Thứ 3, 16/04/2024 12:55:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:08, 12/11/2019 GMT+7

Tiềm năng phát triển nuôi cá nước ngọt ở Phú Riềng

Thứ 3, 12/11/2019 | 08:08:00 1,609 lượt xem
BP - Những năm qua, nhiều nông dân ở xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng chú trọng đa dạng hóa mô hình phát triển kinh tế. Đặc biệt, người dân đã tận dụng khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên như diện tích ao hồ khá lớn ở địa bàn để nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Vì thế, nghề nuôi cá đã trở thành một trong những lựa chọn phát triển kinh tế của người dân nơi đây.

Với 8 sào ao nuôi cá, ngoài số cá lưu cũ, đợt nuôi mới này, gia đình ông Đặng Văn Cường, thôn Phú Thành, xã Phú Riềng, thành viên Câu lạc bộ (CLB) Khuyến ngư thôn Phú Thành đã thả thêm 30kg cá giống chép đỏ, chép koi, rô phi đơn tính... Hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá, ông tự tin đợt xuống giống này cũng thành công. Ông Cường cho biết: “Ban đầu tôi nuôi cá chỉ để cải thiện cuộc sống, về sau trở thành nghề chính của gia đình. Thức ăn cho cá có sẵn trong tự nhiên như rau, cỏ, hay cám tự chế, an toàn với sức khỏe mọi người”.

Nghề nuôi cá ở Phú Riềng có nhiều tiềm năng nhưng còn không ít khó khăn

Với diện tích nuôi cá nước ngọt hơn 1,2 ha, trước đây, ông Nguyễn Văn An ở thôn Phú Thành thường ương cá bột, cá giống bán cho các hộ nuôi trong huyện. Khoảng 3 năm trở lại đây, ông chuyển sang nuôi cá thịt thương phẩm. Ông An thường nuôi cá riêng biệt theo 2 ao, một ao nuôi thả cá giống, sau một năm đánh bắt số lượng cá lớn nhất định, số còn lại ông thả sang ao bên cạnh để nuôi từ 2-3 năm rồi thu hoạch một lần, đem lại nguồn thu đáng kể. Đợt xuống giống vừa rồi, ngoài sự hỗ trợ 10kg cá giống rô phi đơn tính của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh, ông thả hơn 20kg cá giống chủ yếu chép koi, trắm... Ông An cho biết: Nuôi cá thường lấy công làm lời. Cá nuôi thường mắc chủ yếu một số bệnh như nấm, hô hấp dẫn đến chết. Nếu phòng ngừa, vệ sinh ao, lọc nước sạch khi đưa nước vào ao trước khi nuôi, cá sẽ ít bị bệnh.

Thành lập từ những năm 1990, đến nay, CLB khuyến ngư thôn Phú Thành có diện tích mặt nước hơn 94.000m2 với 27 hộ tham gia sinh hoạt, tập trung chủ yếu các hộ nuôi cá ở thôn Phú Thành và một số hộ nuôi cá ở thôn Phú Hưng. Ông Đỗ Bá Dung, Chủ nhiệm CLB cho biết: Hiện các thành viên trong CLB chủ yếu nuôi cá theo hình thức nuôi bán thâm canh với đa dạng các loại như: trắm cỏ, trôi, rô phi, chép koi... Thức ăn cho cá là rau cỏ, tự chế và cám công nghiệp. Tại các buổi sinh hoạt, thành viên thường trao đổi kỹ thuật nuôi, cách phòng trừ bệnh ở cá, cách thau ao, vệ sinh môi trường nước. Tuy nhiên, CLB còn gặp khó khăn do chưa có đầu ra ổn định, chủ yếu bán cá thương phẩm cho các mối quen, thương lái tại các chợ ở xã và vùng lân cận nên thường xuyên xảy ra tình trạng bị ép giá, khiến nhiều hộ không thể mở rộng diện tích nuôi.

Xã Phú Riềng có điều kiện tự nhiên thuận lợi, diện tích mặt nước lớn, nguồn nước quanh năm, độ sâu phù hợp phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Thời gian qua, xã Phú Riềng đã thành lập các tổ khuyến ngư để trao đổi kinh nghiệm nuôi cá. Trong đó có 2 CLB nuôi cá hoạt động khá hiệu quả là: Khuyến ngư thôn Phú Thành; Khuyến ngư thôn Phú Lợi có 21 thành viên với 42 ao, diện tích hơn 42.000m2. Để hỗ trợ các CLB, Hội Nông dân xã thường xuyên phối hợp trung tâm dịch vụ nông nghiệp tỉnh, huyện tổ chức các lớp tập huấn phổ biến kiến thức nuôi trồng thủy sản cho bà con, hỗ trợ cung cấp con giống, tổ chức các chuyến tham quan mô hình nuôi cá hiệu quả ở các địa phương để người dân học tập kinh nghiệm.

Vũ Nam

  • Từ khóa
39820

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu