Thứ 5, 25/04/2024 15:25:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 06:38, 05/03/2019 GMT+7

Thực hiện sáp nhập, hợp nhất các trường học: Phải tạo điều kiện tốt nhất để học sinh đến trường

Thứ 3, 05/03/2019 | 06:38:00 2,355 lượt xem
BP - Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) và Quyết định số 999-QĐ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ đầu năm học 2018-2019, một số địa phương đã có đề án sáp nhập các điểm lẻ không cần thiết; hợp nhất nhiều trường học trên cùng địa bàn cấp xã. Phóng viên Báo Bình Phước có cuộc trao đổi với ông Lý Thanh Tâm, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT xung quanh vấn đề này.

PV: Thưa ông, thời gian qua các huyện, thị xã đã xóa bỏ các điểm lẻ không cần thiết; sáp nhập, hợp nhất nhiều trường học trên cùng địa bàn cấp xã. Với vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục tỉnh, ông cho biết việc hợp nhất, sáp nhập bộ máy trường học có những điểm tích cực, thuận lợi nào?

Ông LÝ THANH TÂM: Toàn tỉnh có 4 huyện tiến hành sáp nhập, hợp nhất các trường tiểu học với trường tiểu học, trường tiểu học với trường THCS. Trong đó, 3 trường tiểu học sáp nhập với 3 trường tiểu học thành 3 trường tiểu học mới; 6 trường tiểu học sáp nhập với trường tiểu học và trung học cơ sở (TH&THCS) thành 6 trường TH&THCS. Hiện toàn tỉnh còn 165/174 trường tiểu học và 14 trường TH&THCS.

Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Thuận Phú (Đồng Phú) trong giờ học

Cụ thể, tại huyện Đồng Phú: Trường tiểu học Thuận Phú 1 hợp nhất với Trường tiểu học Thuận Phú 2 thành Trường tiểu học Thuận Phú; Trường tiểu học Tân Lợi hợp nhất với Trường THCS Tân Lợi thành Trường TH&THCS Tân Lợi. Huyện Bù Đăng: Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân sáp nhập với Trường tiểu học Phú Sơn thành Trường tiểu học Phú Sơn. Huyện Phú Riềng: Trường tiểu học Long Hưng A sáp nhập với Trường tiểu học Long Hưng thành Trường tiểu học Long Hưng; Trường tiểu học Phú Trung hợp nhất với Trường THCS Trần Quốc Toản thành Trường TH&THCS Phú Trung. Huyện Lộc Ninh: Trường tiểu học Lộc Hòa hợp nhất với Trường THCS Lộc Hòa thành Trường TH&THCS Lộc Hòa; Trường tiểu học Lộc Khánh hợp nhất với Trường THCS Lộc Khánh thành Trường TH&THCS Lộc Khánh; Trường tiểu học Lộc An hợp nhất với Trường THCS Lộc An thành Trường TH&THCS Lộc An; Trường tiểu học Lộc Phú hợp nhất với Trường THCS Lộc Phú thành Trường TH&THCS Lộc Phú.

Việc hợp nhất, sáp nhập các trường học có quy mô nhỏ trong cùng địa bàn xã góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm đầu mối quản lý, giảm bớt chi ngân sách; tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị; tránh việc đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất một cách dàn trải trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.

PV: Ngoài những điểm tích cực, thuận lợi thì khi sáp nhập, hợp nhất các trường đơn cấp, đa cấp có số lượng học sinh quá đông, với chương trình, thời lượng học tập khác nhau (đối với trường học đa cấp) có vấn đề gì khó khăn ảnh hưởng gì đến quản lý, chất lượng dạy học, thưa ông?

Ông LÝ THANH TÂM: Việc hợp nhất, sáp nhập các trường gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, nhất là đối với trường TH&THCS, trường có nhiều điểm trường. Ban giám hiệu phải quản lý nhiều hơn và phức tạp hơn về thời gian, buổi học, tiết học, nội dung, chương trình, phương pháp đặc thù của từng cấp học. Quản lý không thể sâu sát và thuyết phục về chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt về phương pháp giảng dạy do quản lý nhiều cấp học; khó khăn trong việc tổ chức học 2 buổi/ngày, xếp thời khóa biểu cho 2 cấp học khác nhau. Nhiều điểm trường lẻ nên việc sắp xếp, bố trí thời gian hội họp, tổ chức các hoạt động vui chơi, hội thi, sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên và học sinh còn hạn chế. 

 Sau khi sáp nhập các trường, khoảng cách giữa điểm lẻ và điểm chính xa hơn (như Trường tiểu học Thuận Phú 2 cách điểm lẻ 10-12km sau khi hợp nhất với Trường tiểu học Thuận Phú 1, những điểm lẻ này cách điểm chính 15-18km; Trường TH&THCS Tân Lợi, điểm Thạch Màng cách điểm chính 12km, điểm 61 hộ cách điểm Thạch Màng 7km và cách điểm chính 19km... Việc đi lại quá xa sẽ ảnh hưởng đến gia đình học sinh khi phải đưa đón các em hằng ngày, nhất là những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thì mỗi ngày phải đưa đón 4 lượt. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến học sinh có nguy cơ bỏ học.

Việc sáp nhập, hợp nhất các trường cũng ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện các chỉ tiêu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Một số địa phương khi sáp nhập, hợp nhất các trường không căn cứ vào Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24-8-2018 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông là: “Chỉ sáp nhập các trường có quy mô nhỏ ở cùng địa bàn cấp xã; các trường tiểu học có quy mô dưới 10 lớp, xem xét ghép với trường THCS trên cùng địa bàn xã; các xã có 2-3 trường tiểu học, xem xét sáp nhập thành một trường nhưng phải đảm bảo đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên...”.

PV: Từ tình hình thực tế ở Bình Phước cùng với việc học tập kinh nghiệm của Sở GD-ĐT tại tỉnh Quảng Ninh vừa qua, ngành giáo dục tỉnh có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông LÝ THANH TÂM: Nhìn chung các địa phương thực hiện đúng theo chỉ thị của cấp trên. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì việc sáp nhập, hợp nhất các trường cũng gặp không ít khó khăn như đã nêu. Từ việc học tập kinh nghiệm tại Quảng Ninh và thực tế địa phương, Sở GD-ĐT đã hướng dẫn cơ sở thực hiện đúng chỉ đạo chung của cấp trên, đồng thời có một số giải pháp riêng cho ngành như: Hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng công tác chuyên môn; sau khi sáp nhập, hợp nhất đảm bảo được các yêu cầu chung về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức trường lớp, đảm bảo quyền lợi cho cán bộ, giáo viên, công nhân viên và không làm ảnh hưởng đến công tác chuyên môn toàn ngành. Đẩy mạnh tuyên truyền tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội.

Để mang lại hiệu quả thiết thực, sau khi đánh giá tình hình chung về việc sáp nhập, hợp nhất của các trường, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo khi tinh gọn bộ máy các trường cần lưu ý những vấn đề như:

Cần căn cứ vị trí địa lý, quy mô phát triển trường lớp và các điều kiện đảm bảo để lựa chọn phương án sắp xếp phù hợp, ít ảnh hưởng đến đời sống, tâm lý đội ngũ cán bộ, giáo viên, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh được đến trường học tập. Việc sáp nhập, hợp nhất các trường cần thực hiện theo Công văn số 3712/BGDĐT-CSVC ngày 24-8-2018 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Việc sắp xếp, sáp nhập các trường, điểm trường phải tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật như thông tư ban hành điều lệ trường tiểu học, THCS và các văn bản quy định khác của Bộ GD-ĐT. Việc sắp xếp trường, điểm trường không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu về công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh bỏ học, phổ cập giáo dục của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh, các quyết định của UBND tỉnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại điểm chính để nâng cao chất lượng giáo dục; tạo điều kiện cho học sinh ăn ở bán trú tuần (nội trú) và bán trú ngày (bán trú) để khuyến khích phụ huynh đưa con em về điểm trường. Không xóa bỏ các điểm trường ở nơi gần biên giới để phục vụ công tác quốc phòng, an ninh biên giới. Đối với những viên chức kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ khác thì được tạo điều kiện về thời gian, hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng để đảm bảo chuyên môn nghiệp vụ và được thanh toán chế độ làm thêm giờ theo quy định hiện hành...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Vũ Thuyên (thực hiện)

  • Từ khóa
88440

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu