Thứ 7, 20/04/2024 20:22:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:10, 28/03/2018 GMT+7

Thói xấu a dua, bình phẩm nông nổi

Thứ 4, 28/03/2018 | 14:10:00 4,192 lượt xem
BP - Trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, cùng với việc tiếp thu những giá trị tốt đẹp để bổ sung và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc thì những thói hư, tật xấu của người Việt Nam cũng đồng thời được thể hiện, cản trở quá trình phát triển của đất nước, trong đó có việc a dua, bình phẩm nông nổi.

Một thói xấu cần phải đấu tranh phê phán, loại bỏ

Trong công trình nghiên cứu “Thói tục di truyền”, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã chỉ rõ a dua là một trong những tật xấu của người Việt Nam, đó là thói “ngu dốt mà cũng tán rằng thông minh, bạo ngược mà cũng tán rằng nhân đức...” (đăng trên Báo Tiếng dân năm 1929). Dân gian từng nói “té nước theo mưa”, “ăn theo nói leo” là nhằm lên án thói xấu bình phẩm nông nổi, thiếu suy nghĩ trước sau của người Việt Nam. Thậm chí, trong bài viết “Căn bệnh a dua”, Báo Đại đoàn kết ra ngày 22-6-2015 còn coi a dua như một căn bệnh khi cho rằng “căn bệnh a dua đang mỗi ngày một trầm kha của cộng đồng”.

Đây là thói xấu rất tai hại, nó làm cho sự việc trở nên phức tạp, trầm trọng, gây hoang mang dư luận, tạo các phản ứng trái chiều trong xã hội, thậm chí phản ánh sai lệch bản chất sự việc, vì khi cộng đồng bị kích động thì xã hội rất dễ bị tổn thương. Những thói xấu đó cần phải bị đấu tranh phê phán và loại bỏ.

Hậu quả thật khôn lường

Có rất nhiều câu chuyện đau lòng đã xảy ra là hậu quả tất yếu của thói xấu a dua, bình phẩm nông nổi.

Thứ nhất, nó khoét sâu thêm nỗi đau của gia đình, người thân các nạn nhân. Bởi mỗi lời bình phẩm thản nhiên đưa lên mạng, với người viết ra là để thỏa mãn một mục đích nào đó của mình thì nhẹ như không, nhưng với người bị chỉ trích thì là sự tổn thương ghê gớm. Rất nhiều người a dua theo mà không cần suy xét đến đúng sai, không cần nhìn nhận cho rõ ngọn ngành, nhân văn mọi chuyện. Giả sử đúng là ai đó sơ suất, có hình ảnh chưa đẹp, có hành vi sai trái, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc cả xã hội có quyền “ném đá” họ tơi bời. Câu chuyện diễn viên Hoàng Thùy Linh của “Nhật ký Vàng Anh” là một ví dụ điển hình. Những hình ảnh riêng tư của cô bị kẻ xấu tung lên mạng, cả xã hội xỉ vả, lên án, đã gây ra một áp lực rất lớn cho bản thân Thùy Linh và gia đình, đến nỗi họ phải lên truyền hình để hứa sửa sai. Điều đáng nói ở đây là Thùy Linh chỉ có lỗi chứ không phạm tội. Hay như gần đây nhất là vụ việc bé gái 4 tuổi bị sát hại ở ấp 3, xã Tiến Hưng (Đồng Xoài). Dù chưa rõ thực hư, nhưng các trang mạng và người dân lại liên tục công kích, đưa ra các nhận định, đánh giá rùm beng, vô căn cứ, đã vô tình khoét sâu nỗi đau của gia đình, khiến cho đau càng thêm đau.

Thứ hai, đưa tin theo kiểu giật gân, ly kỳ, quá chi tiết về các vụ án mạng theo kiểu phim hành động, trinh thám của các trang mạng đã vô hình trung tiêm nhiễm vào đầu óc độc giả, nhất là độc giả trẻ cách nhìn, cách nghĩ bạo lực. Thậm chí, nhiều người dùng Facebook đưa những hình ảnh rùng rợn, thê thảm về các vụ tai nạn lên mạng, rồi đăng status kiểu như: “ai đi qua hãy để lại một “like” để người chết được siêu thoát”. Đây là dạng hành động vô cảm, câu “like” trên nỗi đau của người khác, khiến người chết như bị chết thêm lần nữa, người thân như đau thương thêm lần nữa. Việc làm vô nhân đạo nêu trên cần phải bị lên án, loại bỏ vĩnh viễn.

Đặc biệt, thói xấu a dua, bình phẩm nông nổi còn gây áp lực, khó khăn cho các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng công an. Không phải bất cứ vụ án nào xảy ra cũng được khám phá trong ngày một, ngày hai vì tội phạm ngày nay rất xảo quyệt, có nhiều thủ đoạn tinh vi để đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Chính thái độ a dua, bình phẩm cay nghiệt, đồn thổi nông nổi đã tạo áp lực lớn cho cơ quan điều tra, gây cho người dân sự hiểu lầm lớn là “cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm”.

Hãy là những độc giả  thông minh và có văn hóa

Cần phải khẳng định rằng Việt Nam là nước có tỷ lệ phá án rất cao trên thế giới. Trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Vnexpress, ngày 7-11-2013, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết: “Cơ quan điều tra Việt Nam được coi là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới. Quá trình điều tra của Việt Nam rất nhanh. Chúng tôi làm việc với Cục Điều tra Liên bang Mỹ - FBI - thì thấy án an ninh quốc gia, giết người cướp của của ta điều tra rất giỏi và nhanh hơn”.

Trở lại với thái độ của người dân trước những vụ việc “nóng” trong xã hội, chúng ta hãy học tập thái độ bình tĩnh của công dân vùng Telford nước Anh trong vụ bê bối 1.000 bé gái bị hành hạ, cưỡng bức và bán làm gái mại dâm suốt 40 năm qua (thông tin do tờ Sunday Mirror tiết lộ trong số báo đặc biệt ra ngày 11-3-2018). Dư luận, báo chí đón nhận thông tin đó bằng trạng thái hoàn toàn im lặng khi chưa có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra. Không phải người dân vô tâm, thờ ơ, mà một phần họ không muốn khơi dậy nỗi đau đã ngủ yên của gia đình, người thân và các nạn nhân. Mặt khác, họ không muốn gây áp lực tới quá trình điều tra, phá án của cơ quan thực thi pháp luật địa phương.

Nói tóm lại, a dua, bình phẩm nông nổi, câu “like” thiếu căn cứ là những thói xấu của một bộ phận không nhỏ người Việt Nam, cần phải đấu tranh phê phán và loại bỏ. Một mặt, nó làm cho nỗi đau của nạn nhân và người thân thêm chồng chất, mặt khác tạo dư luận tiêu cực không đáng có trong xã hội. Thậm chí, nó còn làm méo mó đi hình ảnh thân thiện, dễ mến của người dân Việt Nam trong mắt bạn bè năm châu.

Thanh Quang (Bộ CHQS tỉnh)

  • Từ khóa
2753

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu