Thứ 6, 29/03/2024 00:05:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 08:31, 08/07/2018 GMT+7

Thư viện lưu động mang tri thức đến vùng sâu

Chủ nhật, 08/07/2018 | 08:31:00 584 lượt xem
BP - Chiếc xe ôtô thư viện lưu động miệt mài lăn bánh khắp nẻo đường vùng sâu, vùng xa đã giúp người dân, nhất là thiếu nhi vùng sâu được tiếp cận sách báo, tiếp cận kho tri thức vô tận của nhân loại. Và trên chiếc xe thư viện lưu động này không chỉ có sách báo mà còn có cả DVD, CD, các tài liệu điện tử, máy tính, đồ chơi, các tờ rơi và cả chiếu phim... nhằm phục vụ nhiều đối tượng về nhu cầu hưởng thụ văn hóa.

Mượn xe tải làm thư viện lưu động

Ông Trần Đại Chính, Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: Thấu hiểu sự khát khao sách báo của người dân, nhất là trẻ em vùng sâu, xa nên từ năm 2016, vào dịp kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, Thư viện tỉnh đã tổ chức một hoạt động ý nghĩa và mới mẻ. Đó là tổ chức xe thư viện lưu động về phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa. Nhưng để đưa được sách tới người dân, Thư viện tỉnh phải tự liên hệ mượn xe tải của Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh để vận chuyển sách, báo.

Thư viện tỉnh phục vụ xe thư viện tại Trường tiểu học Phú Riềng A, huyện Phú Riềng ngày 24-5-2018

Trong năm 2016, thư viện đã phục vụ tại 9 huyện, thị xã: Bù Đăng, Đồng Phú, Đồng Xoài, Chơn Thành, Hớn Quản, Bình Long, Phước Long, Bù Đốp, Phú Riềng. Năm 2017, phục vụ tại 7 huyện, thị xã: Bù Gia Mập, Đồng Phú, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Xoài, Bù Đăng. Ngoài các chuyến xe lưu động do Thư viện tỉnh tự tổ chức, đơn vị còn phối hợp các thư viện huyện, thị xã; phòng GD-ĐT các huyện, thị và trường tiểu học, THCS; Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân và các nhà thiếu nhi; các phòng văn hóa – thông tin để đưa sách báo đến trẻ em, người dân các khu phố, thôn, ấp và công nhân tại các khu nhà trọ. Ngoài hàng ngàn bản sách, báo, mỗi chuyến xe thư viện lưu động còn trang bị sách điện tử, máy tính kết nối intenet để bạn đọc truy cập thông tin và cả thiết bị phục vụ chiếu phim lưu động...

Trong 2 năm 2016-2017, tổng số điểm phục vụ xe thư viện lưu động là 163, trong đó 117 trường học, 36 điểm tại các trung tâm văn hóa, nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi, các khu công nghiệp và 10 điểm nhà văn hóa thôn, ấp. Đã có 426 lượt cán bộ tham gia phục vụ lưu động. Tổng số sách mang đi phục vụ là 9.250 bản. Số lượt bạn đọc được phục vụ là 112.744. Số sách, báo được luân chuyển 325.715 lượt. Tổng số lượt truy cập internet 13.992 và số lượt người xem phim là 8.868 lượt.

Qua hơn 2 năm thực hiện mô hình xe thư viện lưu động, Thư viện tỉnh đã đẩy mạnh luân chuyển sách từ thư viện cấp tỉnh, cấp huyện đến vùng miền núi, vùng sâu, xa. Đồng thời hỗ trợ các địa bàn triển khai nhiều hoạt động phục vụ ngoài thư viện, đưa thông tin đến gần với người dân hơn, từ đó mở rộng phong trào đọc sách, báo ở các vùng miền, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân vùng sâu, xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách thông tin giữa thành thị, nông thôn và miền núi. Hàng trăm ngàn người dân, em nhỏ đã được tiếp cận sách và internet miễn phí.

Khó mấy cũng phải duy trì

Đó là quyết tâm của tập thể cán bộ, nhân viên Thư viện tỉnh trong việc đáp ứng nhu cầu đọc của người dân vùng sâu. Ông Trần Đại Chính cho biết, hiện chiếc xe tải mượn của Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã hết niên hạn sử dụng và quá tã. Thế nhưng vì nhu cầu bức thiết được phục vụ của người dân nên từ đầu năm 2018 đến nay, Thư viện tỉnh đã tổ chức 17 chuyến xe lưu động về các huyện Bù Đốp, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Hớn Quản, Bình Long. Và vì xe đã hết niên hạn nên vừa đi vừa hồi hộp. Mỗi chuyến phục vụ lưu động, đơn vị phải thuê lái xe và bố trí 3 nhân viên đi theo để vác kệ, vác sách báo lên, xuống xe; sắp xếp, trưng bày và quản lý sách báo.

Mỗi chuyến phục vụ vùng sâu phải từ 3-4 ngày mới đủ thời gian để bạn đọc đọc hết một cuốn sách loại vừa. Thế nhưng có nhiều trường hợp đã hết thời gian phục vụ mà bạn đọc, nhất là các em nhỏ vẫn say sưa đọc nghiến ngấu cuốn sách đang đọc dở nên nhân viên thư viện không nỡ đòi sách, đành tặng luôn cho những bạn đọc yêu sách ấy.

Ông Trần Đại Chính, Giám đốc Thư viện tỉnh chia sẻ

Chưa kể chuyện xe hỏng hóc trên đường, mỗi chuyến phục vụ lưu động, Thư viện tỉnh phải trả tiền thuê lái xe, phí cầu đường, tiền ăn và lưu trú cho 3 nhân viên phục vụ... nhưng chỉ được thanh toán 300-400 ngàn đồng/chuyến. Bình quân mỗi năm tỉnh cấp 100 triệu đồng cho hoạt động thư viện lưu động, không thể nào bù đắp đủ các khoản chi. Đặc biệt, năm nay dù đã sang tháng 7 và đơn vị đã tổ chức 17 chuyến xe lưu động nhưng vẫn chưa nhận được kinh phí. Ông Chính cho biết hiện đang tìm nguồn hỗ trợ khác để khi chiếc xe của Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh không thể khai thác được nữa thì có xe thay thế, nhằm phục vụ nhu cầu đọc của người dân vùng sâu, vùng xa. Ngoài khó khăn về kinh phí thì đội ngũ cán bộ thư viện còn thiếu kinh nghiệm. Ở các điểm trường học, số lượng bạn đọc rất đông, không kiểm soát được hết nên thất thoát sách. Bên cạnh đó, khoảng cách di chuyển xa, một số điểm trường vùng sâu xe không vào sân trường được do cổng thấp nên anh em phải mang vác khối lượng lớn sách báo vào sân trường để phục vụ. Có điểm trường không có điện nên không phục vụ được internet...

Dù gặp nhiều khó khăn, song hình thức phục vụ thư viện lưu động đã đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân vùng sâu, biên giới. Cứ đến hẹn lại lên, người dân vùng sâu lại chờ đợi những chuyến xe thư viện lưu động để không chỉ được đọc sách báo, được truy cập internet, được biết thế nào là sách điện tử mà còn được xem phim. Hành trình của những chuyến xe “Ánh sáng tri thức” đã mang đến cho cộng đồng, đặc biệt là trẻ em cơ hội được học hỏi, tiếp cận sách, báo, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm công dân trong việc tuân thủ chính sách, pháp luật của Nhà nước.      

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
87963

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu