Thứ 5, 25/04/2024 11:12:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:21, 30/06/2016 GMT+7

Thương hiệu điều nhìn từ cây giống

Thứ 5, 30/06/2016 | 06:21:00 146 lượt xem

BP - “Cây giống tràn lan, ai làm cũng được, giá thì vô cùng. 4, 10, 12, kể cả 14 ngàn đồng/cây cũng có. Còn giống điều gì, nguồn gốc thế nào, chất lượng ra sao thì người dân phải đợi sau 3 năm trồng, chăm sóc mới biết được kết quả. Nếu kết quả tốt, nông dân được nhờ, còn không trái, trái ít, trái kém chất lượng thì họ tự gánh. Đã không ít người trồng điều phải ngậm đắng chặt bỏ vườn điều sau 3-4 năm trồng và chăm sóc vì giống kém chất lượng” - ông Đặng Văn Vinh, chủ một cơ sở sản xuất giống điều chia sẻ.

“MA TRẬN” GIỐNG

Đầu mùa mưa năm nay, 3 anh em ông Nguyễn Văn Bình ở phường Long Phước, thị xã Phước Long trồng mới 5 ha điều. Để có đủ cây giống, anh em ông tìm đến 3 nơi cung cấp giống ở Phước Long, Bù Đăng và Trung tâm Giống nông,  lâm nghiệp (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Để đảm bảo nguồn giống, gia đình ông Bình phải mua cả 3 nơi để tránh rủi ro gặp phải những cây giống không đảm bảo chất lượng. Với ông, niềm tin cây giống tốt nhất được kỳ vọng tại Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp. Bởi đây là cơ sở sản xuất giống có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, “Mình phải mua nhiều nơi để phòng ngừa mọi bất trắc” - ông Bình nói.

Vườn điều giống đầu dòng (ảnh lớn) và công nhân đang ghép giống điều (ảnh nhỏ) tại Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp tỉnh

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, nhu cầu trồng mới giống cây điều của người dân trong mùa mưa năm nay là 2.000 ha, với tổng 400 ngàn cây giống. Toàn tỉnh hiện có 16 cơ sở, doanh nghiệp trực tiếp sản xuất - kinh doanh giống cây điều với tổng vườn cây đầu dòng 2,7 ha. Mỗi hécta vườn cây đầu dòng cho tối đa 200 ngàn chồi/năm. Sau khi trừ hao hụt trong quá trình ghép còn lại 150 ngàn chồi. Xét về mặt số học, với diện tích vườn đầu dòng trên địa bàn tỉnh hiện nay sẽ đáp ứng được 600 ngàn cây giống mỗi năm. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng cây giống cung cấp cho thị trường không phải lúc nào cũng kiểm soát được.

Ông Nguyễn Văn Bình (bên trái) ở thị xã Phước Long mua giống điều tại Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp tỉnh

Với 1 ha vườn cây đầu dòng, mùa mưa năm nay, Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp dự kiến sẽ sản xuất 200 ngàn cây giống. Hiện tại, trung tâm đã ngưng hợp đồng mua bán điều giống vì số lượng đăng ký mua đã quá tải so với điều kiện sản xuất giống của trung tâm. Giám đốc trung tâm Trần Minh Đức cho biết: Năm nào trung tâm cũng hụt giống để cung cấp cho người dân. Bởi lượng chồi có hạn nhưng nhu cầu trồng mới của người dân cao hơn rất nhiều so với điều kiện cho phép của trung tâm. Vì lý do này mà nhiều người phải mua giống điều ở những cơ sở bên ngoài nhưng không rõ nguồn gốc, chất lượng giống. Có những cơ sở không có vườn cây đầu dòng cũng sản xuất giống, thậm chí nhiều người mua hom, chồi, cành về ghép mà không biết chất lượng cành, chồi, mặt ghép ấy như thế nào.

KHẨN TRƯƠNG NHÂN GIỐNG MỚI

Bình Phước hiện có 3 bộ giống: PN1, MH4/5 và MH5/4 được trồng khá phổ biến trong dân. Đây cũng là dòng chủ lực của các cơ sở sản xuất điều giống trên địa bàn tỉnh. Năng suất, chất lượng của những bộ giống khá ổn định từ trước đến nay. Tuy nhiên, năng suất bình quân điều Bình Phước hiện chỉ đạt 1,4 tấn/ha; trong khi, năng suất điều của tỉnh Tây Ninh lại đạt bình quân 1,9 tấn/ha. Đó là con số so sánh mà ngành nông nghiệp tỉnh phải suy tính.

Chỉ cần 50% người dân đi mua giống điều có hóa đơn là giúp chúng tôi quản lý được chất lượng giống đạt 50%. Tuy nhiên, người dân không lấy hoặc không đòi hóa đơn thì gặp giống kém chất lượng sau này có kiện cũng không được. Mặt khác, việc làm này lại tiếp tay cho những người mua bán giống trôi nổi, kém chất lượng. Hậu quả của việc mua giống không lấy hóa đơn là sau khi đầu tư 5-6 năm nếu gặp giống kém chất lượng, người dân sẽ trắng tay.

Ông LÊ XUÂN TRÍ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh

Từ năm 2004, ngành nông nghiệp đã nghiên cứu, tuyển chọn giống điều để tạo bộ giống phù hợp với từng tiểu vùng khí hậu trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã hơn 10 năm nhưng vẫn chưa có cây giống rõ ràng cung cấp cho người dân. Thực ra, trong những năm qua, ngành nông nghiệp đã trực tiếp theo dõi, cập nhật số liệu đến 400 cá thể điều ở hầu hết huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh. Qua nhiều năm theo dõi và tuyển chọn từ 400 cá thể xuống còn 70 và hiện đã tuyển được 5 cá thể có đặc tính nổi trội nhất ở các huyện Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Chơn Thành và Đồng Phú. Tất cả 5 cá thể này đã có địa chỉ rõ ràng, năng suất ổn định từ 50-73,3kg/cây liên tiếp 3 năm trong điều kiện không chăm sóc và thời tiết bất lợi. Đặc biệt, cá thể ở huyện Phú Riềng cho năng suất ổn định lên đến 73,3kg/cây, tương đương 7,3 tấn/ha.

Điều đáng quan tâm là hiện tất cả số cá thể trên chưa được tập hợp và lấy cành nhân giống. “Nếu số cá thể này không sớm tập hợp thì khả năng cho ra bộ giống điều mới phù hợp điều kiện khí hậu, đất đai của Bình Phước là rất khó. Mặc dù trung tâm giống biết rõ những đặc tính của 5 cá thể nổi trội nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa thể tuyển tập và nhân để tạo vườn cây đầu dòng. Bình Phước đang xúc tiến xây dựng thương hiệu chỉ dẫn địa lý cho cây điều nhưng trước hết cần phải có nguồn gốc cây giống. Để làm được điều này không còn giải pháp nào tốt hơn là hỗ trợ kinh phí để ngành nông nghiệp sớm tuyển tập những cá thể nổi trội, tránh tình trạng người dân khai thác cành chồi quá mức đối với những cá thể này” - Giám đốc trung tâm Trần Minh Đức khuyến cáo.  

Đông Kiểm

  • Từ khóa
40481

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu