Thứ 5, 25/04/2024 08:36:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 14:14, 21/10/2014 GMT+7

Tiếng trẻ khóc đêm

Thứ 3, 21/10/2014 | 14:14:00 122 lượt xem
BP - Mấy tối liền, cái chị đang nuôi con nhỏ ở phòng trọ kế bên phải ẵm con ra sân ru khàn giọng mà đứa bé cứ khóc không chịu ngủ. Hỏi nó mắc bệnh gì, sao bế ra ngoài trời sương gió? Chị bảo nó đói chứ bệnh tình gì đâu!

Trời, con còn ẵm ngửa mà để nó đói là sao? Chị vừa vỗ lưng con vừa thút thít. Khổ lắm cô ơi, hai vợ chồng làm công nhân ở Khu công nghiệp Tân Thành, lương tám triệu. Giờ con nghỉ sinh, thu nhập chỉ còn một nửa mà chi phí tăng lên gấp mấy lần. Con lại sinh mổ, dùng kháng sinh nhiều nên tắt sữa, con bé phải uống sữa ngoài toàn phần. Nhưng cứ mỗi lần mua sữa lại thấy giá nhích lên. Nó còn bé tí mà phải cho uống sữa cầm chừng, không đủ no nên không chịu ngủ. Rồi chị hỏi, không biết Nhà nước có cách gì để sữa rẻ hơn không cô? Cứ thế này công nhân chúng con làm sao sống được!? Ờ, hình như Quốc hội đang bàn chuyện tăng thuế rượu bia, thuốc lá trước đã. Chắc xong vụ này rồi sẽ bàn đến giá sữa thôi! Tôi trả lời thế vì nhớ tháng trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội có họp bàn việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm hàng rượu bia, thuốc lá để hạn chế số người sử dụng và tăng thu ngân sách.

Thật không ở đâu như nước ta, trong khi giá thuốc, giá sữa cao ngất và cứ mỗi năm vài lần tăng giá, còn rượu bia, thuốc lá thì lại rẻ và sẵn đến vậy. Có lẽ vì thế mà Việt Nam hiện là nước đứng đầu thế giới với mức tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia, 68 triệu lít rượu mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ dùng sữa của người Việt lại thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 14 lít/người/năm so 25 lít của Trung Quốc, 24 lít của Thái Lan... Tất nhiên, những con số này chỉ là tương đối, nhưng nó đang cho thấy một thực trạng hết sức bất hợp lý ở nước ta. Đó là những chất độc hại, không khuyến khích tiêu thụ thì được bán rất rẻ. Nó không chỉ trực tiếp giết dần mòn những người sử dụng mà còn gián tiếp gây bao tác hại khôn lường cho hàng chục triệu người xung quanh. Nó tạo áp lực nặng nề lên an toàn giao thông, hệ thống y tế, bảo hiểm xã hội, nền tảng văn hóa và giáo dục con người... Những thứ độc hại này còn làm hàng tỷ USD chảy ra nước ngoài mỗi năm, làm giảm hiệu quả tư duy, năng suất lao động và làm thui chột giống nòi... Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu như sữa, thuốc chữa bệnh giá lại trên trời.

Thực ra, từ 1-6 năm nay, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá đối với mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Đã có 25 nhãn hàng sữa các loại bị áp giá trần. Tuy nhiên, các nhà sản xuất, phân phối chẳng khó khăn gì để lách quy định bằng cách đổi tên sản phẩm để vẫn tăng giá bán và người tiêu dùng đành cắn răng chịu.

Tại sao chúng ta không “đổi vai” các mặt hàng này như nhiều nước đã làm - trợ giá, giảm giá sữa đến mức tối đa để có nhiều trẻ em được uống sữa và đánh thuế thật cao đối với các mặt hàng hạn chế sử dụng? Có người nói tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia, thuốc lá thì buôn lậu sẽ gia tăng và ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất... Điều đó cũng đúng, nhưng so với việc hàng chục triệu trẻ em đêm đêm khóc ngằn ngặt vì thiếu sữa, hàng chục triệu bà mẹ phải rơi nước mắt khi nhìn con thòm thèm ôm chiếc bình sữa đã cạn thì ta có nên bàn tới bàn lui chuyện này nữa không!?

L.T

 

 

  • Từ khóa
108397

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu