Thứ 7, 20/04/2024 05:19:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:04, 10/12/2019 GMT+7

Thu nhập ổn định từ trồng cây có múi

Thứ 3, 10/12/2019 | 13:04:00 466 lượt xem
BP - Trong những năm gần đây, giá các mặt hàng nông sản như điều, cao su, tiêu liên tục giảm và mất mùa ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống nhân dân. Trước thực trạng này, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình trồng cây có múi của gia đình ông Nguyễn Văn Thạnh (ảnh) ở tổ 3, ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú đã thành công như thế.

Ông Nguyễn Văn Thạnh cho biết, năm 2017, ông xin vào Hợp tác xã Hưng Phát và được tham gia các buổi hội thảo, tập huấn chuyên đề về chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Nhận thấy giá bán mủ cao su không ổn định, có chiều hướng giảm, trong khi nhu cầu thị trường về cây ăn trái, nhất là cây có múi khá cao nên ông quyết định thanh lý 3 ha cao su già để trồng cây ăn trái trên diện tích 3 ha. Trong đó, 2 ha quýt đường, 1 ha cam sành và trồng xen bưởi da xanh.

Ông Thạnh chia sẻ, vùng đất Tân Lợi màu mỡ phù hợp loại cây có múi, nguồn nước tưới dồi dào đảm bảo việc tưới vào mùa khô. Trồng cây ăn trái chi phí đầu tư thấp, ít tốn phân bón, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mức độ vừa phải, chỉ đầu tư giai đoạn cây đơm hoa kết trái. 2 ha quýt đường cho gia đình ông thu hoạch khoảng 70 tấn, với giá bán đối với thương lái vào tận vườn mua từ 15-20 ngàn đồng/kg, trừ chi phí hộ ông thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Còn 1 ha cam sành, gia đình ông Thạnh thu hoạch 30 tấn. Tuy giá cam thấp hơn so với quýt và bưởi nhưng gia đình ông cũng thu về gần 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Bưởi trồng xen thời gian cho thu hoạch chậm so với cam, quýt, nhưng gia đình ông thu hoạch mùa đầu đạt gần 20 tấn với giá bán dao động từ 40-50 ngàn đồng/kg tại vườn. Từ mô hình trồng xen lấy ngắn nuôi dài, đến nay vườn cây có múi của gia đình ông Thạnh cho thu trên 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

Không chỉ gia đình ông Thạnh mà ở ấp Thạch Màng, nhiều thành viên Hợp tác xã Hưng Phát được xem là mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu. Hiện sản phẩm của nông dân cung cấp nhiều cho  thị trường TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh lân cận. Nhờ mô hình trồng cây có múi mà nhiều hộ dân trên địa bàn xã, ấp có công việc ổn định và cải thiện đời sống.

Hượng Sinh

  • Từ khóa
45192

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu