Thứ 7, 20/04/2024 06:51:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:38, 18/09/2015 GMT+7

Thực trạng và hạn chế trong bảo vệ môi trường

Thứ 6, 18/09/2015 | 07:38:00 3,480 lượt xem

BP - Từ một tỉnh nghèo, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, đến cuối năm 2014 cơ cấu kinh tế của Bình Phước có sự thay đổi theo hướng tích cực. Khu vực nông - lâm nghiệp, thủy sản chiếm tỷ trọng 40%, công nghiệp - xây dựng 31,9%, dịch vụ 28,1%. Thu nhập bình quân đầu người 39,05 triệu đồng/năm. Nhưng đi cùng với sự phát triển đó đã phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về môi trường. Vì thế, từ khi Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, mức đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên. Năm 2006 chỉ có 370 triệu đồng, đến năm 2014 đã tăng lên 11.500 triệu đồng. Nguồn vốn đầu tư đã được sử dụng đúng mục đích, bước đầu cải thiện môi trường trên địa bàn tỉnh.

Tăng cường quản lý môi trường

Từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh đã thẩm định phê duyệt 349 báo cáo đánh giá tác động môi trường, 7 đề án bảo vệ môi trường. UBND các huyện, thị đã xác nhận 2.487 bản cam kết bảo vệ môi trường, 187 đề án bảo vệ môi trường. Ngành chức năng đã cấp 178 sổ đăng ký nguồn chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải; cấp 1 giấy phép hành nghề vận chuyển chất thải nguy hại; thẩm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu cho 3 đơn vị. Cơ quan chức năng đã tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp hơn 80 cơ sở sản xuất có phát sinh nước thải với số tiền 3,69 tỷ đồng.

Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kiểm tra trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, huyện Chơn Thành - Ảnh: H. Châu

Cũng trong 10 năm qua, lực lượng chức năng đã thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường 180 lượt doanh nghiệp với số tiền khoảng 6 tỷ đồng. Các vi phạm chủ yếu là chưa tuân thủ nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn cho phép ra môi trường, các vi phạm về quản lý chất thải nguy hại...

Ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường

Tại các huyện, thị, nhiều mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường được triển khai thực hiện và đã có hiệu quả bước đầu như: triển khai mô hình khép kín trong hoạt động chăn nuôi; tận dụng chất thải để sản xuất biogas; mô hình xử lý nước thải bằng phương pháp kỵ khí... Tuy nhiên, quy mô của các mô hình còn nhỏ lẻ.

Hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Phước xây dựng từ năm 2002 và được hoàn thiện năm 2007, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và giám sát những biến động về chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 80 điểm quan trắc môi trường nước mặt, 78 điểm quan trắc môi trường nước ngầm, 99 điểm quan trắc môi trường không khí và tiếng ồn, 80 điểm quan trắc môi trường đất, 1 trạm quan trắc tự động nước thải tại Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc. Cơ quan chuyên môn duy trì thường xuyên và ổn định mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường đất, không khí, nước mặt và nước ngầm. Mở rộng mạng lưới quan trắc chất lượng nước mặt lưu vực hệ thống sông Đồng Nai. Thành lập Trung tâm quan trắc môi trường trực thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường để phục vụ công tác quan trắc trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế do kinh phí chưa bảo đảm, thiếu nhân lực.

Xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường

Dù tỉnh đã bố trí kinh phí cho sự nghiệp bảo vệ môi trường năm sau cao hơn năm trước, cụ thể, năm 2006 chỉ có 370 triệu đồng, đến năm 2014 đã tăng lên 11.500 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn chi cho hoạt động bảo vệ môi trường hiện vẫn chưa đạt 1% tổng chi ngân sách. Năm 2006 chỉ chiếm 0,03%, năm 2008 chiếm 0,16%, năm 2010 chiếm 0,6%, năm 2012 chiếm 0,73% và năm 2014 chiếm 0,28%.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt. Điển hình như Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Công nghệ Môi trường tỉnh Bình Phước đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải công suất 100 tấn/ngày tại xã Tiến Hưng (Đồng Xoài); Công ty trách nhiệm hữu hạn Bình Phước Xanh đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại công suất 50 tấn/ngày, hiện đang nâng cấp lên công suất 200 tấn/ngày. Cơ quan chuyên môn quản lý môi trường cấp huyện đã ký kết với các tổ chức cùng cấp như MTTQ, hội phụ nữ, liên đoàn lao động, hội nông dân, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh... các chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường. Việc ký kết đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động bảo vệ môi trường.

Nhiều huyện, thị đã xây dựng, duy trì và phát triển phong trào bảo vệ môi trường thông qua MTTQ. Một số xã, phường, thị trấn, đơn vị đã xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước, quy định, cam kết bảo vệ môi trường, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tuy nhiên, công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên chưa thu hút và khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia, vốn viện trợ dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường rất ít.

Những hạn chế cần khắc phục

Việc thu gom chất thải rắn đô thị trên địa bàn tỉnh hiện chỉ đạt khoảng 50% lượng rác thải phát sinh. Hiện nay, các huyện, thị xã đều chưa có bãi chôn lấp rác hợp vệ sinh, hầu hết đều là các bãi rác lộ thiên. Công tác phân loại và thu gom rác thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh nhìn chung chưa tốt. Trong số 15 bệnh viện, hiện chỉ có 5 bệnh viện đã đầu tư xây dựng và vận hành lò đốt chất thải y tế, số còn lại được thu gom chung với rác thải sinh hoạt và xử lý bằng hình thức chôn lấp. Đối với chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại, tỷ lệ thu gom ước đạt khoảng 70% lượng rác thải công nghiệp phát sinh và 90% lượng chất thải rắn nguy hại. Công tác bảo vệ môi trường ở cấp xã chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều xã còn bỏ trống nhiệm vụ bảo vệ môi trường. Nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa tuân thủ quy định bảo vệ môi trường, xử lý chất thải. Nhiều cơ sở sản xuất xả nước thải, khí thải vượt tiêu chuẩn cho phép gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa có biện pháp khắc phục và xử lý kịp thời.

Để làm thay đổi công tác bảo vệ môi trường theo hướng tích cực, thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hướng đến xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.

Thảo Nguyên

  • Từ khóa
46638

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu