Thứ 7, 20/04/2024 17:23:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:20, 04/10/2016 GMT+7

Thưởng, phạt thời Trần

N.D
Thứ 3, 04/10/2016 | 09:20:00 732 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư quê ở Chí Linh, Hải Dương. Ông là võ tướng thời nhà Trần, được thừa hưởng tước hầu từ người cha Thượng tướng Nhân Huệ Hầu Trần Phó Duyệt. Sau này, khi được vua Trần Thánh Tông nhận làm con nuôi, ông mới được hưởng tước Nhân Huệ Vương. Ông nổi tiếng về tài cầm quân và đã góp công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông của nước Đại Việt.

Là người có tài kiêm văn võ và được vua Trần rất yêu mến, nhưng ông cũng có tật xấu là tham lam hiếu sắc. Năm 1257, khi quân Nguyên vào cướp nước ta, Trần Khánh Dư nhân sơ hở đánh úp quân giặc. Thượng hoàng khen ông có trí lược, lập làm Thiên tử nghĩa nam (con nuôi). Sau đó, ông lại đánh người Man ở vùng núi, thắng lớn, được phong làm Phiêu Kỵ đại tướng quân. Chức Phiêu Kỵ tướng quân này nếu không phải là hoàng tử thì không được phong. Vì Khánh Dư là Thiên tử nghĩa nam cho nên mới có lệnh đó. Rồi từ trật hầu thăng mãi đến tử phục thượng vị hầu.

Minh họa: S.H

Về sau, vì Trần Khánh Dư thông dâm với công chúa Thiên Thụy nên bị phạt đánh trượng ở Hồ Tây. Theo quy luật đời Trần ông sẽ bị phạt 100 gậy, hình phạt này là đánh cho đến chết. Nhưng vua lại dặn khi đánh thì chúc đầu gậy xuống đất. Như vậy sức đánh một phần xuống đất một phần vào người. Khi hết 100 trượng, Trần Khánh Dư đau quá, nhưng không chết. Cũng theo luật đời ấy, nếu không chết sau 100 trượng thì có nghĩa là được thần linh phò hộ và được tha chết.

Ít lâu sau, nhà vua xuống chiếu đoạt hết quan tước, quân tịch thu tài sản không để lại cho Trần Khánh Dư một chút gì. Châu Chí Linh vốn là của riêng của Thượng tướng Trần Phó Duyệt nên Khánh Dư mới giữ lại được. Khánh Dư lui về ở Chí Linh, cùng đám hèn hạ làm nghề bán than. Khi vua Trần cho tổ chức hội quân sự ở Bình Than, nhà vua đang cho thuyền đi trên sông Đuống qua vùng Chí Linh, Hải Dương thấy người chèo đò bán than. Vua biết đó là Trần Khánh Dư và cho binh sĩ đến mời vào họp. Trong cuộc họp, Trần Khánh Dư đã trình bày nhiều chiến lược hợp với ý nhà vua nên vua phong ông làm phó tướng. Lúc Trần Khánh Dư đánh Ô Mã Nhi nhưng lại bị thua, nhà vua gọi về phạt. Trần Khánh Dư xin hoãn vì ông có thể phá giặc ở trận kế tiếp. Quả thật ông lừa Ô Mã Nhi, rồi đánh đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ tan tành. Nhờ đó mà quân dân nhà Trần đã đại thắng trong trận Bạch Đằng.

Cũng nói về việc thưởng phạt thời Trần, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép: Trước kia, người Nguyên vào cướp, vương hầu, quan lại nhiều người đến doanh trại giặc xin hàng. Đến khi giặc thua bắt được cả một hòm biểu xin hàng. Thượng hoàng sai đốt hết đi để yên lòng những kẻ phản trắc. Chỉ có kẻ nào đầu hàng trước đây thì dẫu bản thân ở triều đình giặc, cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản, sung công, tước bỏ quốc tính. Như Trần Kiện là con của Tĩnh Quốc thì đổi làm họ Mai. Người khác cứ theo lệ ấy mà đổi. Riêng Trần Ích Tắc là chỗ tình thân cốt nhục, tuy trị tội cũng thế, nhưng không nỡ đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, có ý chê hắn hèn nhát như đàn bà vậy. Đối với quân lính và dân thường nếu phạm tội hàng giặc thì được miễn tội chết, nhưng bắt chở gỗ, đá, xây cung điện, quan viên phạm tội thì tùy tội nặng nhẹ mà xét xử.

Cũng vào thời ấy, có người tên Đặng Long là cận thần của nhà vua, người này rất giỏi văn học và đã được ghi chú để cất nhắc. Vua định cho làm Hàn lâm học sĩ, nhưng thượng hoàng ngăn lại và nói: Hắn mang dạ bất bình, đến giờ cũng hàng giặc. Giặc thua, hắn bị bắt nên đem chém để răn bảo kẻ khác.

Lời bàn:

“Hiền tài là nguyên khí quốc gia”, trong quá trình dựng nước và giữ nước, việc dùng người nói chung và việc sử dụng hiền tài nói riêng luôn được các triều đại phong kiến ở nước ta đặc biệt quan tâm. Ngay trong giai đoạn mở đầu kỷ nguyên Đại Việt, ông cha ta cũng đã có những phương sách dùng người rất tài tình và đắc dụng. Và một trong những kế sách hữu hiệu trong việc sử dụng hiền tài của tổ tiên chúng ta là thưởng và phạt phân minh. Nội dung của giai thoại trên đây đã phần nào chứng minh cho việc thưởng, phạt của thời Trần kể cả lúc kháng chiến cũng như thời bình. Chính vì vậy mà nhà Trần đã quy tụ được những bậc hiền tài kiệt xuất của thời đại và đặc biệt thu phục được trăm họ về một mối, toàn dân một ý chí và nhờ đó mà triều đại nhà Trần đã làm nên hào khí Đông A. Đó là tinh thần tự lập, tự cường, lòng yêu nước, khát vọng lập công giúp nước; ý chí quyết chiến, quyết thắng mọi kẻ thù. 

Thế mới hay rằng, cách thưởng, phạt phân minh, đúng lúc, đúng nơi và đúng người, đúng tội sẽ tạo ra sức mạnh chống lại mọi kẻ thù. Bởi việc làm này bao giờ cũng tạo cho nhân dân tin tưởng vào sự công minh, chính đại của người cầm quyền. Tiếc rằng, việc này không phải thời nay ai cũng hiểu và làm theo. Bởi thế đâu đó mới có chuyện chạy điểm, danh hiệu, phần thưởng, giấy khen... để được tăng lương, lên chức. Tuy nhiên, đó chỉ là những việc làm của người thiếu hiểu biết. Bởi quy luật ở đời bao giờ và thời nào cũng vậy, cái gì không phải của mình, không có công sức của mình thì đừng “cố chạy”, vì nếu có được thì sau đó rồi cũng lại sẽ mất và thậm chí còn phải trả giá quá đắt. Ai chưa tin xin hãy cứ nghe, đọc về Trịnh Xuân Thanh thì ắt sẽ rõ.

  • Từ khóa
109843

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu