính sách, tiếp cận nguồn vốn, ưu đãi thuế cùng nhiều vấn đề khác.

Bình Phước hiện có trên 5.500 DN đang hoạt động, trong đó hầu hết là DN nhỏ và vừa. Những năm qua, Bình Phước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ như thành lập Hội DN nhỏ và vừa, lãnh đạo tỉnh đối thoại định kỳ với DN... Đặc biệt, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Phát triển DN công nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Bình Phước giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2025”. Đề án đã đề ra một số giải pháp phát triển DN công nghiệp nhỏ và vừa ở tỉnh ta. Tỉnh luôn tạo điều kiện cho DN mở rộng thị trường, tiếp cận công nghệ hiện đại, vốn, trình độ quản lý, khả năng marketing, bán hàng, nguồn nhân lực, thông tin...

Vì vậy, Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành và Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng vừa là bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cơ bản nhất, vừa là thời cơ để các DN nhỏ và vừa ở nước ta có thêm động lực phát triển. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, các DN nhỏ và vừa ở Bình Phước sẽ có thêm cơ hội mở rộng sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng giá trị sản xuất, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu