Thứ 6, 19/04/2024 04:28:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:38, 27/11/2015 GMT+7

Thương binh Lê Công Trình “Nói đi đôi với làm”

Thứ 6, 27/11/2015 | 09:38:00 91 lượt xem
BP - Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, ông Lê Công Trình (1956) ngụ ấp 9, xã Tân Lập (Đồng Phú) là thương binh gương mẫu không chỉ trong phong trào sản xuất - kinh doanh giỏi mà còn hết lòng giúp đỡ người dân địa phương gặp khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Thương binh Lê Công Trình

Năm 1975, theo tiếng gọi Tổ quốc, ông Trình lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Năm 1982, ông xuất ngũ trở về địa phương là thương binh ¾. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”, ông đưa gia đình từ Thái Bình vào Bình Phước lập nghiệp. Trên mảnh đất mới, thiếu vốn, ông tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm áp dụng vào thực tế để trồng các loại cây, tăng nguồn vốn. Ban đầu ông nuôi heo nái, bò, kết hợp trồng lúa, mì và cây ăn trái. Nhờ cần cù, chịu khó, đến nay trang trại của thương binh Lê Công Trình đã có hơn 6 ha gồm cao su, điều, cam, bưởi, chuối, tổng thu nhập khoảng 600 triệu đồng mỗi năm.

Ông Trình cho biết: “Học và làm theo Bác phải bằng việc làm cụ thể, phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia hoạt động xã hội”. Từ năm 2000 đến nay, ông được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh ấp. Bản thân ông luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của xã. Hằng năm, ông cho hội viên vay hàng chục triệu đồng không tính lãi để phát triển sản xuất. Hiện nay, ông nhận trợ giúp thường xuyên cho 1 cháu mồ côi cả cha lẫn mẹ với 5kg gạo/tháng và giúp đỡ 6 cháu có hoàn cảnh khó khăn, mỗi cháu 20kg gạo/năm. Cứ đến Ngày thương binh liệt sĩ và tết Nguyên đán hằng năm, ông đều đi vận động 30-35 phần quà tặng gia đình hội viên hoàn cảnh khó khăn, già yếu... Với những việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, năm 2014 ông được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong sản xuất - kinh doanh giỏi và hoạt động từ thiện xã hội.

Gia đình ông Trình còn là tấm gương hiếu học cho nhiều người noi theo. Tiếp chúng tôi trong căn nhà xây khang trang, ông không giấu niềm tự hào khi nói về các con của mình. Trong số 6 con của ông thì  có 5 người học đại học. Tự hào là vậy nhưng để có thành quả như hôm nay, gia đình ông đã phải trải qua rất nhiều vất vả. Ông Trình cho biết: “Thấm thía cảnh nghèo khổ khi quanh năm chân lấm, tay bùn, tôi càng có thêm quyết tâm cho con học tập. Hiểu nỗi khổ của cha mẹ nên các cháu đều có chí học hành, tự lập và giúp nhau học tốt”. Khi các con học tiểu học, ông được bầu làm hội trưởng hội phụ huynh ở trường. Suốt 17 năm làm nhiệm vụ này, ông đều đi đầu trong phong trào “Tiếp bước cho em đến trường” bằng cách ủng hộ cặp sách, quần áo, tập trắng cho học sinh vào đầu năm học. Ông còn phối hợp với đoàn trường mỗi năm trao 15-20 thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh nghèo.

Giờ đây không phải bươn chải mưu sinh như trước nhưng vợ chồng ông Trình vẫn hằng ngày chăm chỉ làm lụng để lo cho cậu út đang học năm thứ 3 Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Những vất vả ngày nào của vợ chồng ông nay đã được đền đáp bằng niềm vui tuổi già bên con cháu sum vầy và tình cảm gia đình yêu thương, gắn bó.

Minh Hiền

  • Từ khóa
52978

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu