Thứ 5, 25/04/2024 05:07:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:23, 28/11/2019 GMT+7

Thời xưa xử quan tham

Thứ 5, 28/11/2019 | 15:23:00 3,044 lượt xem
BP - Một trong những loại tội phạm mà nhiều triều đại phong kiến đặc biệt lưu tâm, ra luật nghiêm trị là tham nhũng. Theo chiếu ban hành năm 1042, thời vua Lý Thái Tổ (1009-1028) về việc thu thuế trăm họ, nếu ai thu vượt quá sẽ bị xử theo tội ăn trộm. Người tố cáo lập công thì cả nhà được tha phú dịch trong 3 năm. Người ở kinh thành mà cáo giác đúng thì nhận thưởng bằng hiện vật thu được.

Chiếu năm 1044 của vua Lý nêu: Ai ở kho lụa nhận riêng 1 thước lụa bị phạt 100 trượng, nhận từ 1 tấm trở lên bị phạt trượng theo tấm kèm 10 năm khổ sai. Cũng trong năm này có một đạo chiếu quy định cấm các quan coi ngục không được sai tù làm việc riêng, nếu vi phạm bị xử 100 trượng, thích chữ vào mặt và vào nhà lao.

Khi vua Lê Thánh Tông (1460-1497) mới lên ngôi, đất nước chìm trong quốc nạn tham nhũng, tướng sĩ thì lo hưởng lạc; quan lại chia bè phái và tham nhũng; người dân đói khổ oán thán. Vua nhìn nhận rằng nạn tham nhũng là nguyên nhân lớn nhất cần phải tiêu diệt. Chính vì vậy, vua bổ sung hoàn thiện Bộ luật Hồng Đức, nhằm tăng sức mạnh chống tham nhũng cho bộ luật này. Với Bộ luật Hồng Đức, việc chống tham nhũng được tiến hành từ các quan to đầu triều đến tận địa phương. Và trong 722 điều thì có tới 107 điều quy định những hành vi không được phép phạm phải đối với quan lại, như: Lợi dụng quyền thế sách nhiễu nhân dân, ăn hối lộ, gian lận, bớt xén của công, lợi dụng quyền chức mưu lợi riêng... Đặc biệt, trong đó có hơn 40 điều quy định về chống tham nhũng.

Điều 138 của Bộ luật Hồng Đức quy định, quan lại mà tham nhũng, nhận hối lộ, làm sai phép nước bị phạt theo các mức sau: Nếu tham ô từ 1-9 quan tiền bị cách chức, từ 10-19 quan thì bị đánh trượng rồi đi đày, từ 20 quan trở lên bị xử chém. Ngoài hình phạt chính, các quan ăn hối lộ từ 1-9 quan tiền bị phạt 50 quan, từ 10-19 quan thì bị phạt từ 60-100 quan. Từ 20 quan trở lên, phạt tội làm phu. Của hối lộ bỏ vào kho một phần, một phần trả lại chủ. Việc xử phạt này không phân biệt giàu, nghèo hay chức vụ đảm trách.

Bộ luật Hồng Đức cho thấy sự nghiêm khắc của pháp luật ngày xưa, chỉ tham ô 1 quan tiền là mất chức, 20 quan tiền là bị tử hình. Và bằng chính sách mạnh tay với “quan tham”, nhà vua đã ban các sắc dụ với nội dung người nào không phải là thân thuộc của người đảm trách pháp luật mà mượn cớ để vòi vĩnh được biếu tặng, đi lại, chè chén, câu kết bạn..., thì đều phải bắt giam, xét tội. Khi đã tham ô, việc định tội không phân biệt hay căn cứ vào giàu, nghèo, chức trọng hay hèn kém.

Sử sách còn ghi lại chuyện về viên quan lớn dưới thời vua Lê Thánh Tông tên Lê Bô phạm tội tham ô, bị buộc vào tội hình. Lại có viên quan tên Trần Phong xin cho Lê Bô được nộp tiền chuộc tội. Nhà vua bảo bầy tôi trong triều rằng: Trần Phong xin cho người can tội tham ô được nộp tiền chuộc, như thế thì người giàu có nhiều của đút lót mà khỏi tai vạ, người nghèo vì không có tiền mà phải chịu tội lỗi. Theo vua, Trần Phong làm vậy là dám trái phép tắc của tổ tông phải trị tội cả ông này.

Trong “Quốc triều hình luật” thời Lê sơ còn có một số điều quy định: Quan lại không được lấy vợ, kết làm thông gia với người ở nơi mình cai quản; không đưa quan lại về quê hương bản quán trị nhậm; không được tậu đất, vườn ruộng, nhà tại nơi cai quản; không được lấy người cùng quê làm người giúp việc; người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm việc tại cùng một công sở. Tất cả quy định này đều nhằm tránh quan lại vơ vét của cải trong dân hoặc để người thân tín lợi dụng nhũng nhiễu nhân dân.

Vua Lê Thánh Tông chủ trương chống tham nhũng, chỉ dùng bậc hiền tài, loại trừ kẻ xu nịnh, khiến các quan chức vốn chỉ lo tiến thân bằng nịnh bợ không còn đất dụng võ nữa, nạn tham nhũng đang tàn phá đất nước bị đẩy lùi và dẹp bỏ. Những quan thanh liêm, thực sự phục vụ dân đều được trọng dụng, thậm chí những người từng bị hàm oan trước đây cũng được minh oan. Chính nhờ pháp luật nghiêm minh dưới thời vua Lê Thánh Tông, sử sách ca ngợi: “Ngủ đêm mọi nhà không phải đóng cửa, ngoài đường không ai nhặt của rơi”.

Lời bàn:

Tham nhũng là căn bệnh của mọi thời đại, là vấn đề nhức nhối của tất cả chính thể trên thế giới, bất kể trình độ phát triển, định hướng, khu vực và truyền thống văn hóa, với những mức độ khác nhau. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tham ô, lãng phí là tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Người chỉ rõ bản chất của hành vi tham ô là lấy của công làm của tư, là gian lận tham lam, là trộm cướp. Theo Người, đặc trưng của hành vi tham ô là biến của công thành của tư. Bất cứ hành vi lấy của công làm của tư nào cũng đều bị Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là hành vi tham ô.

Và điều mà ai cũng biết đó là, tham nhũng làm lũng đoạn xã hội, xói mòn lòng tin của dân chúng vào các giá trị của xã hội. Trong thời đại toàn cầu hóa, tham nhũng đã trở thành tệ nạn mang tính toàn cầu. Vì vậy, để chống tham nhũng một cách hiệu quả, chúng ta cần có phương pháp tiếp cận mới, cách nhìn mới, không những khách quan hơn mà còn phải toàn diện hơn. Ngày nay, muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì trước hết phải thấm nhuần và thực hiện nghiêm những lời dạy của Bác về phòng, chống tham nhũng.

N.D

  • Từ khóa
110263

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu