Thứ 5, 25/04/2024 17:41:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:49, 08/09/2015 GMT+7

Thói quen xả rác

Thứ 3, 08/09/2015 | 14:49:00 157 lượt xem

BP - Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm nay, thủ đô Hà Nội đã đón chào hàng triệu người từ khắp nơi đổ về để chứng kiến lễ mít tinh và diễu hành lịch sử. Đáng nói là tối 2-9, sau màn bắn pháo hoa, trên khắp các vỉa hè khu vực Hồ Gươm và nhiều tuyến phố của thủ đô, rác ngập ngụa dưới màn mưa. Với nhiều người, ngày 2-9 năm nay là một ngày vui trọn vẹn. Nhưng với những công nhân vệ sinh môi trường của Hà Nội, đêm 2-9 là một... đêm dài. Họ đã phải dùng tay thu lượm đủ loại rác và còng lưng đẩy những xe rác đầy ngộn dưới mưa. Dẫu ở một vài khu vực có sự hỗ trợ của đoàn thanh niên nhưng công việc chính vẫn là của công nhân vệ sinh môi trường. Họ đã phải hằng tháng trời chăm chỉ dọn dẹp, tô điểm để phố phường khang trang, sạch đẹp phục vụ sự kiện trọng đại. Để rồi sau lễ mít tinh, diễu hành, nhất là sau màn bắn pháo hoa, họ lại phải dọn dẹp một “bãi chiến trường” ngổn ngang rác.

Còn nhớ cuộc thi quốc tế pháo hoa Đà Nẵng dịp kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng vừa qua, chỉ ít phút sau khi kết thúc cuộc thi, không chỉ khu vực khán đài mà cả khu vực đường Trần Hưng Đạo, quận Sơn Trà của thành phố Đà Nẵng và trên các cây cầu bắc qua sông Hàn... cũng ngổn ngang rác.

Tại Bình Phước, lễ hội giao thừa năm 2015 với chủ đề “Xuân xanh miền đất đỏ” diễn ra tại quảng trường tỉnh lúc 22 giờ ngày 18-2 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Giáp Ngọ) đã thu hút hàng ngàn người tới dự. Trước đó, tối 13-2, UBND thị xã Đồng Xoài đã tổ chức lễ hội ẩm thực đường phố tại đường Hùng Vương. 80 gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm, món ăn đặc trưng đã thể hiện sắc thái văn hóa của nhiều vùng miền trong cả nước. Người đến dự lễ hội ẩm thực đường phố không chỉ để thưởng thức các món ăn đặc sắc được mang tới từ nhiều miền quê mà còn để thưởng thức không gian văn hóa lễ hội, được hòa mình vào niềm vui chung của dân tộc trước thềm năm mới. Thế nhưng ít ai ngoái nhìn lại phía sau khi lễ hội tàn. Khi dòng người tản dần khỏi khu vực quảng trường tỉnh và đường Hùng Vương, thôi thì đủ loại rác, từ vỏ chai nước, vỏ bánh, trái, hộp xốp, túi ni-lon, áo mưa, giấy báo, bìa các-tông kê để ngồi... ngập tràn trên vỉa hè và cả lòng đường, trên bãi cỏ. Hóa ra ở đâu cũng thế, hễ cứ có sự kiện thu hút đông người tham dự là y như rằng phố phường ngập rác.

Xả rác nơi công cộng là tình trạng chung, từ thành thị đến nông thôn và ở mọi thời điểm. Ta có thể thấy rất rõ hiện tượng này ngay cả khi đi trên những con phố lớn, văn minh thì người dân vẫn cứ vô tư xả rác. Đi ăn nhà hàng, mặc dù đã có một thùng rác nhỏ dưới mỗi bàn ăn nhưng khi dùng xong giấy ăn hoặc tăm tre, thực khách lại thản nhiên vứt xuống nền nhà, tệ hơn nữa là vứt qua cửa sổ khiến rác mắc vào cành cây, dây điện gây mất mỹ quan đường phố. Trong mỗi quán nước, dù nhỏ cũng đều có gạt tàn thuốc nhưng hình như những người hút thuốc hay ăn kẹo cao su không nhìn thấy. Thế nên gạt tàn vẫn sạch sẽ, còn sàn nhà thì lại đầy những mẩu đầu thuốc cùng với bã kẹo cao su... Nguyên nhân của những việc làm nói trên đều do người dân thiếu ý thức bảo vệ môi trường và nơi mình sinh sống, xả rác bừa bãi thành thói quen. Mà đã trở thành thói quen là rất khó thay đổi.

Xả rác bừa bãi là thực trạng rất đáng phê phán vì nó gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường và xã hội. Hãy chung tay góp sức vì một đất nước xanh - sạch - đẹp, văn minh và cùng nhau bảo vệ trái đất - ngôi nhà chung của chúng ta.         

Thảo Linh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu