Thứ 6, 29/03/2024 11:42:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:04, 23/02/2019 GMT+7

Thời cơ cho trái cây Việt Nam

Thứ 7, 23/02/2019 | 10:04:00 202 lượt xem
BP - Nông sản, trái cây Việt Nam đã xuất khẩu tới 180 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, đặc biệt là các thị trường yêu cầu cao như Mỹ, Úc, Nhật... Ngày 18-2-2019, trái xoài của Việt Nam chính thức xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Đây cũng là kết quả sau 10 năm đàm phán bền bỉ, trái xoài nước ta mới chinh phục được một trong những thị trường khó tính nhất. Xoài cũng là loại trái thứ 6 của Việt Nam vào thị trường Mỹ sau vải thiều, nhãn, chôm chôm, vú sữa, thanh long.

Nước ta hiện có khoảng 87 ngàn ha cây xoài, sản lượng đạt hơn 969 ngàn tấn/năm. Mặc dù đứng thứ 13 về sản xuất xoài trên thế giới nhưng số lượng xuất khẩu của nước ta vẫn còn khiêm tốn. Sau khi có “giấy thông hành”, Việt Nam có thể xuất sang Mỹ khoảng 3.000 tấn xoài tươi, tương đương khoảng gần 1% lượng xoài tươi nhập khẩu của quốc gia này và bằng với sản lượng xoài nội địa của Mỹ. Bình Phước hiện có 8.951 ha cây ăn trái, chiếm 2,14% tổng diện tích cây lâu năm, trong đó cây xoài 1.901 ha. Nhiều loại trái cây xuất xứ từ Bình Phước như chôm chôm Thái, bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng... có chất lượng không thua kém trái cây vùng Tây Nam bộ. Vì vậy, nếu hòa nhập được với “dòng chảy” xuất khẩu hiện nay thì nguồn trái cây của Bình Phước cũng sẽ không thiếu để “xuất ngoại”. Việc tìm ra giải pháp tiêu thụ sản phẩm cho trái cây cũng sẽ giúp nông dân trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập, phát triển bền vững các vùng cây ăn trái trong thời gian tới.

Theo thông tin từ ngành nông nghiệp Việt Nam, hiện nay diện tích trồng cây ăn trái an toàn ngày càng tăng, trái cây sạch có khả năng đủ phục vụ người tiêu dùng trong nước và mở rộng thêm nhiều thị trường xuất khẩu. Thị trường trái cây Việt Nam sẽ còn mở rộng, tiềm năng rất nhiều và kỳ vọng xuất khẩu sang những nước khó tính theo các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiện đã có hiệu lực.

Tiềm năng xuất khẩu trái cây là rất lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ. Khi bước chân vào các thị trường này sản phẩm trái cây tươi sẽ phải trải qua những tiêu chuẩn nghiêm ngặt của hệ thống kiểm soát bao gồm các quy định của vườn trồng, xử lý chiếu xạ và kiểm tra hải quan tại cảng bến. Bên cạnh việc đưa ra báo cáo những phân tích nguy cơ dịch hại từ mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam, phía Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) cũng xây dựng một bộ hồ sơ gồm các biện pháp quản lý, kiểm dịch nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch hại trước khi lô hàng nhập khẩu từ Việt Nam cập cảng vào Mỹ. 

Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, đứng vững trên thị trường xuất khẩu toàn cầu, trước hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cần tổ chức kết nối chặt chẽ với nhà sản xuất, hộ nông dân; nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tạo được nguồn cung ổn định. Qua đó xây dựng được uy tín, thương hiệu của trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới. Các địa phương cần tạo ra phong trào sản xuất an toàn, bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu nhằm thu lợi nhiều hơn cho nông dân. Đây cũng chính là cơ sở để nông sản vào được nhiều thị trường khó tính, từ đó chấm dứt tình trạng “được mùa, mất giá”, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt và cải thiện đời sống, thu nhập cho người nông dân.

Thanh Hà

  • Từ khóa
109054

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu