Thứ 6, 19/04/2024 05:09:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:02, 30/07/2015 GMT+7

Tiền điện tăng, đâu là sự thật của vấn đề?

Thứ 5, 30/07/2015 | 08:02:00 463 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về “Tiền điện tăng đột biến”, trong đó cũng có rất nhiều suy nghĩ trái chiều. Vậy, nguyên nhân và bản chất vấn đề như thế nào? Dưới góc nhìn của một người quản lý ở cơ sở điện lực, chúng tôi xin được trình bày một số tình huống cơ bản và cách ứng xử của cán bộ- công nhân viên (CB-CNV) trực tiếp làm công tác này.

Điện là loại hàng hóa gì?

Trước hết, chúng ta phải nhận thức rõ “điện năng” là loại hàng hóa “đặc biệt”, được Nhà nước quy định mức giá mua, bán, chứ không phải “thuận mua, vừa bán”. Rất nhiều người nghĩ, ngành điện “độc quyền” là chưa để ý đến khái niệm này. Trong lĩnh vực giá cả, mà theo kinh tế vĩ mô là có “độc quyền ngành” và “độc quyền nhà nước”. Ở đây, điện năng là độc quyền nhà nước đúng nghĩa cả về lý thuyết kinh tế cũng như thực tế diễn ra ở rất nhiều nước trên thế giới. Nhiều người than rằng, thứ gì mua nhiều cũng rẻ, chỉ có điện càng mua nhiều càng đắt (điện sinh hoạt). Hơn nữa mua vào thời điểm trong ngày khác nhau thì giá cũng khác nhau.

Người dân giao dịch tại trụ sở Điện lực Đồng Xoài - Ảnh: C.TR

Sự thắc mắc về tiền điện chắc ở điện lực nào cũng có. Tuy nhiên, tiếp cận như thế nào để làm “hài lòng khách hàng” mới là vấn đề then chốt mang đến sự đồng thuận giữa người mua và người bán. Rất nhiều trường hợp khách hàng do “xót” tiền điện nhiều mà phản ánh hơi gay gắt, còn nhân viên điện lực thì cứ giữ quan điểm “làm gì có chuyện đó!”. Cũng xin cho biết là: Ngành điện đang dần cải thiện hình ảnh của mình qua hàng loạt chương trình, như “Văn hóa doanh nghiệp”; “Nụ cười, niềm tin điện lực”; chương trình và năm “Dịch vụ khách hàng”; hành động một cách “Tận tâm, văn minh, chuyên nghiệp”... Tất cả khẩu hiệu, hành động đó có thành công hay không phụ thuộc lớn vào sự tận tâm, văn minh, chuyên nghiệp của CB-CNV trực tiếp làm việc với khách hàng.

Nhân viên Điện lực Bình Phước đấu nối đường điện cao thế - Ảnh: S.H

Vậy tại sao chúng ta lại không ôn tồn hợp tác và tìm ngay xem đâu là sự thật của vấn đề? Đơn cử như, tiền điện tăng mà sản lượng (kWh) không tăng, hãy tìm hiểu: Cơ cấu giá điện của Chính phủ tăng vào thời gian đó; thời gian, thời lượng sử dụng cao điểm, bình thường, thấp điểm khác nhau (đối với ngoài mục đích sinh hoạt); tỷ lệ điện dùng cho nhiều mục đích khác nhau có thay đổi (đối với ngoài mục đích sinh hoạt); biến động về mục đích sử dụng điện (do áp giá lại); đồng hồ trong công tơ điện tử chạy sai, dẫn đến nhầm lẫn điện năng của các biểu giá...

Hay tiền điện tăng do sản lượng (kWh) tăng mà khách hàng cho rằng phụ tải không thay đổi, đa số khách hàng sẽ nghĩ ngay đến việc công tơ chạy nhanh. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó xảy ra, vì công tơ đã phải qua nhiều chế độ kiểm định, từ kiểm định ban đầu cho đến khi kiểm định đưa vào sử dụng, phải đạt chuẩn đo lường mà pháp luật quy định. Thực tế, chi cục đo lường đã nhiều lần đi kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên toàn tỉnh, cho thấy không có trường hợp công tơ chạy nhanh vượt cấp chính xác cho phép.

Những nguyên nhân cần được chia sẻ

Chúng ta sẽ tìm hiểu một vài trường hợp cơ bản, như: Chạm chập, rò điện sau công tơ. Đây là nguyên nhân chiếm phần lớn đơn, thư khiếu nại của khách hàng. Mặc dù sau công tơ ngành điện không chịu trách nhiệm nhưng ngành điện cũng hết sức giúp đỡ trong thời gian sớm nhất nhằm tránh lãng phí và tạo an toàn điện cho khách hàng.

Điện năng dùng cho sinh hoạt có nhiều giá, theo từng bậc thang giá tăng khác nhau. Điều này không chỉ có ở nước ta mà rất nhiều nước trên thế giới có giá điện năng tăng theo bậc thang từ 3 đến 10 bậc. Ví dụ như: Hồng Kông 7 bậc, Lào 3 bậc, Indonesia 6 bậc, Malaysia 10 bậc, Thái Lan 9 bậc. Ngay Mỹ cũng có 5 bậc, Nga 3 bậc... Nhiều nước lại có thêm giá điện tăng, giảm theo mùa.

Sở dĩ giá điện sinh hoạt càng sử dụng nhiều thì giá càng cao là do Chính phủ muốn chúng ta tiết kiệm trong tiêu dùng, ưu tiên điện năng cho các ngành sản xuất, dịch vụ (chỉ chia làm 3 biểu giá theo cao điểm, bình thường, thấp điểm và không có bậc thang).

Thay công tơ điện có cấp chính xác công tơ sau tốt hơn cấp chính xác công tơ trước. Điều này điện năng đo được cũng chính xác hơn và cũng có nghĩa là đo đếm “chi li” hơn. Trước kia, ở cấp chính xác CL2 thì có thể ngay cả một bóng đèn ngủ cũng bị công tơ “bỏ qua”. Bây giờ cấp chính xác CL1 hoặc 0.5, hoặc tốt hơn nữa thì một cái đèn led báo hiệu có điện ở cầu dao, vài cục xạc pin điện thoại hoặc Ipad, tivi ở chế độ chờ (do tắt bằng remote), cái đèn thắp cho ông địa... cũng không “thoát” được. Điều đó là đúng, tất cả các thiết bị có dùng điện, dù ít hay nhiều cũng phải tiêu thụ điện năng. Ngay cả công tơ đo đếm điện năng cũng phải tiêu thụ hàng Wh điện mà ngành điện phải chịu và đưa vào tổn thất. Chúng ta thường để các thiết bị tiêu thụ điện ở chế độ chờ nêu trên, thật ra công suất không lớn, nhưng cứ 24/24 giờ, và từ ngày này, qua ngày khác thì chắc chắn phần tiêu hao điện năng là đáng kể. Nói như vậy để chúng ta đừng đổ lỗi cho “điện kế điện tử”, thiếu để ý đến bản chất của vấn đề, tạo nên dư luận không tốt và sai lệch hoàn toàn với bản chất của sự thật.

Sử dụng trung tính chung của các hộ khác (đối với điện kế điện tử PLC) cũng cho kết quả đo đếm sai. Dịp tăng giá điện trùng vào dịp nắng nóng kéo dài, ghi điện lố (có thể đọc nhầm số) hoặc tháng trước khai thác chưa hết số, tháng này khai thác hết số, ghi đúng số nhưng nhập INDEX số khác, ghi nhà này nhầm qua nhà khác...

Cuối cùng vẫn là thái độ tiếp cận và trách nhiệm của CB-CNV trực tiếp làm công tác này. Nếu không khéo thì rất nhiều khách hàng suy nghĩ: Điện lực làm như vậy là để lấy tiền chênh lệch bỏ túi. Xin khẳng định là không bao giờ có chuyện đó và không có cách nào để lấy được tiền chênh lệch đó. CB-CNV ngành điện được nhà nước giao cho mua, bán mặt hàng mà giá mua vào và giá bán ra đều do Chính phủ quy định. Nhiệm vụ và mong muốn của ngành là làm cho đúng quy định về giá điện mà Chính phủ ban hành.

Bùi Văn Thanh

  • Từ khóa
92663

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu