Thứ 5, 18/04/2024 15:31:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:24, 02/02/2018 GMT+7

Tiếp sức người dân Tân Hưng thoát nghèo

Thứ 6, 02/02/2018 | 14:24:00 146 lượt xem
BP - Đầu năm 2017, xã Tân Hưng (Đồng Phú) có 1.239 hộ dân, trong đó 520 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện đời sống nhân dân.

Ngay từ đầu năm 2017, UBND xã đã kiện toàn Ban chỉ đạo giảm nghèo xã do Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban; đại diện các ban, ngành, đoàn thể là thành viên. Ban chỉ đạo phân công các thành viên phụ trách địa bàn từng ấp. Qua rà soát đầu năm, toàn xã có 147 hộ nghèo, chiếm 11,86%, trong đó đồng bào DTTS 76 hộ. Ban chỉ đạo đã cùng ban điều hành ấp tiếp cận từng hộ nghèo để tìm hiểu nguyên nhân và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Qua đó, Ban chỉ đạo đã phân loại các nhóm hộ nghèo cần được hỗ trợ: nhóm thứ nhất có 21 hộ là đối tượng được bảo trợ xã hội; nhóm thứ 2 có 126 hộ nghèo, trong đó 55 hộ khó khăn về nhà ở, 79 hộ thiếu vốn sản xuất, 41 hộ có nhu cầu về việc làm.

Lãnh đạo chính quyền và các nhà hảo tâm trao nhà tình thương tặng hộ nghèo xã Tân Hưng

Từ đó, Ban chỉ đạo giảm nghèo xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, ban điều hành ấp quan tâm thực hiện đồng loạt các chính sách hỗ trợ người nghèo. Năm 2017, UBND xã đã chi trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội, bảo hiểm xã hội, người có công với tổng 492,741 triệu đồng; vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ xây dựng 22 căn nhà tình thương. UBND xã đã vận động các đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình chính sách, người có công 1.215 phần quà trị giá 364 triệu đồng, 3.520kg gạo, 181 phần quà và dụng cụ học tập cho học sinh nghèo, cận nghèo; phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện hỗ trợ 3.660kg gạo cho 130 hộ dân.

Năm qua, xã Tân Hưng đã triển khai lồng ghép và phát huy hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, như: Đầu tư nâng cấp và mở rộng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. UBND xã tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện mở các lớp tập huấn, hội thảo đầu sbờ, khuyến khích nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện của từng hộ...

Ấp Suối Nhung có 202 hộ dân, trong đó 45 hộ nghèo. Ông Thạch Bỉ, Trưởng ấp cho biết: Là ấp có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất xã, Ban điều hành ấp trực tiếp đến từng hộ nắm tâm tư, nguyện vọng, chỉ ra nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Ban ấp đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: họp dân, thông tin trên hệ thống truyền thanh, băng rôn, khẩu hiệu, hoặc đến tận gia đình để vận động các hộ tích cực tăng gia sản xuất phát triển kinh tế. Vì vậy, năm 2017, ấp chỉ còn 7 hộ nghèo, giảm được 38 hộ so với đầu năm, chiếm 3,46% tổng hộ dân trong ấp.

Gia đình chị Lục Thị Phượng (SN1982, dân tộc Nùng), ngụ ấp Suối Đôi, sau khi sinh 3 đứa con, chồng bỏ về quê sống, một mình chị làm thuê nuôi các con ăn học. Tuy chăm chỉ lao động nhưng cuộc sống của gia đình chị vẫn thiếu trước hụt sau. Năm 2017, chị được chính quyền xã xây dựng căn nhà tình thương trị giá 40 triệu đồng và cho vay 25 triệu đồng để đầu tư phát triển kinh tế. Có nơi ở ổn định, chị tích cực lao động sản xuất và chăn nuôi gà, vịt để tăng thu nhập. Cuối năm 2017, gia đình chị đã thoát nghèo.

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, năm 2017, Tân Hưng giảm được 105 hộ nghèo, giảm 71% so với tổng hộ nghèo đầu năm, vượt 41% so với chỉ tiêu UBND huyện giao. Phó chủ tịch UBND xã Phan Thị Bình cho biết: Những chính sách hỗ trợ người nghèo chỉ mang tính tạm thời, chúng tôi phải thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu” giúp người dân nâng cao nhận thức và quyết tâm lao động sản xuất để thoát nghèo. Khi người dân nhận thức rõ điều đó thì giảm nghèo mới bền vững.

Khắc Bảy

  • Từ khóa
42466

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu