Thứ 6, 26/04/2024 05:19:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 13:22, 14/10/2015 GMT+7

Tiềm năng dịch vụ môi trường rừng tỉnh Bình Phước

Thứ 4, 14/10/2015 | 13:22:00 727 lượt xem

BP - Bình Phước có diện tích đất tự nhiên 687.154 ha, là nơi định cư, sinh sống của trên 922.889 người gồm nhiều dân tộc khác nhau. Theo số liệu diễn biến rừng năm 2014 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổng diện tích đất lâm nghiệp 178.417,57 ha, trong đó đất rừng đặc dụng 31.397,78 ha, đất rừng phòng hộ 44.544,71 ha, đất rừng sản xuất 102.475,08 ha. Theo hiện trạng sử dụng đất thì diện tích có rừng là 115.617,96 ha (gồm 58.263,41 ha rừng tự nhiên với nhiều loại hiện trạng khác nhau, biến động từ rừng nghèo kiệt bị tác động mạnh đến rừng giàu, nguyên sinh); 57.354,55 ha rừng trồng; 61.546,06 ha đất chưa có rừng.

Bình Phước có khả năng cung ứng được cả 5 loại dịch vụ môi trường rừng - ảnh chụp tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập - Hải Châu

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, Bình Phước có khả năng cung ứng được cả 5 loại dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24-9-2010 của Chính phủ. Theo kế hoạch thu, chi tiền DVMTR năm 2015, hiện xác định được 9 đơn vị chủ rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR, gồm: Vườn quốc gia Bù Gia Mập, Vườn quốc gia Cát Tiên, Ban quản lý rừng phòng hộ Bù Gia Phúc, Hạt Kiểm lâm thị xã Phước Long, các Công ty TNHH MTV: Cao su Sông Bé, cao su Phước Long, cao su Bình Phước, cao su Phú Riềng và Trung tâm Ứng dụng khoa học lâm nghiệp Nam bộ. Các chủ rừng và cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp có đội ngũ cán bộ kỹ thuật đủ năng lực để thực hiện việc chi trả DVMTR. Đồng thời cũng xác định được 19 đơn vị sử dụng DVMTR của tỉnh, gồm: 7 cơ sở sản xuất thủy điện (trong đó 5 cơ sở do Quỹ Trung ương điều tiết); 10 cơ sở sản xuất nước sạch (trong đó 7 cơ sở do Quỹ Trung ương điều tiết) và 2 tổ chức kinh doanh du lịch. Tính đến tháng 8-2015, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của tỉnh đã thu được 68,87 tỷ đồng tiền ủy thác chi trả DVMTR từ các cơ sở, tổ chức sử dụng DVMTR của tỉnh.

Từ những đặc điểm tiềm năng nêu trên có thể thấy, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR tỉnh có những thuận lợi như: Toàn bộ diện tích tự nhiên của tỉnh phân bố trên ba lưu vực lớn là sông Bé, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Đây là những lưu vực có tiềm năng cho sản xuất thủy điện, nước sản xuất và nước sinh hoạt ở khu vực miền Đông Nam bộ. Phần lớn diện tích rừng phân bố ở những khu vực phát huy được giá trị DVMTR. Đặc biệt là điều tiết và duy trì nguồn nước. Điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển cả về số lượng và chất lượng rừng. Số lượng cơ sở, tổ chức sử dụng DVMTR của tỉnh tương đối nhiều. Qua đó, góp phần cải thiện đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những thuận lợi thì cũng còn một số hạn chế như: Tổng diện tích đất lâm nghiệp chiếm 25,96% diện tích tự nhiên của tỉnh là không nhiều so với một số tỉnh có chung lưu vực chi trả DVMTR. Bên cạnh đó, diện tích đất chưa có rừng là 61.546,06 ha (chiếm 34,5% diện tích đất lâm nghiệp). Vì vậy, cần phải phát triển những mô hình rừng trồng đa mục đích, bền vững, phù hợp với điều kiện của địa phương, có đủ điều kiện cung ứng DVMTR trên diện tích đất chưa có rừng. Giá chi trả DVMTR đang áp dụng một mức giá chung cho toàn tỉnh, chưa phản ánh đúng chất lượng dịch vụ của mỗi lô rừng, chưa công bằng. Vì vậy, cần tính toán cụ thể giá chi trả cho mỗi lô rừng theo lưu vực và đơn vị sử dụng DVMTR.

TS. Trần Quốc Hoàn, ThS. Nguyễn Tiên Phong
(Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng)

  • Từ khóa
46647

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu