Thứ 6, 26/04/2024 09:18:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:57, 25/09/2018 GMT+7

Tiết kiệm con săn sắt, bị bắt con cá rô

Thứ 3, 25/09/2018 | 09:57:00 159 lượt xem

BP - Theo số liệu báo cáo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Bộ Công an tổ chức ngày 21-9, từ năm 2013 đến hết 6 tháng năm 2018, cả nước xảy ra 16.895 vụ cháy, làm chết 471 người, bị thương 1.122 người, thiệt hại tài sản ước tính 9.124 tỷ đồng và 6.060 ha rừng. Như vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 10 vụ cháy được thống kê, chưa tính số người chết, mỗi vụ cháy thiệt hại khoảng 500 triệu đồng, mỗi năm thiệt hại xấp xỉ 2.000 tỷ đồng và 1.200 ha rừng. Từ đó có thể thấy thiệt hại do các vụ cháy lớn như thế nào.

Năm 2018, thực hiện Công điện số 01/2018/CĐ-BCA-V11 của Bộ Công an, công an các địa phương đã kiểm tra 87.178 lượt trong số 259.128 cơ sở sản xuất - kinh doanh cả nước, trong đó 104.514 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Qua đó phát hiện tới 109.116 cơ sở vi phạm phòng cháy chữa cháy, tức là có đơn vị phát hiện hơn 1 lần vi phạm và hầu như cơ sở nào có nguy cơ thì đều vi phạm.

Đến nay, người dân Đồng Xoài nói riêng và Bình Phước nói chung hẳn chưa quên vụ cháy xảy ra ngày 15-2-2017 tại cửa tiệm buôn bán quần áo, giày dép Thủy Trinh ở khu chợ đêm Đồng Xoài khiến hai mẹ con chủ tiệm thiệt mạng và hàng tỷ đồng tài sản bị thiêu rụi. Nguyên nhân chính là tiệm không có hệ thống phòng cháy theo quy định, xây dựng không bảo đảm thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra... Đây chỉ là một trong số nhiều vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn Bình Phước xảy ra trong thời gian qua có cùng nguyên nhân như vậy.

Một điều rất đáng lưu ý là giải quyết những vấn đề đặt ra sau vụ cháy. Việc xử lý ở góc độ pháp luật đương nhiên phải thực hiện. Đó là tìm nguyên nhân, có trường hợp phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can để xem xét trách nhiệm và cảnh báo tới người dân, cơ sở, doanh nghiệp. Việc này mất nhiều thời gian, công sức của cơ quan chức năng và truyền thông cũng tích cực đưa tin tới công chúng. Tuy nhiên, hầu hết vụ việc chỉ dừng ở đó. Còn một việc rất quan trọng, dù ít tốn kém, không phức tạp nhưng ở góc độ nào đó lại là vấn đề quan trọng nhất, song không được quan tâm hoặc đề cập rất mờ nhạt. Đó là tuyên truyền, hướng dẫn để làm sao không xảy ra trường hợp tương tự.

Sau các vụ cháy, cơ quan chức năng và truyền thông chủ yếu đề cập đến nguyên nhân, mức độ thiệt hại. Còn việc tư vấn, hướng dẫn làm sao để không xảy ra cháy lại rất ít được quan tâm. Mặt bằng chung nhận thức đều cho rằng cháy chủ yếu do chập điện hoặc cháy do bất cẩn sử dụng lửa. Trong khi đó có tới 1.001 nguyên nhân dẫn tới cháy và không trường hợp nào giống trường hợp nào. Hậu quả đôi khi nghiêm trọng gấp 1.001 lần chỉ vì... 1 cục gạch. Vì đó là cục gạch người dân dùng để chặn cửa thoát hiểm của chung cư mà mỗi lần đi “chui” qua cánh cửa đó họ phải mở cánh cửa “vô ích” ấy... Nhiều cơ sở, doanh nghiệp lại tiết kiệm “con săn sắt” vài chục triệu đồng, thậm chí chỉ vài triệu đồng cho hệ thống phòng cháy, mà xem thường nguy cơ có thể bị thiêu rụi “con cá rô” hàng tỷ đồng...

Tất cả những điều này có một điểm chung là nhận thức không đầy đủ, đúng đắn. Hy vọng những con số công bố ngày 21-9 sẽ góp phần cùng ngành chức năng cải thiện đáng kể ý thức phòng cháy trong toàn xã hội, đặc biệt là trong việc tuyên truyền, cảnh báo, tư vấn hạn chế thiệt hại do cháy gây ra. Hy vọng sẽ không còn tư tưởng tiết kiệm “con săn sắt” trong tuyên truyền hay trang bị hệ thống phòng cháy, để rồi lại tiếp tục bị thiêu rụi những “con cá rô” như trong thời gian qua.

Hưng Nguyên

  • Từ khóa
108961

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu