Thứ 5, 25/04/2024 14:00:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 06:37, 29/08/2015 GMT+7

Thượng nguồn sông Sài Gòn đang “ngộp thở” bởi váng xanh

Thứ 7, 29/08/2015 | 06:37:00 396 lượt xem

>> [Video] Thượng nguồn sông Sài Gòn đang “ngộp thở” bởi váng xanh

BP - Khúc sông thuộc lòng hồ Dầu Tiếng đoạn từ suối Tà Mòn (ranh giới giữa huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước và huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương, lên đến bến đò Cây Khế, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, dài khoảng 7km) đang bị phủ bởi lớp váng màu xanh đậm đặc.

Cuộc sống của hàng trăm ngư dân nơi đây đang chịu ảnh hưởng nặng nề khi mọi sinh hoạt thường ngày đều phải sử dụng và tiếp xúc trực tiếp với nước sông. Mùi hôi tanh khó chịu và mặt sông nhiều nơi bị váng xanh phủ kín không thể nhìn rõ mặt nước - đó là cảm nhận của chúng tôi tại khúc sông thuộc địa phận tổ 5, ấp 9, xã Tân Hiệp (Hớn Quản).

Anh Nguyễn Thanh Triều dùng tay vớt lớp váng xanh một cách dễ dàng

 Anh Nguyễn Thanh Triều, một ngư dân làm nghề vó trên sông 7 năm nay cho biết, năm đầu tiên anh đến đây đã thấy nước có màu xanh và mùi tanh. Theo anh Triều, cứ khoảng tháng 4 đến tháng 11 hằng năm là mùa gió đổi hướng thổi ngược lên phía thượng nguồn, mặt sông lúc này bị váng xanh che phủ.

Gia đình anh Triều và nhiều hộ ngư dân khác dựng chòi ở trên sông nên mọi sinh hoạt tắm, giặt đều phải dùng nước sông. “Những ngày ít mưa, dòng chảy lặng thì váng xanh ứ lại, mùi hôi tanh của mủ cao su xộc lên rất khó chịu. Nhiều lần tắm thấy người bị nổi mẩn ngứa nên không dám tắm nữa. Những hôm như thế người lớn đành nhịn tắm, còn mấy đứa nhỏ thì tui phải bơi xuồng vào bờ xin nước ngọt để chúng tắm” - anh Triều cho biết thêm.

Anh Nguyễn Văn Trung, SN 1979, làm nghề đánh bắt cá trên sông từ khi còn nhỏ khẳng định, tình trạng nước sông xuất hiện váng xanh và mùi hôi tanh tồn tại đã nhiều năm nay. Nhưng khoảng 2-3 năm nay thì màu xanh đậm đặc hơn, mùi hôi nặng hơn.

Làm nghề đánh bắt cá trên sông từ nhiều năm, thường ngày ông Nguyễn Văn Hoàng, SN1969 đều dùng nước sông để tắm rửa. Theo ông Hoàng, váng xanh và mùi hôi của nước sông là do bị ô nhiễm từ việc xả thải của nhà máy chế biến mủ cao su đóng trên địa bàn huyện Chơn Thành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì đây là 3 nhà máy chế biến mủ đóng trên địa bàn xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, giáp ranh huyện Chơn Thành. Nước thải của các nhà máy chế biến mủ chảy theo suối Tà Mòn ra sông, nơi cách chòi vó của ông Hoàng khoảng 4km về phía hạ lưu. “Vài năm trước, tui đi đánh cá ở cửa suối Tà Mòn thấy cá chết nổi nhiều. Hỏi thì dân ở đó nói cá chết là do bị ô nhiễm do nhà máy chế biến mủ cao su xả thải ra. Người ta nói cá sông ở khu vực này bắt lên không thể ăn được vì thối mùi mủ” - ông Hoàng cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khúc sông phía thượng nguồn (đoạn chảy qua địa phận xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản, cách xã Tân Hiệp khoảng 6km) thời gian gần đây cũng chịu ô nhiễm nặng bởi việc xả thải của một số trang trại chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Minh Tâm.

Thượng nguồn sông Sài Gòn đổ vào lòng hồ Dầu Tiếng - công trình thủy lợi nhân tạo lớn vào loại bậc nhất Đông Nam Á - không chỉ phục vụ tưới tiêu cho hàng chục ngàn ha nông nghiệp thuộc tỉnh Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh mà còn cung cấp nước cho các nhà máy lọc nước ở Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời là nguồn thủy hải sản thu hút hàng ngàn ngư dân địa phương và các nơi khác đến mưu sinh, lập nghiệp.

Lê Trực

  • Từ khóa
46627

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu